Từ Lee Nguyễn đến Công Phượng: Vinh quang càng sớm, rủi ro càng dày

Đăng Khoa |

Một cầu thủ trẻ thành công quá sớm, luôn đứng trước những nguy cơ lụi tàn cao hơn rất nhiều lần những cầu thủ “hoa nở muộn”. Lee Nguyễn là một điển hình cho một trường hợp tài năng lận đận tưởng chừng rơi vào lãng quên. Công Phượng có thể học được gì?

Thần đồng “soccer” một thời của nước Mỹ

Cầu thủ Mỹ sang châu Âu chơi bóng ở các giải đỉnh cao không phải ít như Clint Dempsey, Tim Howard hay Landon Donovan nhưng họ sang lục địa già khi đã bước qua tuổi 23, đội tuổi đã tích lũy khá nhiều kinh nghiệm sau vài mùa ở MLS.

Lee Nguyễn lại khác, 19 tuổi đã xách vali sang châu Âu đầu quân cho CLB lớn PSV Eindhoven sau khi lọt vào mắt xanh của HLV lão làng Guus Hiddink ở giải U.20 Thế giới 2005 tại Hà Lan.

“Bên PSV họ chào mới sang đó với tiền lương 200.000 USD/năm. Bên giải MLS cũng trả cho Lee số tiền tương tự, 200.000 USD là số tiền rất lớn dành cho 1 cầu thủ vừa học hết Trung học.

Tôi quyết định chọn PSV vì đó là CLB danh tiếng và nghĩ rằng Lee sẽ phát triển được tài năng.

Tôi không hình dung chuyện gì sẽ đến ở PSV sau đó vì ở Mỹ không ai cho chúng tôi lời khuyên nào mà bên Mỹ cũng có ai kinh nghiệm về chuyện này đâu mà hỏi xin lời khuyên”, ông Nguyễn Văn Phẩm cha Lee Nguyễn nhớ lại quyết định hồi cuối năm 2005.

Về sau này, cả ông Phẩm lẫn Lee Nguyễn đều suy nghĩ về việc sang châu Âu quá sớm. Lee Nguyễn nói: “Tôi không hối hận vì sang châu Âu vì ở đó tôi học được rất nhiều.

Tuy nhiên tôi nghĩ nếu cần thiết 1 cầu thủ nên ở Mỹ chơi bóng 2 mùa rồi đi sang đó cũng không muộn. Tôi sang Hà Lan khi tuổi thiếu niên và mọi thứ đều quá mới mẻ, trong khi sự cạnh tranh ở môi trường nơi đó là cực kỳ khắc nghiệt”.

Tu Lee Nguyen den Cong Phuong

Lee Nguyễn trong màu áo PSV Eindhoven

Lịch sử bóng đá nước Mỹ không có nhiều trường hợp một cầu thủ 19 tuổi được mời thẳng sang CLB danh tiếng, nếu không nói Lee Nguyễn là trường hợp duy nhất vì ngay cả thần đồng Fredie Adu cũng chỉ đá cho D.C United ở MLS.

Lee Nguyễn đó lại là cầu thủ gốc Á, chủng tộc vốn không được đánh giá cao trong lĩnh vực thể thao cơ bắp.

Báo chí Mỹ dõi theo Lee Nguyễn hằng tuần. HLV Bob Bradley gọi Lee vào tuyển Mỹ dự Copa American 2007 tại Venezuela.

Vinh dự to lớn, hào quang vô cùng song Lee Nguyễn không phát triển đúng như kỳ vọng của người Mỹ. Năm 2009, anh trở về Việt Nam rồi tưởng chừng như rơi vào lãng quên.

“Ở PSV, Lee không được đá chính và HLV Ronald Koeman mới về thay Guus Hiddink cũng nói Lee không nằm trong kế hoạch tương lai.

Trong khi ông Bob Bradley lại nói rằng nếu không đá chính ở PSV thì sẽ không gọi vào tuyển Olympic Mỹ dự Olympic Bắc Kinh 2008.

Chúng tôi quyết định chọn Randers FC ở giải VĐQG Đan Mạch. Ở đó Lee đá chính nhiều hơn nhưng ông Bob Bradley lại không giữ lời hứa.

Đúng lúc đó, bầu Đức tại đã mời Lee về Việt Nam “về chơi cho biết” chứ không cần đá cho HAGL”, ông Phẩm nhớ lại.

Đến phố núi Pleiku, Lee Nguyễn không dạo chơi cho biết nữa mà ở lại luôn khi bầu Đức chìa ra 1 bản hợp đồng kếch xù mà sau này chính Lee Nguyễn kể với báo chí Mỹ, rằng: “Tôi cứ nghĩ ông ấy bị điên”.

Luôn có mục tiêu và đừng bao giờ bỏ cuộc

Mảnh đất Việt Nam là quê hương của cha mẹ, là nguồn cội nhưng hóa ra đó không phải là nơi lý tưởng để Lee Nguyễn phát triển sự nghiệp.

Ở Việt Nam, Lee Nguyễn có rất nhiều tiền, rất nhiều cô gái đẹp vây quanh và đi đâu cũng được mọi người chú ý.

“Lúc ở Hà Lan, Đan Mạch tôi chỉ là một người bình thường nhưng khi về Việt Nam tôi có cảm giác mình là một ngôi sao nhạc pop. Ở đâu mọi người cũng nhận ra tôi”, Lee Nguyễn kể vào tờ Boston Globe.

Mặc dầu sau này khi về Mỹ, Lee Nguyễn cho rằng 2 năm rưỡi ở Việt Nam (2009-2011) là quãng thời gian anh học rất nhiều về chuyên môn, như cách làm thế nào để dẫn dắt một CLB trong vai trò nhạc trưởng.

Song nói gì nói, V.League không phải là nơi tôn vinh tài năng Lee Nguyễn nếu không nói nó suýt chôn vùi sự nghiệp của anh. Cuối năm 2011, Lee Nguyễn về lại Mỹ với một bàn chân bị gãy ngón xương út, về Mỹ phải mổ ra để bắt nẹp thép vào.

Lee Nguyễn nói: “Tôi có rất nhiều tiền và tôi cảm thấy như vậy là đủ rồi. Tôi nghĩ số tiền kiếm được ở Việt Nam đủ cho tôi lo được cuộc sống trong tương lai.

Tôi phải về lại Mỹ vì tôi không muốn sự nghiệp của tôi bị lãng quên để rồi sau này khi người Mỹ nhắc về tôi chỉ nhớ rằng đó là một cầu thủ trẻ tiềm năng.

Tôi không muốn như vậy, tôi muốn sau này khi treo giày người ta nhớ về tôi như một cầu thủ thành công”.

Tu Lee Nguyen den Cong Phuong

Lee Nguyễn có nhiều khoảnh khắc đẹp khi còn chơi cho HAGL

3 năm ở MLS, Lee Nguyễn đã tỏa sáng rực rỡ trong màu áo CLB New England Revolution.

Rồi cánh cửa tuyển Mỹ đã mở lại với tiền vệ gốc Việt khi Lee Nguyễn được Jurgen Klinsmann triệu tập vào tháng 11.2014. Cho đến nay, Lee Nguyễn đã có 3 trận đấu trong màu áo ĐTQG Mỹ.

“Tôi rất biết ơn ông ấy (Jurgen Klinsmann) khi mở ra cơ hội cho tôi. Tôi không muốn chỉ trở lại ĐT Mỹ 1 lần mà còn muốn có mặt thường xuyên.

Tôi luôn suy nghĩ nếu mình cứ làm thật tốt công việc của mình thì kết quả sẽ đến. Tôi đã đặt mục tiêu khi trở về Mỹ chơi tốt cho CLB thì sẽ trở lại ĐTQG và tôi đã làm được điều đó”, Lee Nguyễn nói với MLSsoccer.net

Có nhiều thứ Lee phải đánh đổi, đặc biệt là tiền bạc. Năm 2012, Lee Nguyễn chỉ được trả 44.000 USD/năm (chưa thuế) là mức thu nhập của 1 cầu thủ học việc.

Và cả bây giờ khi đã trở thành tuyển thủ Mỹ thì mức lương tại New England Revolution của Lee Nguyễn chỉ có 200.000 USD/năm.

Trong khi đó tại V.League, chỉ cần đặt bút ký hợp đồng Lee Nguyễn dễ dàng đút túi ngay số tiền lót tay 250.000 USD/năm.

“Tiền rất quan trọng nhưng tên tuổi quan trọng hơn. Đời cầu thủ rất ngắn, tôi đã từ bỏ Đại học để đi theo con đường bóng đá nên tôi không muốn sự lựa chọn của mình uổng phí.

Tôi luôn nghĩ sau này khi sau treo giày và ngồi nhìn lại quãng đời cầu thủ đã qua, tôi không phải hối hận về bất cứ điều gì”, Lee Nguyễn kết thúc câu chuyện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại