Liệu có bông hồng nào cho các chị?

Đức Phan |

(Soha.vn) - Trong ngày quốc tế phụ nữ này liệu có ai nhớ đến các nữ cầu thủ của Việt Nam?!

Nhìn chung, phụ nữ theo nghiệp thể thao, phần đông là phải chịu thiệt thòi. Nhưng với đặc thù của môn bóng đá (mọi hoạt động tập luyện, thi đấu hầu hết đều diễn ra ngoài trời mà lại còn với thời gian rất dài), thì các nữ cầu thủ còn vất vả hơn nữa. Rất đơn giản, chỉ cần nhìn hình ảnh các cô gái bình thường ra đường với bộ dạng ninja kín mít từ đầu đến chân để tránh nắng và việc các nữ cầu thủ phơi mình giữa nắng nóng để tập luyện, để thi đấu thì cũng thừa đủ để thấy các chị đã phải hi sinh như thế nào. Vì tình yêu với trái bóng họ đã chấp nhận đánh đổi một trong những thứ giá trị của người phụ nữ đấy là nhan sắc (người ta vẫn nói nhất dáng, nhì da).

Mà không chỉ ngày nắng mới khổ, ngày lạnh cũng khổ chẳng kém. Cứ tưởng tượng cảnh phận gái mỏng manh, lại phải quần đùi áo số ra sân trong cái lạnh tiết cắt da cắt thịt mà xem. Không những thế, ngay cả việc tưởng chừng là hiển nhiên như được tắm nước nóng sau những buổi tập mùa Đông có thời còn là nỗi ước ao của các nữ cầu thủ, khi họ không được trang bị bình nước nóng ở nơi tập trung.

Nhọc nhằn theo nghiệp như thế nhưng đổi lại họ được gì? Câu trả lời: chẳng gì cả, ngoài ít phút vinh quang ngắn ngủi trong sự nghiệp (mà thật ra cũng có rất ít cầu thủ có được may mắn ấy). Còn lại là không tiền, không công việc ổn định sau khi giải nghệ và có thể là cả không hạnh phúc cá nhân.

Các nữ cầu thủ Việt Nam chưa bao giờ nhận được sự tri ân xứng đáng!

Các nữ cầu thủ Việt Nam chưa bao giờ nhận được sự tri ân xứng đáng!

“Nhìn các nam cầu thủ nhận hàng tỷ đồng lót tay khi chuyển nhượng, nhận lương ở CLB hàng chục triệu đồng mà chúng em tủi thân. Chúng em chỉ mong thu nhập đủ sống chứ chẳng dám mơ nhiều”, nghe lời tâm sự này của một nữ cầu thủ hẳn không ít người phải cảm thấy chạnh lòng. Vậy đấy, trong khi cầu thủ nam coi bóng đá là cơ hội để đời, để làm giàu, thì phái yếu chỉ có mong ước vô cùng nhỏ nhoi là đủ sống. Nhưng mà đủ sống làm sao được khi theo khẳng định của HLV Mai Đức Chung – người từng là HLV trưởng ĐT bóng đá nữ thì: “Chưa có cầu thủ nào được lương đạt mốc 5 triệu/tháng (ở cấp CLB). Hầu hết thường chỉ được nhận lương khoảng 1-2 triệu/tháng. Thậm chí một vài năm trước có khi họ chỉ được vài trăm nghìn”.

“Thu nhập của các nữ cầu thủ chẳng đủ ăn, thế mới có chuyện nhà vô địch Kim Hồng phải đi bán bánh mì”. HLV Mai Đức Chung xót xa. Tất nhiên, chế độ đãi ngộ của các cầu thủ nữ đã là câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” và tốn rất nhiều giấy mực của báo giới. Nó đôi khi nằm ngoài tầm với của các nhà làm bóng đá, do phụ thuộc vào yếu tố xã hội hóa. Đời sống của các nữ cầu thủ sẽ chỉ được nâng lên khi xã hội , mà cụ thể là doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến bóng đá nữ. Điều đấy chắc chắn sẽ còn là cả một chặng đường dài. Vì chẳng đâu xa, ở lượt đi giải VĐQG nữ vừa kết thúc hôm qua, số khán giả đến sân rất hạn chế, trung bình chỉ vài trăm người/trận.

Nhưng điều đáng trách là ngay cả những thứ thiết thực và chẳng hề khó khăn để thực hiện như: những món quà nho nhỏ cho các nữ cầu thủ trong những dịp đặc biệt như ngày hôm nay cũng không được để ý. “Ngày xưa bọn em luôn tủi thân những ngày này vì con gái đá bóng quanh năm suốt tháng có ai người ta để ý. Nhiều ngày 8/3 hay 20/10, toàn đội mua hoa rồi tặng nhau, coi đó là niềm vui an ủi”. Cựu tiền đạo Tuyết Mai tiết lộ thực tế khi còn thi đấu.

Năm nay, liệu có bông hồng nào dành cho các chị, dù cho rõ ràng cả triệu bó hoa cũng chẳng đủ để tôn vinh những sự hi sinh của các chị? Hay vẫn chỉ là một sự thờ ơ, vô cảm?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại