Thiệt hại nặng về kinh tế là chắc chắn
Thành tích nổi trội trên sân tennis, cùng với khuôn mặt khả ái và vóc dáng gợi cảm, không lạ khi Sharapova là một trong những tay vợt kiếm tiền tốt nhất từ quảng cáo trong giới nữ vận động viên.
Hiện tại, hợp đồng quảng cáo lớn nhất của tay vợt người Nga này là với thương hiệu thể thao nổi tiếng Nike. Hợp đồng với thời hạn 8 năm này có giá trị lên đến 70 triệu USD.
Bên cạnh đó, Maria Sharapova còn nhận được phần trăm từ việc bán các sản phẩm của Nike có gắn tên cô. Đây cũng là hợp đồng có giá trị cao nhất thế giới với một nữ vận động viên.
Bên cạnh đấy, tay vợt từng 5 lần giành danh hiệu Grand Slam này còn có hợp đồng 5 năm với thương hiệu nước khoáng Evian và 3 năm với hãng xe Porsche, cũng như Avon và Tag Heuer.
Theo thống kê của tạp chí Forbes, trong năm 2015, Sharapova kiếm được 29,5 triệu USD, trong đó 22,8 triệu USD đến từ các hợp đồng quảng cáo, 6,7 triệu USD đến từ thành tích trên sân.
Cô xếp thứ 26 trong danh sách những vận động viên có thu nhập cao nhất thế giới, và cao nhất với các nữ vận động viên.
Maria Sharapova có hợp đồng rất giá trị với hãng Nike.
Ngay sau khi Maria Sharapova xác nhận việc dùng doping đêm qua (giờ Việt Nam), hãng Nike đã lập tức ra thông cáo đình chỉ hợp đồng với cô, ít nhất cho đến khi nhận được thông tin chính thức từ ITF.
Nếu nhận án phạt của ITF, nhiều khả năng Nike, cũng như các hãng có hợp đồng với Sharapova sẽ chấm dứt, hoặc xem xét lại giá trị hợp đồng quảng cáo.
Phần thiệt thòi tất nhiên sẽ nằm về phía “nữ hoàng quần vợt”, chưa nói đến chuyện cô có thể phải bồi thường giá trị hợp đồng.
Theo nhận định từ các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại thể thao, một khi án phạt đưa ra, Sharapova sẽ mất phần lớn trong con số gần 30 triệu USD - quy chiếu theo thu nhập năm 2015 của cô, từ các hợp đồng quảng cáo, cũng như thành tích trên sân.
Còn nhiều những dấu hỏi
Cho đến nay, mọi thông tin có được đều chỉ đến từ phía tay vợt người Nga, mà chưa có bất cứ động thái nào từ WADA (Cơ quan phòng chống doping thế giới) hay ITF (Liên đoàn quần vợt thế giới).
Theo cô, đây chỉ là một sơ suất nhỏ khi không đọc danh mục chất cấm bổ sung mà WADA gửi cho mình, từ đó vẫn dùng thuốc có chứa Meldonium để chữa bệnh, như trong suốt 10 năm qua.
“Điểm mờ” trong lập luận này của Sharapova nằm ở chỗ thuốc Meldronot (tên gọi khác của Meldonium) mà cô vẫn được bác sĩ riêng cho dùng vốn được sản xuất ở Latvia, được dùng thịnh hành ở Nga và Lithuania, nhưng lại không được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ công nhận.
Với một loại thuốc như thế, dĩ nhiên là cả Sharapova và bác sĩ của cô phải theo dõi rất kỹ tính hợp pháp của việc sử dụng, cũng như thường xuyên cập nhật tình trạng hợp pháp của thuốc tại Mỹ.
Maria Sharapova vô tình hay hữu ý dùng doping để rồi phải đối mặt những hậu quả nặng nề?
Đáng lưu ý, Maria Sharapova chẳng phải là vận động viên đầu tiên không vượt qua được xét nghiệm doping vì Meldonium.
Tuy chất này chỉ mới được bổ sung vào danh mục các chất cấm sử dụng trong thể thao từ hồi đầu năm, nhưng trước cô, đã có đến 6 vận động viên dính phải.
Hơn nữa, thời gian từ lúc danh mục cập nhật được gửi đến các vận động viên, cho đến lúc tay vợt này bị dính xét nghiệm là 10 tuần, khoảng thời gian không hề nhỏ để bác sĩ riêng và ekip của cô cập nhật thông tin.
Trước đó, vào tháng 9, một thông báo tương tự từ bộ phận chống doping của Nga cũng đã được gửi đến cho Sharapova.
Theo các chuyên gia truyền thông, việc chủ động công bố, đồng thời giải thích khá rõ ràng, mạch lạc và logic về nguyên nhân của vụ việc là bước đi khôn ngoan của Sharapova cùng đội ngũ xử lý khủng hoảng truyền thông.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến đặt nghi vấn về động thái “cầm đèn chạy trước ô tô” trong việc công bố sự việc lần này của người đẹp Nga và tiếp tục trông chờ vào những thông tin chính thức từ phía Ủy ban phòng chống doping của ITF, cũng như WADA.
Meldonium thường được sử dụng ở Latvia và một số nước Đông Âu khác để điều trị một số chứng bệnh về tim, cũng như tăng mức độ tuần hoàn máu.
Meldonium, còn được biết dưới tên Midronate được phát triển bởi Viện tổng hợp hữu cơ Latvia, giúp ngăn ngừa chứng bệnh thiếu máu cục bộ, một trong những bệnh lý về mạch máu có thể dẫn đến tử vong.
Meldonium còn có tác dụng cải thiện tâm trạng của người sử dụng, giúp họ năng động hơn. Thuốc làm tăng lưu lượng máu, qua đó cải thiện khả năng gắng sức của các vận động viên.
Quyết định Meldonium đưa vào danh mục cấm đã được phê duyệt vào ngày 16/9/2015 và có hiệu lực bắt đầu từ 1/1/12016.
Cơ quan chống doping của Nga đã gửi đến các vận động viên của mình một bản ghi nhớ về việc bổ sung Meldonium vào danh mục chất cấm từ tháng 9 năm ngoái, nhưng Sharapova đã không xem qua nó.
Maria Sharapova dính doping, bị cấm thi đấu tennis