Đừng chỉ bằng lòng với U19 Việt Nam!

Đức Phan |

(Soha.vn) - ĐT U19 Việt Nam với nòng cốt là Học viện bóng đá trẻ HAGL Arsenal JMG đang khiến nhiều "ông anh" mát mặt. Nhưng sự bằng lòng đó sẽ lại hướng vào ngõ cụt xưa cũ...

Để dự World Cup, không cần thiết nâng tầm V-League?

Không ít chuyên gia đã nói rằng nâng cao chất lượng V-League mới là chiếc chìa khóa nâng tầm bóng đá nước nhà. Nếu không tạo ra được môi trường tốt thì các tài năng trẻ của ĐT U19 cũng hoàn toàn có thể thui chột như lứa U16 của Văn Quyến trước đây. Nhưng thật ra trong thời đại toàn cầu hóa thì đấy cũng không phải là vấn đề cốt lõi. Các cầu thủ trẻ của Việt Nam hoàn toàn có thể tìm đến những nền bóng đá phát triển hơn để gây dựng sự nghiệp.

Trên thế giới có thể lấy ví dụ ĐT Bỉ và ĐT Bờ Biển Ngà. 2 quốc gia này đều không sở hữu một giải VĐQG phát triển, nhưng lại đang có những ĐTQG rất đáng nể. Điều đó là nhờ vào việc phần lớn các ngôi sao của các đội tuyển này đều trưởng thành ở nước ngoài. Điển hình như Eden Hazard (thủ lĩnh của ĐT Bỉ hiện nay)) thậm chí còn chưa từng khoác áo bất kì CLB chuyên nghiệp nào trong nước, kể cả ở cấp độ trẻ. Tương tự như thế Yaya Toure cũng rời Bờ Biển Ngà ngay sau khi tốt nghiệp Học viện bóng đá trẻ của CLB ASEC Mimosas (cũng là một đối tác của Arsenal như Học viện bóng đá trẻ HAGL).

Hazard phát triển chủ yếu ở nước ngoài và đang là trụ cột trên tuyển QG Bỉ

Hazard phát triển chủ yếu ở nước ngoài và đang là trụ cột trên tuyển QG Bỉ

Phân tích thế để thấy, việc tạo ra một giải VĐQG chất lượng là điều tốt và nên làm. Song không phải là yếu tố quyết định đến sự thành công của 1 nền bóng đá, nhất là ở trong một thế giới phẳng như hiện nay. Như vậy, nghĩa là chỉ cần tạo ra những lò đào tạo trẻ có chất lượng theo chuẩn quốc tế như mô hình HAGL Arsenal JMG là sẽ thành công?

Chỉ mô hình HAGL Arsenal JMG là không đủ

Câu trả lời cũng là không! Trên thực tế, quá trình đào tạo nhân tài nói chung và cầu thủ bóng đá nói riêng là rất kì công, phức tạp. Chỉ vài ba lò đào tạo như kiểu HAGL Arsenal JMG hay Real Madrid (đang đánh tiếng mở) cũng chỉ giải quyết phần ngọn. Một nền bóng đá với một xuất phát điểm rất thấp, không thể phát triển chỉ dựa vào vài chục con người của vài học viện.

Từ chỗ là 1 tài năng trẻ cho đến 1 cầu thủ giỏi là một chặng đường rất dài và khắc nghiệt. Rất có thể trong lứa U19 hiện nay rồi cũng chỉ có 2,3 người vươn tới hàng ngôi sao. Bởi trên thực tế, thì ngay cả lò Arsenal “xịn” hay Barcelona thì cũng phải vài năm mới trình làng được 1 gương mặt thực sự sáng giá. Ở khía cạnh nào đó, đây là một quá trình vận động giống như sự chọn lọc tự nhiên, mà ở đó chỉ có những cá thể xuất sắc nhất mới trụ lại được đến cùng. Mà đã là chọn lọc thì sự hiệu quả chỉ đến, khi nó xảy ra trên một số lượng mẫu lớn, mẫu càng lớn thì chất lượng của quá trình chọn lọc càng cao.

Thời gian gần đây, ngay cả lò đào tạo trứ danh của Barca cũng không đào tạo được nhiều nhân tài

Thời gian gần đây, ngay cả lò đào tạo trứ danh của Barca cũng không đào tạo được nhiều nhân tài

Tất nhiên, khi tuyển sinh thì Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG cũng đã tiến hành một đợt tuyển quân rầm rộ và rộng khắp. Nhưng khả năng họ bỏ xót tài năng vẫn là rất lớn. Vì chẳng ai dám chắc 1 em bé xuất sắc hơn đứa trẻ khác ở mốc 10 tuổi (thời điểm được tuyển sinh) sẽ tiếp tục nhỉnh hơn ở tuổi lên 11, 12…Trong khi, đợt tuyển chọn chỉ diễn ra cắt ngang đúng ở 1 thời điểm nhất định.

Bóng đá học đường – cỗ máy đào tạo trẻ thực sự

Để không lãng phí bất kì viên ngọc thô nào thì cách tốt nhất là VFF phải dành nguồn lực để phát triển bóng đá học đường theo hình mẫu chuyên nghiệp. Các em có đam mê và năng khiếu sẽ được đào tạo cơ bản và bài bản tại trường học. Sau đó các em có thể tự lựa chọn theo đuổi nghiệp bóng đá chuyên nghiệp hay không.

Đây là mô hình đã giúp bóng đá Nhật, Hàn Quốc và mới đây là Đức phát triển thần kì. Ở Nhật, các em chơi bóng 6 ngày/tuần, mỗi ngày 2 tiếng sau giờ học văn hóa. Các giải đấu bóng đá trẻ của Nhật diễn ra thường niên, quanh năm trên cả nước. Trận chung kết giải đấu trường trung học quốc gia sẽ được tổ chức tại SVĐ Quốc gia Tokyo; một trận chung kết lứa tuổi 12 được chiếu trên truyền hình quốc gia.

Ngôi sao Keisuke Honda của Nhật xuất phát từ bóng đá học đường

Ngôi sao Keisuke Honda của Nhật xuất phát từ bóng đá học đường

Ngôi sao Keisuke Honda của ĐT Nhật chính là 1 sản phẩm tiêu biểu của nền bóng đá học đường nước này. Tương tự như thế, tại Đức, Mesut Oezil và Manuel Neuer cũng từng sát cánh bên nhau tại đội tuyển của trường Gesamtschule Berger Feld, trước khi lại trở thành đồng đội ở Schalke rồi đội tuyển Đức. Còn tại Hàn Quốc cũng có rất nhiều cầu thủ chuyên nghiệp xuất thân từ các trường Đại học và đội tuyển sinh viên nước này luôn là đối thủ rất đáng gờm mỗi khi tham gia các giải mời ở Việt Nam.

Rõ ràng, chỉ khi nào thông qua học đường để tạo ra một cỗ máy đào tạo bóng đá trẻ khổng lồ và phủ sóng toàn quốc, đồng thời biến đấy thành hoạt động thường xuyên của cả xã hội thì bóng đá Việt Nam mới có thể nghĩ đến sự phát triển bền vững. Đó mới là cứu cánh của nền bóng đá, chứ không phải chỉ bằng lòng với những phút thăng hoa mà U19 Việt Nam đang có!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại