Sao không “xuất ngoại” Công Phượng?

Song Nhi |

Bầu Đức khẳng định giữ nguyên kế hoạch đôn Công Phượng và một số cầu thủ xuất sắc của lứa U19 lên đá V-League 2015, nhưng đó liệu có thực sự là một cách làm hiệu quả nhất để phát triển tài năng của họ?

 Thông tin liên tục, nhanh, độc quyền về CÔNG PHƯỢNG

“Nếu cần tiền, tôi chỉ cần gật đầu thì một hai cầu thủ của Học viện HAGL Arsenal JMG sẽ ra nước ngoài thi đấu ngay. Nhưng tôi đâu dại gì mà làm điều bất lợi cho bóng đá Việt Nam”- bầu Đức từng lên tiếng giải thích vì sao không bán lứa cầu thủ vàng mà ông bỏ công đầu tư suốt 7 năm qua.

Cái tâm và cái tầm của bầu Đức khiến NHM trên khắp dải đất hình chữ S này cảm thấy nể phục và trân trọng. Ở vị trí của mình, bầu Đức chắc chắn cũng có cách tính riêng để phát triển tài năng của Công Phượng và đồng đội ở Học viện HAGL Arsenal JMG. Nhưng ở một góc nhìn khác, liệu rằng giữ Công Phượng hay một số ngôi sao xuất sắc khác chơi V-League có thực sự hiệu quả hay không, trong khi có rất nhiều thông tin các đội bóng nước ngoài muốn chiêu mộ họ?

19 tuổi, những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh không còn nhỏ nữa. Với những quốc gia khác có nền bóng đá chuyên nghiệp, những cầu thủ ở tuổi này đã khá già dặn. Không ít cầu thủ đã nổi danh khi lên chơi chuyên nghiệp và đã có thể chịu trách nhiệm về mọi hành vi cả trong lẫn ngoài sân cỏ.

Xuất ngoại có thể giúp tài năng của Công Phượng và các cầu thủ xuất sắc của HAGL Arsenal JMG phát triển hơn?
Xuất ngoại có thể giúp tài năng của Công Phượng và các cầu thủ xuất sắc của HAGL Arsenal JMG phát triển hơn?

Việc đôn cả một lứa cầu thủ trẻ lên đội 1 trong bóng đá hiện đại đã không còn là con đường đúng đắn. Việc Man United sản sinh ra lứa vàng 1992 với những Becks, Giggs, Scholes… hay Barca là lứa Messi, Iniesta, Pedro, Xavi chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Một lứa đào tạo trẻ, giỏi lắm cũng chỉ có thể lọc ra được một vài cá nhân xuất sắc để giữ lại đội 1. Ngay đến lò La Masia hay các lò đạo tạo trứ danh khác, họ cũng không gom tất cả một lứa, đá chung một đội rồi nâng lên các cấp độ cao hơn. Khi đến ngưỡng, họ có thể xuất ngoại các cầu thủ, kèm theo điều khoản mua lại nếu cầu thủ đó thực sự phát triển.

Vì nếu khoanh vùng một nhóm cầu thủ và mãi vẫn chỉ làm quen với một lối chơi, một công thức sẽ rất khó phát triển. Chưa kể, lối chơi của các cầu thủ sẽ bị rập khuôn giống nhau. Các cầu thủ cần được cọ xát với những môi trường bóng đá khác nhau, để học hỏi và thích ứng với những triết lý bóng đá khác nhau.

Có lẽ sẽ xuất hiện ý kiến cho rằng nếu những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường xuất ngoại, họ có thể đối mặt nguy cơ dự bị. Trước hết, một khi được các đội bóng nước ngoài ngắm đến, đồng nghĩa họ sẽ được trao cơ hội và sẽ phải nỗ lực để chớp lấy thời cơ. Còn việc phải ngồi dự bị ở những nền bóng đá lớn như Anh, Hà Lan, Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng chưa hẳn đã là điều tồi tệ. Công Vinh sau thời gian khoác áo Sapporo cũng thừa nhận, anh học được rất, rất nhiều dù không thường xuyên được đá chính.

Hoặc cũng có người sẽ viện dẫn câu chuyện của Thái Sung như một lời cảnh báo cho thất bại. Nhưng cần biết rằng, Thái Sung chỉ đi theo dạng học viên được cấp học bổng, ở một lò đào tào giống như một trại Hè bóng đá là Aspire và ở một quốc gia không mạnh về bóng đá như Qatar. Vì thế, việc Thái Sung “khớp” khi trở lại Việt Nam là điều dễ hiểu.

Tất nhiên, câu chuyện Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh hay Đông Triều được những đội bóng nước ngoài hỏi mua mới chỉ đến từ một phía. Nhưng nếu thực sự có cơ hội, tại sao không xuất khẩu những học viên tài năng của lứa 1 của Học viện HAGL Arsenal JMG?

V-League tốt hơn giải Ngoại hạng Anh, giải VĐQG Hà Lan, K-League hay J-League? Câu trả lời chắc chắn là không!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại