“Người Nhật tí hon” có sức mạnh một chọi mười

Thiên Hà |

Ở Nhật Bản có một huyền thoại được giới võ thuật đặc biệt tôn sùng, đó là võ sư Kyuzo Mifune, con người nhỏ bé nhưng khiến các đối thủ phải khiếp sợ.

Ở Nhật Bản, Kyuzo Mifune (1883-1965) được coi là võ sư huyền thoại và cũng là người sở hữu những kỹ thuật Judo lợi hại nhất thế giới.

Giới võ thuật Nhật Bản đã phải công nhận rằng mặc dù Kyuzo Mifune qua đời được 7 thập kỷ nhưng tới nay, không một ai có thể đem ra để so sánh được với ông.

“Người tí hon” có sức mạnh một chọi mười

Trong suốt nghiệp võ, Kyuzo Mifune không mấy khi tham gia đánh đấm trên võ đài, nhưng mỗi lần tỉ thí, ông đều khiến người ta phải thán phục về những kỹ năng của mình.

Có một lần Mifune (đã đạt ngũ đẳng huyền đai Judo) cùng một người bạn ghé vào nhà hàng nhỏ để ăn tối.

Hai người đang ăn thì nghe thấy những tiếng la mắng ầm ĩ của nhiều người đàn ông và những tiếng nói thất thanh của một người phụ nữ, phát ra từ căn phòng bên cạnh.

Người bạn của Mifune vốn tò mò nên đã hé mở tấm cửa sổ để nhìn sang phòng bên, ông đã trông thấy khoảng 13 hay 14 người đàn ông thân hình to như hộ pháp đang quát mắng một cô gái, vốn là người phục vụ tại nhà hàng.

Mifune và người bạn của mình vẫn ngồi im không có động tĩnh gì cho đến khi có một tiếng… “bốp” phát ra. Một cái bạt tai trời giáng của gã to lớn dành cho người phụ nữ.

Tới lúc này, Mifune cùng bạn của mình không còn im lặng được nữa.

Chân dung thời trẻ của huyền thoại Kyuzo Mifune
Chân dung thời trẻ của huyền thoại Kyuzo Mifune

Chứng kiến cảnh bất bình, hai người đạp cửa xông vào phòng trong để hỏi có chuyện gì xảy ra.

Lúc đó, đám côn đồ bặm trợn đang uống rượu sake cũng nhìn 2 gã đàn ông với vóc dáng nhỏ bé thư sinh một cách rất tò mò.

Sau đó đám côn đồ và người bạn của Mifune đã lời qua tiếng lại và hệ quả là người bạn kia đã bị một tên trong nhóm côn đồ ‘”tặng” cho hai cú đấm ngã dúi dụi.

Mifune liền đỡ bạn dậy. Khuyên bạn đứng yên để mình dậy cho đám côn đồ một bài học.

Nhanh như cắt, Mifune túm lấy một tên. Và chỉ một cái lắc hông, Mifune đã quật ngã đối thủ to lớn gấp đôi mình rồi thực hiện đòn bẻ khóa khiến tên này chỉ biết kêu lên vì đau đớn mà không thể nhúc nhích.

Quá bất ngờ nhưng những tên còn lại vẫn nhìn Mifune với con mắt rất khinh thường bởi trong số đám bặm trợn kia cũng có vài tên là võ sĩ karate và jujutsu, trong khi Mifune trông vừa gầy gò lại nhỏ bé yếu ớt.

Lập tức, hai tên khác xông vào định đánh Mifune nhưng không tài nào đánh nổi vì ông tránh né quá nhanh, thậm chí một tên to lớn nhất định lao vào nhấc bổng ông lên nhưng không hiểu sao chân Mifune cứ vững như bàn thạch, không hề nhúc nhích.

Biết gã đàn ông này “không phải dạng vừa”, cả đám lao vào đánh hội đồng nhưng tất cả đều bị Mifune đả bại bằng những đòn rất hiểm.

Chỉ sau một hồi, tất cả đám côn đồ tên thì bị gãy tay, tên thì gãy chân, tên thì bị bẻ khớp, tất cả đều đau đớn mất hết khả năng chiến đấu.

Đây không phải là lần đầu tiên ông đánh lộn với nhiều người. Trước đó khá lâu từ hồi 14 tuổi, mặc dù mới chỉ tập luyện Judo đúng 1 năm nhưng với bản tính hiếu thắng, ông đã đánh bại 9 đối thủ trong một cuộc giao đấu.

Ở lần thượng đài hiếm hoi khi ông 40 tuổi, ông đã đấu với một võ sĩ cao thủ, là nhà vô địch Sumo cao 1,82m nặng hơn 100kg, Mifune chỉ cao 1,58m và nặng chưa đầy 45kg.

Trước vẻ bề ngoài quá chênh lệch, các khán giả đổ sô đặt cược cho võ sĩ Sumo. Nhưng tất cả đều đã phải ngỡ ngàng.

Bước vào trận đấu, võ sĩ Sumo liên tục dồn ép nhưng không sao thắng được sự nhanh nhẹn và khéo léo của Mifune. Thậm chí khi đã tóm được hai bắp tay của đối phương thì cao thủ sumo vẫn hoàn toàn bất lực bởi tấn pháp của Mifune quá vững.

Khi các khán giả còn đang reo hò ầm ĩ thì một tiếng rầm phát ra, bằng một đòn quật ngã sở trường, Mifune đã khiến gã hộ pháp nằm sàn đau đơn bất động. Trận đấu kết thúc trong sự thán phục của hàng ngàn khán giả có mặt.

Về sau khi đã trở thành một võ sư cao cấp của môn Judo, trong nhiều lần thị phạm cho các đệ tử, Mifune mặc dù ở độ tuổi gần 80 vẫn có thể để cho rất nhiều võ sĩ trẻ dùng hết sức để quật ngã ông nhưng tất cả đều phải bó tay.

“Người khổng lồ”, “vị thần” của Judo

Ở Nhật Bản, cả giới võ học đều ca ngợi Kyuzo Mifune là “Vị thần của Nhu đạo “(The god of Judo).

Ông sinh năm 1883 tại thành phố Kuji trên đảo Honshu của Nhật Bản. Khi còn nhỏ ông là một cậu bé bị coi không bình thường với rất nhiều trò tinh quái. Ông được mọi người đánh giá là thông minh nhưng rất tự phụ.

Năm 13 tuổi, cha Mifune, một người rất nghiêm khắc đã gửi ông vào trường trung học tại Sendai, ở miền Bắc của Nhật Bản. Ở đó, ông đã khám phá ra môn Judo, khởi đầu cho chặng đường chiến đấu và dâng hiến cả cuộc đời mình cho nó.

Sau khi tốt nghiệp trung học, ông được gửi tới Tokyo, vào một trường trung cấp trước khi vào trường đại học Waseda. Tại đây, ông đã ngay lập tức gia nhập Kodokan (võ đường do sáng tổ Jigoro Kano trực tiếp giảng dạy và cũng là hệ phái tiêu biểu của môn phái).

Kyuzo Mifune (trái) được mệnh danh là Thần Judo.
Kyuzo Mifune (trái) được mệnh danh là "Thần Judo".

Vốn không quen biết một ai ở Kodokan nhưng ông đã chọn Sakujiro Yokoyama – võ sư được mệnh danh là “quái nhân”, rất nhanh, mạnh và nguy hiểm của môn Judo làm người hướng dẫn trực tiếp.

Sau một thời gian khá ngắn, Mifune đã lĩnh hội hết những kỹ thuật mà Sakujiro Yokoyama truyền dạy.

Nhưng chưa thỏa mãn, Mifune một lần đã đứng ở trước cửa nhà của Yokoyama cho tới khi thầy chịu giới thiệu ông tới ngài sáng tổ Kano, với hy vọng học được những tuyệt kỹ cao siêu hơn.

Trong thời gian này, ông mải mê luyện võ mà sao nhãng việc học hành, khiến cha rất tức giận và không trợ cấp tiền thêm nữa.

Sau 15 tháng, ông đã nhận được Shodan (nhất đẳng huyền đai) tại học viện Kodokan Judo và sau khoảng hơn 4 tháng là Nidan (nhị đẳng huyền đai). Mifune đã nổi danh và không bao giờ thất bại trong giải đấu thường niên “Đỏ và Trắng” của Kodokan.

Tới năm 1912, ông đã đạt Rokyudan (lục đẳng huyền đai), là một HLV và được gọi là “Thần Judo”. Năm 1937, ngài Kano phong cho Mifune danh hiệu Kyudan (Cửu đẳng huyền đai).

Khi ngài Kano qua đời năm 1938, Jiro Nango trở thành chủ tịch của học viện Kodokan nhưng Mifune trở thành HLV có uy thế nhất. Nhiều học viên đã kêu ca rằng Mifune rời xa chương trình giảng dạy của vị sáng tổ và ông bị nhiều người sợ hãi do tính cách rất khắt khe.

Đến năm 1945, ông được phong Judan (thập đẳng huyền đai) và là người thứ 4 trong 7 người được vinh hạnh đó.

Theo các nhà nghiên cứu võ thuật Nhật Bản, ảnh hưởng của Mifune với Judo sau chiến tranh thế giới thứ 2 là không thể đánh giá hết được.

Xem Kyuzo Mifune thị phạm cho đệ tử ở độ tuổi gần 80

Kỹ thuật của ông có thể nói là những gì tình xảo nhất đã từng thấy ở môn Judo. Tác động của ông giúp cho Judo có những cải tiến và dần trở thành một trong những môn võ lớn mạnh nhất thế giới.

Nhà nghiên cứu Trevor Legget cũng là một võ sư cao cấp của môn Judo cho rằng sự “thô ráp” của Judo ở Kodokan đã trở nên mềm mại nhưng thực dụng hơn rất nhiều, đó chính là nhờ tác động của Mifune.

Năm 1964, Mifune làm việc tại trụ sở của Olympic Tokyo Olympic nhưng chỉ sau đó vài tháng, vào ngày 27/1/1965, ông đã qua đời ở tuổi 81. Tại thời điểm đó, ông là người cuối cùng đạt Thập đẳng của môn Judo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại