"Cấm" VĐV giành huy chương
Có lẽ chuyện chưa thi đấu mà đã "mặc cả" huy chương chỉ xuất hiện tại SEA Games. Như đã được biết, trước khi đoàn TT Việt Nam dẫn quân tham dự SEA Games 27, nước chủ nhà Myanmar đã gửi yêu cầu khá "dị".
Qua đó, nước chủ nhà của SEA Games 27 yêu cầu đoàn TT Việt Nam chủ động nhường lại 7 tấm HCV trong tổng số 18 bộ huy chương của môn vovinam. Nếu không họ sẽ gạch bỏ môn thi này ra khỏi SEA Games 27. Bên cạnh đó, phía Việt Nam cũng phải tạo điều kiện cho Lào và Campuchia có được huy chương trong môn võ này.
Chuyện này đã được ông Hoàng Vĩnh Giang - Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam, xác nhận: “Vovinam có 18 bộ HCV. Nhưng phía chủ nhà Myanmar muốn phải được 7 HCV. Chưa kể Singapore cũng đòi có HCV, nếu không thì Singapore sẽ không đưa môn vovinam vào chương trình thi đấu tại SEA Games 2015 tổ chức tại nước này. Còn lại, VN cũng phải chia HCV cho Lào, Campuchia nữa nên khó mà đứng nhất toàn đoàn ở môn võ truyền thống của mình”.
Đoàn vovinam Việt Nam được yêu cầu nhường lại 7 tấm HCV cho nước chủ nhà Myanmar
Điều tương tự cũng xảy ra ở môn bi sắt. Myanmar đã gửi "tâm thư" tới các đoàn Thái Lan, Lào, Việt Nam, Campuchia với ý họ phải có được HCV ở cả đơn nam và đơn nữ, nếu không bi sắt cũng sẽ bị gạch tên.
Tính trên tổng thể, nước chủ nhà Myanmar tuyên bố thẳng thừng rằng phải giành được ít nhất 1/5 tổng số HCV ở môn nào thì mới tổ chức, bằng không sẽ loại hết.
Điều này dẫn đến hệ quả đoàn Việt Nam phải rút ngắn danh sách thành viên tham dự SEA Games xuống còn 750 người với 519 VĐV. Ở kỳ SEA Games 26, đoàn TT Việt Nam có 857 thành viên, trong đó có 601 VĐV. Và nhiều khả năng, VĐV Việt Nam sẽ phải tuân theo lệnh không được thi đấu theo hết sức của mình cũng vì bức "tâm thư" của Myanmar.
Không vào Internet sau 22h và phải ngủ sớm
Nhằm đảm bảo sức khỏe cũng như tâm lý thi đấu, BHL U23 Việt Nam đã đưa ra quy định yêu cầu các cầu thủ hạn chế tiếp xúc với giới truyền thông.
Bên cạnh đó, việc sử dụng Internet và các thiết bị liên lạc cũng cần được giảm thiểu một cách tối đa. Sau 22h tối, các cầu thủ sẽ không được phép lên mạng hay gọi điện… phải đi ngủ sớm để có thể đảm bảo sức khỏe.
Các VĐV chỉ được sử dụng các thiết bị liên lạc và truy cập mạng trước 22h.
Điều này giúp cho các cầu thủ U23 Việt Nam tránh được những tác động ngoại cảnh không đáng có, đặc biệt là về mặt tâm lý. Ngay như vụ Michal Nguyễn thường xuyên truy cập facebook nói chuyện với bạn bè thâu đêm cũng làm ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe của chàng trai Việt kiều ở vòng loại Asian Cup 2015.
Qua việc này cũng có thể thấy, HLV Hoàng Văn Phúc rất muốn thay đổi hình ảnh của bóng đá Việt vốn vẫn nhiều điều tiếng về chuyện kỷ luật.
Tự bỏ tiền túi đi dự SEA Games
Hockey là môn thể thao vẫn còn rất lạ lẫm đối với người dân Việt Nam. Nhưng trong lộ trình phổ cập hóa môn thể thao này, LĐTT Việt Nam vẫn đăng ký dự thi với nền tảng là những VĐV đến từ CLB Tornados.
Tuy nói là đoàn VĐV nhưng chủ yếu họ là những người chơi nghiệp dư, tụ họp lại với nhau và khao khát được cống hiến cho màu cờ sắc áo tổ quốc. Nhưng do đây chưa phải là môn được ưu tiên nên ngoài việc đăng ký tham dự, các VĐV hockey Việt Nam nhận được rất ít sự hỗ trợ của LĐ.
Vì chưa nằm trong danh sách các môn được đầu tư, đoàn VĐV hockey Việt Nam phải tự bỏ tiền túi ra để tham dự SEA Games.
Theo quy định, các VĐV hockey nếu muốn được tham dự tranh tài tại SEA Games 27 sẽ phải tự bỏ tiền túi ra để trang trải chi ăn ở. Ngay như việc tìm HLV, các VĐV cũng phải tự thuê về cho mình một chuyên gia để dẫn dắt cả đội. Điều kiện còn nhiều hạn chế, việc tập luyện, ăn ở, đi lại của đoàn hockey Việt Nam gặp phải không ít bất cập.
Họ phải tập trên sân cỏ chứ không phải thảm thi đấu theo đúng quy chuẩn. Điều này khiến cho cảm giác bóng của đội hockey khi thi đấu và luyện tập thay đổi rất nhiều. Đoàn VĐV hockey Việt Nam chỉ có vài buổi tập hiếm hoi để làm quen với mặt thảm trước khi bước vào giải. Tuy nhiên, các VĐV vẫn đặt cho mình mục tiêu.