Man City du đấu Việt Nam: Chưa thành công vì Man City không "vô đối"?

Đỗ Hiếu |

“Trận đấu giữa Việt Nam với Man City có 35 ngàn khán giả tới sân Mỹ Đình theo dõi. Chỉ cần thay chữ City bằng United thì tôi cam đoan sân Mỹ Đình có 70 ngàn chỗ cũng có thể được lấp kín”.

Bình luận của người dẫn chương trình “Chuyển động 24h” trưa 28/7 chỉ là một phỏng đoán ở điều kiện không có thật, nhưng lại được nhiều người đồng tình.

Man United có hơn 650 triệu fan trên thế giới, chắc chắn nuốt chửng lượng 7 ngàn fan của Hội CĐV Manchester City Việt Nam, được thành lập vội vàng chỉ vài ngày trước khi CLB tới.

Man City không “vô đối”

Ông bầu Đỗ Quang Hiển trả lời phỏng vấn Thể thao & Văn hóa rằng, ông “cảm thấy rất mệt mỏi” vì chưa được sẻ chia thấu đáo trong suốt chiến dịch đưa Man City sang Việt Nam.

Chỉ là điểm đến “dự bị”, khi Indonesia gặp bất ổn, ông Hiển và ngân hàng của mình chi khoảng 35 tỉ VNĐ để đổi lại rất nhiều phản ánh tiêu cực về công tác tổ chức.

Gần nhất là chuyện giá vé: 1,8 triệu; 1,5 triệu; 1 triệu và 600 ngàn VNĐ, mệnh giá vé của trận giao hữu Việt Nam – Man City cao hơn chừng 300 ngàn VNĐ mỗi mức giá so với trận Việt Nam – Arsenal 2 năm trước.

Và vé ế. Không bán được. Dân phe vé méo mặt. Ban tổ chức dù phải tổ chức bán thêm ở các địa điểm trước sân Mỹ Đình và khu phố Hoàng Cầu cũng không thể lấp kín được 40 ngàn chỗ.

Không biết nhà tổ chức lãi hay lỗ, nhưng việc không có nhiều fan ruột tại Việt Nam khiến họ gặp rất nhiều sự cố. Nếu có fan ruột, cầu thủ Man City sẽ không bị cáo buộc “lạnh nhạt” trong những lần tiếp xúc truyền thông.

Fan ruột yêu đội bóng cả đời, chẳng ai lại lao vào khách sạn yêu cầu cầu thủ “Hãy nói chào Việt Nam đi”. Fan ruột không đốt một lúc 10 tấm vé trị giá cả 3 tháng lương như một anh chàng quay lại clip rồi phát tán trên mạng.

Quả là một hành trình bão táp của Man City! Cái sự “phớt” của họ khiến bầu Hiển phải lên báo chia sẻ; dư luận sôi lên chủ yếu vì những tranh cãi nhỏ lẻ trên mạng, từ từ lan rộng gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh trận đấu.

Khi Man City ra về thì truyền thông “thở phào”, và có lẽ nhà tổ chức cũng… thở phào.

Lỗi nằm ở việc Man City không “vô đối” như Man United?

Man United không thay đổi được công chúng Việt

Nhưng nếu đặt giả thiết Manchester United tới Việt Nam thì tình trạng lộn xộn ở các điểm giao lưu tại Đại học quốc gia Hà Nội, Làng trẻ em S.O.S, gặp gỡ tại khách sạn JW Marriott có giảm đi không?

Nếu là Man United thì dân phe có thôi tích trữ vé không? Nếu là Man United thì nạn vứt rác bừa bãi, chen lấn, không xếp hàng ở sân Mỹ Đình ngày diễn ra trận đấu có chấm dứt không?

Có lẽ là không! Làm gì có chuyện CĐV xếp hàng nghiêm ngắn, không vượt qua hàng rào bảo vệ khi những thần tượng đang tiến đến kia có sức hút khổng lồ.

Làm gì có chuyện dân phe vé bỏ qua cơ hội làm ăn bằng vàng, nếu một đội bóng có sức hút nhường ấy đến đây?

Có lẽ, cũng khó có chuyện những túi ni-lông được vứt đúng vào thùng rác, và những hàng rào người xếp nghiêm ngắn bước vào sân xem bóng đá, khi những CĐV đang nóng ruột…

Đến đây thì vấn đề không phải là liệu Man City có “vô đối” ở Việt Nam hay không, mà là họ dù có “vô đối” thế nào cũng không thể thay đổi được cách phản ứng của công chúng tại các chương trình giao lưu, tại những trận bóng đá nóng bỏng mà phải khó khăn lắm những nhà tổ chức mới mang về để giải tỏa cơn khát cho những tín đồ.

Olympic Brazil, Juventus, Barca B, Porto B, Arsenal, Frankfurt, Olympiakos… đã đến Việt Nam và chưa thấy trở lại. Man City, rồi có thể cũng thế mà thôi, dựa trên thái độ của cầu thủ và Ban lãnh đạo trong những ngày ở Việt Nam.

Vấn đề không phải là ai sẽ đến thăm chúng ta nữa, mà là chúng ta có gì cho họ, và phản ứng trước sự kiện ấy thế nào.

1. Trận thua 1-8 trước Man City là trận thua đậm nhất trong lịch sử của tuyển Việt Nam (xét trong những trận giao hữu không chính thức).

Trận thua 1-7 trước Arsenal năm 2013 là thất bại đậm thứ nhì. Trận thua chính thức đậm nhất là 0-6 trước Zimbabwe năm 1997 và 0-6 trước Oman năm 2003.

35. Theo nhiều nguồn tin thì ông bầu Đỗ Quang Hiển đã phải chi 35 tỉ VNĐ để mời Man City sang du đấu đợt này.

1. Thống kê cho thấy đội Việt Nam chỉ dứt điểm trúng đích đúng 1 lần trước Man City và kiểm soát bóng 39% thời lượng. Việt Nam phạm 3 lỗi, Man City phạm 5 lỗi.

Hoang mang!

Điểm sáng lớn nhất trong thương vụ mời Man City sang Việt Nam, đấy là Việt Nam không thiếu tiền, không thiếu đam mê và thiếu nguồn lực để mời các CLB nổi tiếng châu Âu sang du đấu.

Nhưng cuối cùng, với các doanh nghiệp, họ được cái gì với những sự kiện này?

Người viết không biết chắc bầu Hiển và SHB có được nhiều về mặt hình ảnh hay không, nhưng sự mệt mỏi và thất vọng là có.

Trên sân Mỹ Đình, phần lễ quá rườm rà, mà chỉ riêng nghi lễ tặng hoa đã thấy rối rắm.

Công tác chuẩn bị chuyên môn, nhân sự cho đội tuyển cũng không cho thấy sự công phu, tập trung hết tinh hoa của bóng đá đất nước (tất nhiên là lỗi của ông Miura).

Cầu thủ, có lẽ sau sự háo hức, đã bị tổn thương bởi chẳng ai có thể vui nổi với một trận đấu bị biến thành những “chú hề” chơi bóng.

Nhìn vào "thương vụ" Man City, bầu Hiển vất vả như thế, đơn độc như thế, chắc chắn ít doanh nghiệp nào dám “to gan” mời các CLB sừng sỏ nước ngoài sang Việt Nam.

Một cảm giác hoang mang sau khi Man City rời Việt Nam. Sau thất bại của ĐTVN tại AFF Cup 2014, và SEA Games 2015, người hâm mộ vẫn chưa hài lòng về lý giải của những người có trách nhiệm với bóng đá Việt Nam.

Vẫn biết là đấu với Man City thì không lại, nhưng cách vận hành và thay người thì không ổn. ĐTQG đá kiểu này thì làm sao đây?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại