194 triệu euro được chi ra trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông, vượt xa con số 173 triệu của Premier League, Chinese Super League gây một cơn sốt trên toàn thế giới.
Nếu như trước kia, người hâm mộ lo lắng ngôi sao của mình bị những đội bóng lắm tiền nhiều của như Man City, Chelsea, Real Madrid hay PSG lôi kéo thì giờ câu hỏi được đặt ra là: "Bao giờ anh ta đến Trung Quốc".
Những cái tên như Guangzhou Evergrande, Shandong Luneng hay Jiangsu FC dần dần trở nên quen thuộc với khán giả.
Nhưng đó mới là bề nổi. Sức mạnh đáng sợ của bóng đá Trung Quốc còn thể hiện cực rõ ở China League One, giải đấu lạ hoắc với phần lớn CĐV.
Người Real Madrid cũng chỉ làm giải hạng hai
Luis Fabiano, bạn còn nhớ cái tên này chứ? Năm 2009 anh từng cùng Brazil vô địch Confed Cup. Tại giải đấu đó, Fabiano ghi tới 5 bàn thắng và giành ngôi Vua phá lưới đầy thuyết phục. Những năm đỉnh cao phong độ, chân sút này khuynh đảo châu Âu cùng Sevilla.
Cuối tuần vừa qua, Fabiano lập cú đúp cho Tianjin Quanjian, đội bóng thuộc China League One (hạng nhì theo hệ thống của Trung Quốc).
Fabiano ghi bàn cho đội bóng Trung Quốc
HLV của CLB này là Vanderlei Luxemburgo, người đàn ông từng dẫn dắt Real Madrid thời còn Zidane, Figo, Beckham hay Ronaldo "béo".
Tính tổng, Tianjin Quanjian "ném" 30 triệu vào kỳ chuyển nhượng mùa Đông vừa qua. Con số này đến cả những đội bóng tầm trung Premier League hay La Liga cũng phải "phát rét".
Với ngân quỹ không đáy, giải đấu hạng nhì Trung Quốc ngày càng thu hút được ngôi sao tầm cỡ quốc tế về đầu quân.
Sau khi rớt xuống China League One, Beijing Renhe chi ngay 4 triệu bảng để đưa tiền đạo Jelavic từ West Ham về.
Beijing Enterprises Group thì đầu tư vào HLV. "Thuyền trưởng" của CLB này là Aleksandar Stanojević, người Serbia đầu tiên đưa được một đội bóng Serbia đến UEFA Champions League.
"Trung Quốc chi tiền cho bóng đá chắc chắn là một điều tốt"
2 năm trước, Xu Liang giải nghệ ở tuổi 32. Thời điểm đó, Guangzhou Evergrande là đội bóng Trung Quốc đầu tiên vô địch AFC Champions League sau 23 năm.
Tháng trước, tiền vệ này trở lại thi đấu chuyên nghiệp trong màu áo Shenzhen FC. Mọi chuyện giờ đã thay đổi hoàn toàn.
Guangzhou Evergrande không còn bị coi là hiện tượng mà đã được liệt vào hàng "đại gia" châu Á. Những đội bóng còn lại của Trung Quốc cũng tiến bộ rất nhanh và dần chiếm thế thượng phong khi gặp đại diện từ Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Xu Liang chia sẻ lí do quan trọng khiến anh trở lại chính là nhìn thấy tương lai tương sáng: "Có chừng 6 đến 8 đội bóng từ League One cạnh tranh suất lên Super League. Tất cả cả đều được đầu tư khủng".
Tiền vệ này nhận xét về những khoản tiền nói chung mà bóng đá Trung Quốc chi ra: "Trong quá khứ, Nhật Bản cũng đầu tư rất mạnh tay. Các giải đấu ở các lứa tuổi được tổ chức với mức tiền thưởng rất lớn. Cuối cùng họ đã thành công.
Trung Quốc chi tiền cho bóng đá chắc chắn là một điều tốt. Năng lực của cầu thủ cũng như HLV tăng dần theo thời gian. Tương lai sẽ rất sáng sủa".
Shenzhen FC của Xu Liang là một trong những đội giàu tham vọng nhất. Theo các báo cáo, CLB này được đầu tư khoảng 63-83 triệu euro. Mục tiêu của họ là thăng hạng lên Chinese Super League rồi sau đó vươn tới AFC Champions League.
Chưa biết làn sóng chi tiền vào bóng đá ở Trung Quốc còn tiếp diễn đến lúc nào. Tuy nhiên, nếu cứ giữ đà đầu tư như hiện tại, trong tương lai ngay cả giải hạng nhì của họ cũng là "ngáo ộp" thực sự.
1,12 tỉ euro: Giá trị hợp đồng bản quyền truyền hình Chinese Super League trong 5 năm tới.
50 triệu euro: Số tiền Jiangsu Suning bỏ ra để mua Teixeira từ Shakhtar Donetsk.