Số phận nghiệt ngã lạ lùng của người "khai sinh" bóng nữ Việt Nam

Khánh Chương |

Bóng đá nữ Việt Nam đang ngày càng phát triển, thành tích còn trội hơn ĐTQG nam nhưng người có công đầu khai sinh lại đi những bước cuối cuộc đời không thể nghiệt ngã hơn.

18 bậc cầu thang là khoảng cách xa nhất ông có thể gắng gượng lê đôi chân run rẩy từ căn hộ xuống quán cafe dưới chân chung cư cũ. Ông cứ ngồi đó mỗi sáng, tìm ai như chờ đợi, thỉnh thoảng nói vài ba câu không nghe rõ, rồi lại trở về căn hộ.

Ở chung cư này, có vài người biết, cũng có người không để ý. Ông là Nguyễn Văn Tịnh, cựu danh thủ, HLV tuyển bóng đá nữ đầu tiên tại Việt Nam thời bấy giờ.


Ông Tịnh giờ đã rất già yếu lại mang bệnh.

Ông Tịnh giờ đã rất già yếu lại mang bệnh.

Thời oanh liệt nay còn đâu

Ông Tịnh sinh năm 1938. Những tên tuổi cùng thời với ông không còn mấy ai; có người cũng già yếu, tật bệnh; có người định cư bên Mỹ. Những ký ức về ông vì thế không còn nhiều. Một thời quần đùi áo số miệt mài trên sân cỏ giờ chỉ còn đôi ba tấm hình lưu niệm.

Đến thăm ông một chiều lạnh trước Giáng Sinh, đang nằm trên giường, ông ngồi dậy ngay khi biết có khách tới thăm. Nhưng miệng ông cứ nhai nhóp nhép, giọng nói thều thào, đứt quãng, nghe không rõ tiếng.

“Đó là biến chứng căn bệnh tai biến khoảng 3 năm trước. Không có kinh phí châm cứu thường xuyên, tật bệnh không thuyên giảm”, bà Liên, vợ ông giải thích. Bà Liên cũng là người “phiên dịch” cho chúng tôi sau những lời ông khó nhọc trọ trẹ.


Người vợ già ốm yếu phải chăm sóc chồng.

Người vợ già ốm yếu phải chăm sóc chồng.

Ông Tịnh vốn xuất thân trong quân ngũ thời chính quyền cũ ở Sài Gòn. Từng được cử đi học ngành ra đa nhưng niềm đam mê bóng đá đã giữ ông ở lại CLB Phòng Không.

Thời đó, bóng đá miền Nam còn làm mưa làm gió ở khu vực. Ông có tên trong thành phần đội bóng giành ngôi vô địch giải đấu quốc tế Tam hùng tại Thái Lan.

Sau năm 1975, ông chuyển sang sự nghiệp cầm quân, dẫn dắt đội Công nghiệp thực phẩm - thuộc Bộ Công nghiệp thực phẩm miền Nam tham dự giải Vô địch Quốc gia A1 suốt 10 năm liền.

Năm 1986, ông chuyển về làm HLV Trưởng đội bóng đá nữ ở Trung tâm Thể dục thể thao Tao Đàn. Đây là tiền thân của CLB bóng đá nữ TPHCM, cũng là đội bóng đá nữ đầu tiên của Việt Nam ở lúc đó.


Ông Tịnh (hàng đầu, thứ 2 từ trái sang) cùng bạn hữu thời còn đá bóng.

Ông Tịnh (hàng đầu, thứ 2 từ trái sang) cùng bạn hữu thời còn đá bóng.

Dưới sự dìu dắt của ông, CLB đạt được nhiều thành tích. Nhiều cái tên sau này đã trở thành trụ cột của tuyển bóng đá nữ quốc gia như: Kim Hồng, Mỹ Oanh, Lưu Ngọc Mai, Đoàn Kim Chi...

Ngồi trên giường trò chuyện được đôi câu ông lại nằm xuống, dáng nằm co quắp nhưng đôi mắt vẫn tập trung. Phần vì giọng nói, phần vì trí nhớ không còn minh mẫn, ông Tịnh không chia sẻ được nhiều.

Nhưng cứ hễ trao đổi với bà Liên điều gì liên quan đến môn túc cầu, ông lại ngồi nhổm dậy ngay. Ông nói mình vẫn nhớ học trò, nhớ sân cỏ.

Một thời oanh liệt với bao đóng góp, chiến công cũng không còn gì ngoài... kỷ niệm. Giờ đây, cuộc sống vật chất khó khăn, ông hết lủi thủi vào ra như chiếc bóng rồi lại nằm dài trên giường bệnh.

Ngày trước chỉ làm việc theo hợp đồng, hết việc thì nghỉ, không có lương hưu và chế độ. Khi ông bệnh tật quay về mái ấm cũ sau quãng đời lãng tử, phiêu bạt cuộc sống lại càng thêm chật vật.


Vẻ điển trai của ông Tịnh.

Vẻ điển trai của ông Tịnh.

Đời hào hoa chỉ mong “ru lại một câu hò thủy chung”

Nghiệp cầu thủ của ông gặt hái nhiều thành công. Lại thêm vẻ điển trai nên bao phen bà Liên phải vất vả giữ chồng. “Số ổng đào hoa vì thời trẻ ổng đẹp trai lắm”, bà nói khi đưa cho chúng tôi xem tấm hình chân dung trắng đen của ông Tịnh.

“Nhưng ổng tuổi Dần, tính dữ như cọp. Có giữ được đâu. Vợ chồng sống với nhau được 6 mặt con thì ông bỏ đi theo người khác. Nhưng cũng kiếp đào hoa này mà ngày trở về ổng chẳng còn gì ngoài hai bàn tay trắng”, bà Liên mủi lòng kể tiếp.

4 năm trước, ông bị bệnh gì đó nặng lắm. Ông Tịnh không nhớ rõ, bà Liên không ở gần nên không hay. Khi sức khỏe ông Tịnh suy sụp thì bị người kia hắt hủi, đuổi ra khỏi nhà.

Giận thì giận, mà thương thì thương, bà Liên nghĩ đến nghĩa xưa lại đưa ông về nhà chăm sóc. Người con riêng của ông cũng chỉ ghé thăm 1 lần duy nhất rồi biệt tăm.

“May mà hồi đó, còn được đội bóng Công nghiệp thực phẩm cấp cho căn hộ chung cư để mấy mẹ con có chỗ tá túc, nay ông cũng có chỗ để quay về”.

Nhưng xui rủi vẫn chưa dừng lại. Từ ngày ông về kéo theo nhiều khốn khó. Sức khỏe yếu, ông đi lại vất vả, té ngã liên tục dẫn đến bị tai biến.

Nhiều tháng liền ông nằm liệt. Bác sĩ vật lý trị liệu đến nhà châm cứu rồi điều trị, ông mới lẫm chẫm vịn cầu thang đi tới đi lui được một quãng.


Bà Liên tận tụy chăm sóc chồng.

Bà Liên tận tụy chăm sóc chồng.

Giờ 2 vợ chồng già cứ nương tựa vào nhau. Bản thân bà Liên ngày trước bị gãy chân, thêm bệnh khớp, đi lại trong nhà phải chống gậy. Mỗi ngày bà vẫn tận tụy chăm sóc ông từ miếng ăn, giấc ngủ đến khâu vệ sinh.

Khi thôi giữ chức HLV, ông không có lương hưu cũng như chế độ.

Trong căn nhà sơ sài, chật chội 40m2 cho 7 người, nhìn trước nhìn sau không có gì đáng giá. Nguồn sống phụ thuộc vào mấy người con nhưng họ cũng nghèo khó nên chi tiêu thì hết sức tằn tiện.

3 người con trai của ông (lớn nhất 52 tuổi, nhỏ nhất cũng 48), tất cả đều chưa vợ. Bà Liên nói vui “chúng nó sợ nhà nghèo nên không lập gia đình”.

Bà cho biết thêm rằng, đồng đội cũ của ông có thành lập Quỹ cựu cầu thủ. Cuối năm, họ tìm đến nhà để mời ông đi dự một buổi liên hoan gặp mặt, giúp đỡ nhau một số tiền. Hoặc thi thoảng, học trò cũ nhớ thầy, kéo nhau đến chơi với ông, biếu ông ít tiền tiêu vặt.

Nhưng tất cả cũng không đáng là bao.

Ngoài gia đình và những hồi ức vui buồn đang phai nhạt dần trong trí nhớ, cái ông còn, có chăng, là chút tình giữa dăm ba ông bạn già xa cách, hay tình cảm lưu luyến của những “cô gái vàng” một thời vẫn gọi ông bằng danh xưng “bố Tịnh” thân thương.

Nữ Việt Nam tiêu diệt Thái Lan, trả hận cho thầy trò Miura

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại