Tiền vệ Huỳnh Quốc Anh: Không gì là không thể

Tôi đã từng mắc sai lầm. Nhưng, tôi biết mình có thể làm lại, mọi thứ. Bởi vì em, người trao cho tôi niềm tin và sức mạnh. Không gì là không thể” (trích một phần bài hát Nothing is impossible).

“Nothing is impossible” cũng chính là “slogan”, là phương châm sống, thậm chí là thứ tuyên ngôn của riêng Huỳnh Quốc Anh. “Tí” (tên gọi thân mật của Quốc Anh) xăm dòng chữ ấy ngay trên cánh tay của mình, như một sự nhắc nhở, hối thúc, cũng là sự động viên hay an ủi, làm lành những vết thương lòng.

Chúng tôi đang nói về Huỳnh Quốc Anh, đương kim quả bóng vàng Việt Nam 2012, cầu thủ hiện đang thuộc biên chế SHB.Đà Nẵng và đội tuyển Việt Nam. Quốc anh sẽ góp mặt trong thành phần đội tuyển đá trận giao hữu với Arsenal tại Mỹ Đình tới đây.

“Thằng Tí” ngồ ngộ ghê ha!

Không có bề ngoài đẹp trai kiểu tài tử, nhưng Quốc Anh sở hữu một đôi mắt như biết nói. Đen tuyền, sâu thẳm đến diệu vợi. Cơ thể săn chắc, thêm nụ cười tươi như hoa nữa, “thằng Tí” có thể đã là niềm mơ ước của nhiều cô gái trẻ. Cuộc sống bên ngoài sân cỏ của Quốc Anh khá khép kín và anh gần như dành trọn nó cho những thú vui tao nhã, với xe cộ (cổ) và… cờ tướng.

Tiền vệ Huỳnh Quốc Anh: Không gì là không thể
Sau biến cố cuộc đời, Quốc Anh đã mạnh mẽ trở lại

Những người yêu mô tô phân khối lớn, phần lớn yêu thích sự tự do và cũng có chút “điều kiện”. Ngoài “con” BMW loại nhỏ, “độ” theo kiểu cũ, hiện Quốc Anh đang sở hữu thêm “em” CB 400cc và sắp tới cùng với “tổ” của mình, anh muốn nâng cấp một chiếc 1000cc nữa. Tất cả toàn là xe cũ, được “độ” lại và làm mới. Thế còn cờ tướng, thú vui của người già thì sao?

“Anh có số điện thoại hoặc có thể xin cho em số điện thoại của Âu Dương công tử không? Nghe nói, tay này có tài đánh cờ tướng. Em muốn thọ giáo và học hỏi xem sao”, Quốc Anh mở lời với người viết vào một ngày nọ. Trong phần lớn các câu chuyện bên lề như thế, tuyệt nhiên, không có một cụm từ đá bóng nào được đề cập. Phải, bóng đá chỉ nói chuyện ở trên sân cỏ thôi!

Đã có quá nhiều những bài viết về Huỳnh Quốc Anh, dũng mãnh và tài năng đến đâu trên sân cỏ. Thêm những điểm lại quãng thời gian đen tối, phải ngồi khám và đứng trước vành móng ngựa, những bài báo mua nước mắt, khóc thương và tiếc nuối cho một số phận. Rồi bất ngờ, lại rực sáng trở lại, khi Quốc Anh được trở về với quả bóng, với những trận cầu. Đó là lúc họ tung hô anh!

Khi rời đấu trường, hai từ bóng đá gần như không tồn tại trong đầu Quốc Anh. Phần lớn thời gian rảnh, “thằng Tí” dành cho gia đình, chăm chút những chiếc xe, đi dạo và tìm tới câu lạc bộ cờ tướng để giải khuây. Quốc Anh cũng không “điếu đóm” hay có nhu cầu tìm đến các hộp đêm, với những thú vui xã hội như bao cầu thủ nổi tiếng, lắm tiền nhiều của.

Sau biến cố đầu đời, từ 5 năm nay, cuộc sống của Quốc Anh cứ bình lặng trôi đi bên cạnh dòng sông Hàn thơ mộng, chảy uốn quanh Đà thành. Cũng thi thoảng, Quốc Anh cùng gia đình (với ba mẹ và cả người chị ruột đều làm nhà giáo – PV) trở về quê cũ thăm người thân, “cái thị trấn Bắc Trà My nghèo xơ xác và có cái đập thủy điện luôn chực chờ hiểm nguy”, lời Quốc Anh.

Rạng ngời nhưng không chói lóa

Phút thứ 36 cuộc đối đầu thượng đỉnh giữa SHB.Đà Nẵng và SLNA trên sân Chi Lăng, lượt trận thứ 11, V-League 2013, Quốc Anh mở đầu cho cuộc lội ngược dòng đầy ngoạn mục của đội bóng bên bờ sông Hàn bằng một cú quăng chân bóng sống ở đẳng cấp cao. Pha chuyền vào của Hà Minh Tuấn không thực sự thuận lợi, nhưng Quốc Anh vẫn quyết thử vận may và thành công.

Tiền vệ Huỳnh Quốc Anh: Không gì là không thể
Và bước lên đỉnh vinh quang

Đấy không phải là động tác ra chân sở trường, cũng như không phải góc sút yêu thích của Quốc Anh. Rất thường xuyên, tiền vệ đeo áo số 32 của SHB.Đà Nẵng chơi bám biên trái, dốc và ngoặt bóng, đâm thẳng vào khu vực 16m50, rồi cứa lòng chân phải. Rất nhiều những bàn thắng của Quốc Anh đều đã đến theo cách này và hầu hết đều là siêu phẩm.

Trên thực tế, trước khi trở thành một cây săn bàn có hạng, ít nhất là so với các đồng nghiệp – đồng đội chơi cùng vị trí ở hàng tiền vệ, Quốc Anh đã là một chân chuyền sắc bén. Kể từ khi mãn án treo giò và trở lại sân cỏ V-League, giai đoạn 2 mùa giải 2008, hết Almeida, rồi Gaston Merlo, đều đã được hưởng lợi sau khi bóng rời chân Quốc Anh.

Nếu lấy vòng chung kết U21 quốc gia – Cúp Báo Thanh Niên năm 2003, làm cột mốc như một trong những giải đấu bóng đá lớn đầu tiên mà Quốc Anh (và lứa cầu thủ sinh năm 1985 của bóng đá Đà Nẵng) tham dự và đoạt chức vô địch, 10 năm sau, với chức vô địch V-League thứ 2 trong sự nghiệp cùng SHB.Đà Nẵng, quả là mĩ mãn. Nhưng cũng trong khoảng thời gian 10 năm ấy, Quốc Anh đã vướng phải biến cố, khi khoác áo U23 Việt Nam đá SEA Games. Quốc Anh đã trở lại sắc áo đội tuyển để ít nhất đáp lại lòng tin nơi người hâm mộ.

Trận đấu với SLNA như đã nhắc ở trên, cũng chính Quốc Anh là người chuyền bóng, tạo điều kiện cho Merlo ghi bàn ấn định chiến thắng 3 – 2 cho đội chủ sân Chi Lăng, sau khi đã sớm bị dẫn trước 2 bàn ở ngay hiệp 1. Và mới đây, trận đấu ở vòng 14, Quốc Anh đi bóng cắt ngang khu vực cấm địa, bật nhả với đồng đội trước khi căng ngang và lại là Merlo xuất hiện, xé rách mành lưới HN.T&T.

Phong độ ấn tượng của Quốc Anh bắt đầu từ V-League 2009, mùa bóng mà SHB.Đà Nẵng đã lần đầu tiên đoạt chức vô địch sau 17 năm chờ đợi, và thật kỳ diệu, sự ổn định ấy kéo dài cho đến tận bây giờ. Thêm một chức vô địch V-League nữa cùng đội bóng xứ Quảng – Đà năm 2012, Quốc Anh trở thành chủ nhân quả bóng vàng Việt Nam với số phiếu bầu gần như tuyệt đối.

Nếu bóng đá đơn thuần là thành tích, với phép tính cộng phổ thông, không ai trong số những cầu thủ Việt đương đại qua được Quốc Anh, trong khoảng 4 năm đổ lại. Và khi bóng đá còn là nghệ thuật trình diễn, với những pha bóng hay, những bàn thắng đẹp, kể cũng ít người bì được với “thằng Tí”. Nhưng Quốc Anh gần như không có nhu cầu phát biểu hay xuất hiện trên các mặt báo.

Và đó là sự khác biệt lớn nhất. Tất nhiên, cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Chuyện của Quốc Anh, với cú ngã đau trong quá khứ, đã quá cũ để nhắc lại.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại