Khi “bố” không chịu nhận “con”?
Thực tế việc chuyển giao này không mới và cũng không gây sửng sốt với lãnh đạo UBND TP.Hải Phòng trong cuộc họp hồi đầu tuần. Lý do rất đơn giản là: Đầu tư cho bóng đá ở mức 70 tỉ đồng/năm được cho là khoản đầu tư ngoài ngành của Vicem mà trong quá trình tái cơ cấu, họ buộc phải cắt bỏ.
Sau khi xem xét đề án tái cơ cấu Vicem giai đoạn 2013- 2015, tháng 6.2013, Chính phủ đã yêu cầu Vicem thoái vốn tại hàng chục Cty “con, cháu” để giải quyết cơn khủng hoảng tài chính trong bối cảnh ximăng ế ẩm do thị trường bất động sản đóng băng.
Đội bóng Vicem Hải Phòng là một phần của chuyện tái cơ cấu. Chuyện phải đến khi “bà mẹ” là Vicem và Cty Ximăng Hải Phòng không nuôi được đứa con bóng đá chỉ biết tiêu tiền. Đó là một nghịch lý tồn tại từ nhiều năm khi Cty Ximăng Hải Phòng năm 2013 với 1.300 công nhân “chỉ dám” phấn đấu nộp ngân sách 56 tỉ đồng, trong khi dự toán chi cho CLB Vicem Hải Phòng lên tới... 75 tỉ cho mùa giải 2014.
Chưa chính thức chuyển giao, nhưng phía UBND TP.Hải Phòng “tạm chấp nhận” ôm đội bóng, nhưng cũng khẳng định: Không có chuyện lấy tiền ngân sách ra nuôi đội, đặc biệt phản đối thông tin UBND TP.Hải Phòng sẽ đóng góp 30% cổ phần tại Cty CP bóng đá Hải Phòng sắp thành lập.
Nên nhớ rằng về bản chất, Vicem Hải Phòng hiện là “con” của Khánh Hòa. Đầu mùa giải trước, Khatoco (cũng trong quá trình tái cơ cấu) đã phải “cắt” nguồn đầu tư cho đội Khatoco Khánh Hòa. Thời điểm ấy, dân Khánh Hòa hy vọng UBND tỉnh Khánh Hòa đưa tay cứu đội bóng. Song chỉ nhận được cái “lắc đầu” từ phía ủy ban. V.Hải Phòng đã xuống hạng, mua lại phần hồn K.Khánh Hòa để trụ hạng và giờ lại trông chờ “ông bố” nhà nước nuôi mình.
Trong cơn khủng hoảng tài chính, bóng đá đã phải nhiều lần cầu cạnh vào “ông bố” nhà nước với hy vọng được cứu bằng ngân sách. Song sự thật là bóng đá chuyên nghiệp đã bị ghi vào sổ là những khoản đầu tư công cần thu hẹp.
Cách đây không lâu, khi CLB Kiênlongbank Kiên Giang không còn đủ tiền duy trì hoạt động và đứng trước nguy cơ bị loại khỏi V.League, lãnh đạo CLB đã có “tâm thư” gửi lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Kiên Giang. Công văn này có đoạn: “Đội bóng đá K.Kiên Giang là tài sản quý giá của ngành thể thao và là vinh dự, tự hào của Tỉnh ủy, UBND và người hâm mộ tỉnh Kiên Giang. Thiết nghĩ sự việc này, khó khăn này cần phải có sự ủng hộ và quan tâm phối hợp giải quyết, tháo gỡ một cách hợp lý của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành có liên quan”.
Và như tất cả đã biết, UBND tỉnh Kiên Giang đã chấp nhận “buông tay” và K.Kiên Giang bị loại khỏi V.League.
Hay trường hợp SQC Bình Định. Đội bóng hạng nhất này không kiếm được khoản kinh phí 20 tỉ đồng để hoạt động. Một lần nữa CLB lại “cầu cứu” UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí và mong tỉnh “ép” các doanh nghiệp trên địa bàn cứu lấy đội bóng. Cũng như Kiên Giang, tỉnh Bình Định đã nói “không” và đội này đương nhiên bay khỏi giải hạng nhất.
Tương lai nào cho V-League?
V.Hải Phòng là một trường hợp đặc biệt khi đội này luôn có lực lượng CĐV tốt nhất ở V-League. Với tổng số khán giả mùa giải 2013 lên tới 200.000 lượt người xem thì V.Hải Phòng cũng thu về khoảng 10 tỉ đồng tiền vé. Nhưng số tiền ấy không thấm tháp vào đâu so với mức chi khoảng 70 tỉ đồng/năm.
Mặc dù phía Hải Phòng “hứa” là sẽ tiếp tục chơi V-League 2014 (dự kiến khai mạc ngày 11.1.2014) chứ không bỏ cuộc, nhưng khả năng CLB Hải Phòng “xin nghỉ giữa chừng” là nguy cơ có thật, bởi trong bối cảnh kinh tế hiện tại không dễ để tìm ra những doanh nghiệp có thể đổ ra gần 100 tỉ đồng cho một hoạt động mà không nhìn thấy lãi.
Sau Hải Phòng sẽ là những “đứa con” nào bị trả cho “ông bố” nhà nước? Trong số các CLB dự V-League sắp tới, những cái tên được cho là có “nguy cơ” là Hùng Vương An Giang, Ximăng The Vissai Ninh Bình, Than Quảng Ninh - vì chỉ được đỡ đầu bởi một doanh nghiệp duy nhất. Thậm chí ngay cả Hoàng Anh Gia Lai cũng có thể gặp hạn nếu tập đoàn HAGL Group “hắt hơi sổ mũi”.
Chính V-League 2014 cũng dự kiến thu 120 tỉ đồng, nhưng chốt lại, Cty VPF cũng chỉ đưa ra con số khiêm tốn là khoảng 86 tỉ đồng. Điều đáng nói là một nửa trong số đó đến từ nhà tài trợ Eximbank. Cũng nên nhắc lại, Chủ tịch HĐQT Eximbank là ông Lê Hùng Dũng - PCT phụ trách tài chính VFF, PCT HĐQT VPF và ứng cử viên số 1 cho ghế chủ tịch VFF nhiệm kỳ tới.
Song nếu Eximbank vì một lý do nào đó mà “cắt nguồn viện trợ” thì chính V-League cũng trở nên... bơ vơ không nơi nương tựa.