Bản án cấm thi đấu 5 trận dành cho Văn Quyết là khá nhẹ, nếu đấy là lỗi tấn công trọng tài, nhưng sẽ là quá nặng nếu đúng như lời Quyết nói - cầu thủ này vấp ngã, và trọng tài cũng vấp ngã.
Nhưng thật buồn cười khi xem kỹ lại băng hình. Ở thời điểm xảy ra sự việc và trước đó, guồng chân của tuyển thủ quốc gia này rất trơn và mượt, không hề có dấu hiệu của bất cứ cú vấp nào.
Còn trọng tài Phạm Hoàng Công Khanh, tất nhiên là chả có lý do gì trọng tài này vấp ngã cả, khi đang đi bộ khá chậm trên sân, cho đến lúc bị Văn Quyết nhảy xổ vào từ phía sau.
Hôm qua, sau khi án phạt được công bố, Văn Quyết lại lên tiếng. Cầu thủ này gửi lời cảm ơn đến người hâm mộ, tới “anh Thắng”, tới gia đình.
Còn với trọng tài Công Khanh, Văn Quyết mong ông cùng lãnh đạo VFF hiểu và thông cảm cho mình, giảm bớt án phạt để cống hiến cho quốc gia, cho CLB.
Nhưng xin lỗi thì tuyệt đối không.
Ở Thụy Sỹ, khi một cầu thủ tấn công trọng tài, người ta cấm anh ta thi đấu… 50 năm. Ở Thái Lan, khi khán giả tấn công trọng tài, người ta cấm cả CLB thi đấu trong 3 năm.
Quay lại với trường hợp Quế Ngọc Hải năm ngoái. Sau cú đạp thẳng gầm giầy vào đầu gối, lấy đi sự nghiệp bóng đá, tiễn Anh Khoa “về hưu non”, cầu thủ này cũng thanh minh “không cố ý triệt hạ, không hiểu tại sao tôi lại ra chân như thế”.
Pha vào bóng triệt hạ của Quế Ngọc Hải với Anh Khoa
Dư luận còn nhiều lần nhắc đến chuyện giảm án, lo lắng về khoản tiền 800 triệu mà Quế Ngọc Hải phải nhận cũng như phẫn nộ chuyện SHB Đà Nẵng bày tiền ra đếm.
Nhưng họ quên mất rằng đằng sau đấy là một Anh Khoa với tương lai đóng sầm lại sau cú ra chân tàn khốc, là một gia đình mất đi điểm tựa sau chấn thương khủng khiếp của người con.
Sách “Cổ học tinh hoa” có viết truyện “Tăng Sâm giết người”, đại ý là đứa con - Tăng Sâm vốn hiền hậu, hiếu thảo, nhưng khi người ta nói đến lần thứ 3 là ông giết người, đến bà mẹ cũng tin là thật mà trèo tường trốn đi.
Một việc, dù cho sai lầm đến mười mươi nhưng cứ nói đi nói lại, dù có là nói dối, mãi cũng sẽ khiến người ta bán tín bán nghi rồi cũng tin là có thật.
Anh Khoa cùng gia đình chẳng tâm trí đâu mà nói chuyện sau biến cố kinh khủng, trọng tài Công Khanh sẽ tập trung vào chuyên môn, chẳng hơi đâu mà đi đôi co với cầu thủ.
Và rồi chỉ cần phát biểu đủ liều lượng, thêm một vài "đưa đẩy", có khi "thủ phạm" lại biến thành "nạn nhân".
Hình ảnh đếm tiền gây nhiều tranh cãi.
Lạ cái là những “cú phốt” tương tự như của Văn Quyết, Ngọc Hải mới đây, Công Vinh, Quốc Long, Danh Ngọc ngày nào mà trang Football Channel Asia vừa mới liệt kê ra chỉ diễn ra ở giải quốc nội, chứ tuyệt nhiên không xuất hiện khi chúng ta xuất ngoại thi thố.
Phải chăng khi được tập trung vào ĐTQG, công tác tư tưởng của chúng ta quá tốt, giúp các tuyển thủ ý thức được về danh dự, thể diện quốc gia, từ đó kiềm chế được mọi hành động bộc phát, đáng tiếc?
Không có đâu! Mà cũng chẳng phải các tuyển thủ của chúng ta “khôn nhà dại chợ”.
Chẳng qua họ biết thừa là nếu dám làm thế, thì sẽ lập tức bị dư luận “bắn nát bươm”, mà AFC, AFF hay FIFA không phải là thứ có thể “đổ tội” dễ dàng như VFF. Lúc đấy thì lưỡi có dẻo đến mấy, cơ lưỡi có khỏe đến mấy thì cũng bó tay.
“Danh sư xuất cao đồ” - Văn Quyết đang có một ông thầy giỏi - HLV Phạm Minh Đức. Không giỏi thì làm sao cầm quân được ở giải U21 quốc tế, không giỏi thì làm sao cầm quân được ở Hà Nội T&T.
Những HLV giỏi đều phải biết “giấu bài”. Ngay sau trận đấu mà Văn Quyết bị rút thẻ đỏ đuổi khỏi sân, HLV này đăng đàn:
“Tôi luôn nhắc nhở cầu thủ phải tôn trọng quyết định của trọng tài. Không được phản ứng, cứ để trọng tài thổi, cãi làm gì cho mệt, vì kết quả có thay đổi được đâu, nên tiếp tục tuân thủ và chơi, đó mới là chuyên nghiệp…”.
Ông Đức phát biểu xác đáng quá. Chỉ có điều ông vẫn giấu bài, không nói nốt đoạn sau: “…Phải chờ kết thúc trận đấu, ra ngoài lấy xe rồi hẵng…!”