U19 Việt Nam: Từ chân trần đến chân giày

(Soha.vn) - Bầu Đức đã đổ rất nhiều tiền vào học viện đào tạo bóng đá trẻ của mình và giờ đây đang dâng hiến cho U19 Việt Nam. Nhưng đằng sau còn rất nhiều ẩn ý!

1. Ngày bầu Đức được Kiatisak và Dusit dẫn sang thăm học viện Arsenal JMG tại Bangkok, ông há hốc miệng nhìn đám trẻ chân trần tâng bóng cả giờ đồng hồ.

Không ai ngờ sau chuyến đi đấy, ông quyết tìm đến giáo sư Wenger rồi phá rừng cao su mở học viện. Ông kết hợp với Arsenal tuyển chọn cầu thủ và cứ bảy năm thì ra lò một lứa với công thức Arsenal toàn quyền sử dụng một cầu thủ giỏi nhất và phần còn lại là bán cho các CLB (kể cả chính Arsenal) và chia 50-50. Ông nói: “Tôi đã bị ông Wenger thuyết phục bằng lý luận thực tiễn của ông ấy vì nó rất phù hợp với con người Việt Nam”.

2. Sáu năm sau ngày mở học viện thì bầu Đức sung sướng khi được góp thành phần chủ lực vào lứa U19 Việt Nam thi đấu thật ấn tượng. Những cầu thủ chân trần mới được xỏ giày đá bóng chỉ vài tháng đã phát huy nhiều tố chất, trong đó đặc biệt nhất là sự đĩnh đạc của các cầu thủ có giáo dục. Họ ứng xử rất chuyên nghiệp trên sân lẫn ngoài đời nhưng rõ ràng tất cả đều mới chỉ là những thanh niên mới trưởng thành.

Trong khi tất cả đều ca ngợi lứa U19 thì duy nhất một người rất bình thản với những lời tung hô, đó là HLV Guillaume Graechen.

Các cầu thủ của học viện xem HLV Guillaume Graechen như một người thầy và một người cha bởi ông cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt, dạy dỗ các em. Ngoài ra, ông phải làm báo cáo từng tuần gửi những đánh giá lẫn những thu hoạch về các cầu thủ cho Arsenal.

Sau bảy năm ở học viện thì các cầu thủ này sẽ bước qua một giai đoạn khác hoặc được một CLB nào nhận về và chính thức thành cầu thủ chuyên nghiệp hoặc vẫn ở lại học viện theo chế độ chờ thử việc, chờ những hợp đồng do phía Arsenal thực hiện với các đối tác.

 	Tương lai phía trước của các cầu thủ trẻ Việt Nam còn rất dài

Tương lai phía trước của các cầu thủ trẻ Việt Nam còn rất dài

3. Lứa học viện Arsenal ở Bangkok đi trước lứa của HA Gia Lai nhưng giữa đường thì gãy gánh do chính phủ Thái Lan chủ động cắt bỏ giữa quá trình đào tạo vì quá tốn kém. Trong số đó đã có nhiều cầu thủ về các CLB Thái và tham dự SEA Games 27 trong thành phần đội vô địch. HA Gia Lai đi sau hai năm và vẫn kiên trì với núi tiền đổ vào và hy vọng sẽ có lãi khi các CLB châu Âu dòm ngó. Điều đó cũng có nghĩa bầu Đức đổ tiền vào rất nhiều nhưng lợi nhuận thì chưa đến.

Từ chân trần đến chân giày là cả một quá trình cùng mục đích chính là đào tạo nhân tài cung cấp cho các CLB thế giới. Các cầu thủ đấy vẫn còn phải qua nhiều khâu, nhiều thử nghiệm theo quy trình của Arsenal và việc họ khoác áo U19 cũng là một điều kiện tốt để phát triển và để có những môi trường cọ xát tốt trong màu áo trẻ quốc gia.

Nói bầu Đức rộng rãi khi cống hiến cả lứa cầu thủ khóa đầu của ông cho quốc gia cũng đúng nhưng nói ông Đức và đối tác Arsenal rất vui khi được là một phần chính của U19 Việt Nam vì thương hiệu và tầm quảng bá tăng cao cũng chẳng sai.

Bây giờ lại đến các quan chức của VFF cũng thích và cũng hô hào cùng U19 sau những thất bại của lứa cầu thủ đàn anh ở U23, ở đội tuyển.

Vui đấy rồi cũng thấy lo đấy khi quanh lứa U19 giờ có quá nhiều gánh nặng và cũng có quá nhiều người “đu” khi vừa mới từ bỏ chân trần để mang vào đôi giày móng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại