Người ta vẫn nói: “Danh sư xuất cao đồ” để ghi nhận công lao đào tạo, dạy dỗ của những người thầy nổi tiếng. Tôi không dám nhận hai tiếng danh sư mà chỉ luôn xem mình là một HLV may mắn, được số phận trao gửi những người học trò tài năng.
Tôi từng có thời gian dẫn dắt Nguyễn Hữu Việt, “chân ếch” ba lần vô địch SEA Games hay Đỗ Huy Long, từng phá kỷ lục trẻ châu Á nội dung bơi ngửa năm 2005…
Tuy nhiên, Ánh Viên vẫn là học trò xuất sắc nhất, không chỉ bởi khả năng thiên phú mà còn ở ý chí tiến thủ, sự rèn luyện cần mẫn đến tuyệt vời của em.
HLV Đặng Anh Tuấn và Ánh Viên tại Trung tâm HLTT Quốc gia TP HCM
Sáu năm trước, khi Ánh Viên có mặt tại Trung tâm HLTT quốc gia TP HCM trong số các VĐV năng khiếu được địa phương tiến cử ứng tuyển vào tuyến trẻ quốc gia, ban đầu tôi không chú ý nhiều đến cô bé này.
Kỹ thuật trung bình, tầm vóc cũng trung bình nếu không muốn nói là kém đôi chút so với tiêu chuẩn tuyển chọn.
Có điều, khi nhìn Ánh Viên bơi vài vòng chiều dài hồ bơi trung tâm, tôi nhận thấy đây là một viên ngọc thật sự, thô ráp, ẩn mình trong đá chờ được gọt giũa, tạo tác.
Độ nổi nước của Ánh Viên có thể đạt tới thời gian 35 giây, trong khi những em còn lại chỉ từ 7-10 giây… Đó chính là cái duyên để thầy trò tôi đến với nhau.
Sau này, chứng kiến sự tiến bộ của Ánh Viên, tôi chỉ còn biết thầm tiếc giá như có cơ hội gặp cô bé sớm hơn, phát hiện tài năng sớm hơn để cô bé có điều kiện được đi tập huấn dài lâu hơn.
Cần nhớ, tài năng Joseph Schooling của Singapore được gia đình cho sang Mỹ tập luyện từ năm lên 6…
Thầy trò Ánh Viên trong một buổi tập thể lực
Tôi luôn tự nhận mình là một HLV khó tính, cầu toàn và những đòi hỏi rất cao của tôi trong tập luyện mới chỉ có Ánh Viên đáp ứng một cách đầy đủ và trọn vẹn.
Trong một lần trả lời phỏng vấn của báo chí, Ánh Viên có nói, đại ý thầy càng khó tính, trò càng kiên quyết tập luyện và điều sợ nhất của cô không phải là lúc bị HLV quát mắng mà là khi thầy im lặng, trò có muốn làm gì theo ý thích cũng ngán, phải dọ ý thầy…
Một lần khác, Ánh Viên nói với các phóng viên, rằng thầy trò cô không quan tâm đến hình thức, không quá quan trọng việc quần áo, trang thiết bị tập luyện chẳng bằng các đối thủ và kết luận gọn hơ:
“Thầy em bảo, họ vậy mình thắng mới bảnh chứ. Mình thắng họ, mình còn đẹp hơn họ nữa kìa”!
Tự tin chiến thắng
Tôi không tự ti, cũng chẳng giáo dục Ánh Viên thói quen xuề xòa. Nhà nước đã tốn kém rất nhiều để thầy trò tôi được ăn tập trong một môi trường hiện đại, đủ sức trui rèn bản lĩnh và chuyên môn nhằm thi thố với bạn bè khắp nơi.
Chỉ cần cho phép mình nghỉ ngơi một buổi, hoặc tự tụt lại sau các đối thủ khi tập luyện, thi đấu là đã phụ lòng kỳ vọng của lãnh đạo, niềm tin của bao người.
Ánh Viên trên đường bơi 200m bướm
Hẳn mọi người còn nhớ, tại SEA Games 28, Ánh Viên đã trò chuyện hết sức thoải mái với các đối thủ tại bể bơi, khu tập luyện cũng như trả lời phỏng vấn của báo chí quốc tế bằng tiếng Anh hết sức trôi chảy.
Có ai biết đó là kết quả của biết bao công sức mà thầy trò tôi bỏ ra. Sang Mỹ tập huấn, thầy trò tôi hầu như chỉ trao đổi công việc hàng ngày bằng tiếng Anh.
Trò được đi học tiếng Anh, thầy cũng phải học và phải học giỏi hơn để truyền đạt được các thuật ngữ chuyên môn, những yêu cầu trong lúc luyện tập và thậm chí chỉnh sửa cho học trò.
Tôi nhớ khi cùng Nguyễn Hữu Việt tập huấn tại Trung Quốc để chuẩn bị tham dự Olympic Bắc Kinh 2008, thấy học trò nói sõi tiếng Hoa và phải làm phiên dịch cho mình trong mọi chuyện giao tế, tôi đâm tự ái.
Kết quả là không đầy ba tháng sau, tôi đã có thể tự mình trò chuyện bằng tiếng Hoa. Dẫn dắt Ánh Viên, tôi nghĩ chuyện học tiếng Anh thật giỏi cũng là hợp lý khi thứ ngôn ngữ này chắc chắn có ích cho bản thân trong công việc huấn luyện hiện tại và sau này.
HLV Đặng Anh Tuấn chỉ bảo học trò tập luyện tại SEA Games 28 - Ảnh: QUANG LIÊM
6 năm qua, tôi đảm nhiệm đồng thời nhiều vai trò khi được giao tận tay “viên ngọc thô” ấy.
Ngoài 10 giờ huấn luyện mỗi ngày trong vị trí HLV, tôi là người bạn, người cha để chăm sóc Ánh Viên từ bữa ăn, giấc ngủ, quan tâm mọi thay đổi sinh lý đặc thù của một cô con gái đang độ tuổi trưởng thành, chăm sóc phục hồi thể lực, dạy dỗ văn hóa, định hướng hiểu biết xã hội…
Hàng đêm, khi học trò ngon giấc, tôi còn phải soạn thảo giáo án tập luyện, tính toán cho phong độ của Ánh Viên phải làm sao đạt đỉnh ở từng giải đấu.
Nhiều người không hiểu, cho rằng cách quản quân của tôi có thể khiến Ánh Viên lạc hậu với thời cuộc, thiếu kiến thức về cuộc sống xung quanh và nhất là sẽ không biết cách ứng xử với thế giới bên ngoài “cái vỏ bọc” mà tôi cố tạo ra xung quanh học trò.
Như tôi đã nói, bạn bè quốc tế, giới truyền thông có ai nhận thấy một Ánh Viên ngờ nghệch, thấp chuẩn kiến thức khi giao tiếp không.
Tôi tự hào vì đã dạy cho cô bé những điều cơ bản nhất của cuộc sống, được bảo vệ hoàn hảo nhưng vẫn trưởng thành đầy tự tin và mạnh mẽ.
Là tấm gương cho thế hệ kình ngư trẻ Việt Nam
Ánh Viên là người có ý chí thép, có hiểu biết và nhận thức rất cao về công việc hay nói đúng hơn, về nghề của mình.
Những thành công của Ánh Viên tại Olympic trẻ, Á vận hội, SEA Games, World Cup hay Đại hội thể thao quân sự thế giới sẽ không được lưu giữ lâu trong tâm trí của cô bởi tương lai luôn chờ cô ở phía trước.
Thành tích trong quá khứ sẽ chỉ là nền tảng, giúp cô trưởng thành hơn trên đường vươn tới đẳng cấp của một kình ngư tầm cỡ quốc tế.
Ngày Ánh Viên vươn tầm quốc tế không còn xa - Ảnh: QUANG LIÊM
Mục tiêu của Ánh Viên trong năm 2016 này ư, theo tôi, chắc chắn phải là thi đấu thật tốt tại Thế vận hội, nơi mà mọi VĐV đều cố gắng thể hiện mình và việc vào đến chung kết từng nội dung bên cạnh các kình ngư hàng đầu thế giới đã là một thành công lớn.