Quyền lực "Các mẹ ơi" khuấy đảo bóng đá Việt

Fan Kuồng |

Bóng đá là trò chơi của nam giới vì họ thuộc phái mạnh? Nhầm to rồi! Cánh chị em đang nhếch mép cười mỉa kia kìa. Bởi bóng đá là của nữ giới.

LTS: Chuyện thứ Ba là một góc ngẫm và “đi” cùng bạn đọc từ câu chuyện xã hội để "bắt bệnh" và hiểu thấu các vấn đề thể thao trong nước cũng như quốc tế dưới góc nhìn của những cây bút hàng đầu hiện nay.

Bài Chuyện thứ Ba sẽ được đăng tải vào sáng thứ Ba hàng tuần, mời độc giá chú ý đón đọc.

Phái mạnh phải là phái đang cai trị thế giới đúng không nào. Xét trên tiêu chí này, nữ giới đang thống trị toàn cõi mạng trong tập đoàn quyền lực có danh xưng mỹ miều là “Các Mẹ Ơi”.

Từ thuở “khai forum, lập mạng xã hội”, chưa có quyền lực nào tối thượng hơn “Các Mẹ Ơi”. Sức mạnh của từng nhân tố “mẹ” khi xé lẻ hoàn toàn lép vế trước đàn ông, thậm chí trở thành đối tượng lệ thuộc, phụ thuộc vào đàn ông, do đó mới có từ Phụ Nữ.

Nhưng khi các nhân tố đó liên kết lại, đừng nhầm với Liên Kết Việt, hợp thành tổ chức “Các Mẹ Ơi” thì những nhân tố mẹ bỗng sở hữu sức mạnh vô song, nắm tuyệt đối quyền lực tối cao, chi phối hoàn xã hội từ mảng vi mô đến vĩ mô chứ chả riêng gì bóng đá.

HLV Miura mất việc vì sức ép quá lớn từ dư luận.
HLV Miura mất việc vì sức ép quá lớn từ dư luận.

Ví dụ, như ở trường hợp cựu HLV trưởng Toshiya Miura chẳng hạn. Được coi là có tài năng, có phương pháp huấn luyện phù hợp với cầu thủ Việt, đã tạo được một số dấu ấn ở ASIAD hay một số giải đấu khác.

Tuy nhiên, chỉ vì không trọng dụng những cầu thủ trẻ đang nổi của HAGL mà mọi chuyện thay đổi.

Lọt vào tầm mắt của “Các Mẹ Ơi”, kể từ đó ông Miura “lên bờ xuống ruộng” vì bị các mẹ chê là tư duy bóng đá xấu xí, phá bóng đá, phản bóng đá, bảo thủ, trì trệ, thực dụng, chẳng làm nên trò trống gì, rồi cả “Sa thải ngay. Đuổi luôn”…

Dưới sức ép của “Các Mẹ Ơi”, mối duyên của bóng đá Việt Nam với ông Miura tan vỡ, anh đường anh tôi đường tôi dù hợp đồng chỉ còn vài tháng thôi.

VFF không chịu được sức mạnh của “Các Mẹ Ơi” nên đành… vung dao tự cắt dây chuông, luồn dây điện. Đấy, bóng đá nào của đàn ông?

Ở một đất nước, bóng đá là cơn "lên đồng" tập thể bất tận, thì nó càng lại là trò chơi của “Các Mẹ Ơi”.

Áp lực thành tích của “Các Mẹ Ơi” đã khiến cho những người làm bóng đá cũng phải chạy theo thành tích, chú trọng thành tích, sống chết vì thành tích chứ không phải vì sự phát triển vững bền.

Họ, quan chức bóng đá nước nhà, đều là đàn ông nhưng lại mang tư tưởng làm bóng đá rất chi là của “Các Mẹ Ơi”. Đấy, bóng đá nào của đàn ông?

Thế cũng bình thường, bởi không có vấn đề gì của xã hội mà thoát khỏi tầm kiểm soát của “Các Mẹ Ơi”. Từ thượng tầng trí thức đến hạ tầng cơ sở, thượng vàng hạ cám đều có thể biến thành chủ đề được “Các Mẹ Ơi” khai thác.

Một lời nhận xét của tập đoàn “Các Mẹ Ơi” có thể khiến một sản phẩm hàng hóa chết bất đắc kỳ tử hoặc bán chạy như tôm tươi, tùy theo thái độ yêu hoặc ghét của “Các Mẹ”.

Quyền lực của “Các Mẹ Ơi” lớn tới mức trở thành công cụ thượng thừa để PR hoặc vùi dập đối thủ cạnh tranh.

Những cầu thủ quốc dân được Các Mẹ Ơi ưu ái.
Những "cầu thủ quốc dân" được "Các Mẹ Ơi" ưu ái.

Một ca sĩ nếu trót chọc giận “Các Mẹ Ơi” thì xác định ngay tương lai vùi dập dưới "gạch đá".

Quyền lực “Các Mẹ Ơi” ngày càng phủ bóng nhờ sự phát triển của mạng xã hội.

Trước “Các Mẹ Ơi”, người ta chỉ có 2 lựa chọn: Thuần phục hoặc bị đè nát. Thậm chí, rất nhiều người thuộc cánh mày râu cũng đang tìm cách gia nhập lực lượng “Các Mẹ Ơi” bằng cách “lại cái”, tự xưng là “mẹ” khi giao tiếp.

Bóng đá là trò chơi của phái mạnh. Đồng ý, nhưng phái mạnh bây giờ là “Các Mẹ Ơi” chứ không phải các bố nên đừng có ngông cuồng nhận bóng đá là của chúng mình kẻo “Các Mẹ” cười cho thối mũi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại