Làm quân bầu Đức còn sướng hơn ở Premier League?

Thừa Phong |

HAGL có nợ lương cầu thủ không? Có. Điều đó chứng tỏ CLB này gặp khó khăn về tài chính. Nhưng nếu nhìn rộng ra, tình cảnh của HAGL còn khá... bình thường.

Dưới con mắt người hâm mộ, bầu Đức là một "đại gia" không tiếc tiền với bóng đá. Các khoản chi của ông cho HAGL thật khó để thống kê cho đầy đủ.

Vì thế khi có thông tin đội bóng phố Núi nợ lương cầu thủ, nhiều CĐV khá sốc. Họ không chỉ lo lắng cho HAGL mà còn lo bóng đá Việt Nam mất đi một ông bầu có tâm.

Trong trường hợp này, có vẻ như một bộ phận người hâm mộ đã hơi lo xa. Trên thực tế, chuyện nợ lương không phải là hiếm gặp, kể cả ở các nền bóng đá lớn.

Galatasaray là một “ông lớn” của bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 10/2014, Wesley Sneijder rục rịch ra đi do bị CLB này nợ liền 3 tháng lương.

Công thêm việc Galatasaray nhận án phạt 162.000 bảng Anh, đóng băng quỹ lương một năm, ai cũng nghĩ họ sắp “tan đàn xẻ nghé”.

Vậy nhưng mọi chuyện được giải quyết êm thấm. Giờ đây, Sneijder vẫn là thành viên CLB, giữ chức đội phó.


Sneijder suýt nữa đã rời Galatasaray.

Sneijder suýt nữa đã rời Galatasaray.

Không chỉ có vậy, Galatasaray còn đưa về thêm nhiều hảo thủ mà tiêu biểu nhất là nhà VĐTG năm 2014 Lukas Podolski.

Dortmund khuynh đảo châu Âu vài năm qua cũng từng trải qua thời khắc vô cùng khó khăn. Năm 2004, họ đứng trước nguy cơ phá sản do chi tiêu quá tay, quản lý kém và giá cổ phiếu suy giảm.

Bayern lúc đó đã “ra tay nghĩa hiệp” khi hỗ trợ cho Dortmund 2 triệu euro. Với số tiền này, đội chủ sân Signal Iduna Park chỉ đủ trả lương cho Marco Reus 2 tháng.

Nhưng thời điểm đó, 2 triệu euro đã “cứu sống” Dortmund và giúp CLB này lấy lại vị thế trong làng bóng đá Đức.

Không phải ai cũng biết Dortmund từng suýt phá sản.
Không phải ai cũng biết Dortmund từng suýt phá sản.

Ở Italia, mọi chuyện còn thê thảm hơn thế. Những Fiorentina, Napoli đều từng phá sản, bị xóa tên trên bản đồ bóng đá Italia. May mắn thay, những ông chủ mới đã giúp các CLB này hồi sinh.

Tại TBN, theo một báo cáo vào năm 2014, có tới 18/42 đội bóng ở La Liga và Segunda nợ lương. Tổng cộng 194 cầu thủ bị những CLB này “treo” 23 triệu euro.

Tình trạng này kéo dài đến mức trong cuộc đọ sức giữa Cartagena gặp Lucena, một đội đã phải quỳ xuống để đòi lãnh đạo trả lương đúng hạn.

Tại Anh, Portsmouth là tấm gương tiêu biểu nhất. Năm 2008, họ vô địch FA Cup và tiến ra đấu trường châu Âu. Nhưng rồi sau đó, Portsmouth rơi vào khủng hoảng tài chính.

Cuối mùa giải 2009/10, đội bóng này lọt vào trận chung kết FA Cup thêm lần nữa. Đó cũng là lần lóe sáng cuối cùng trước khi rơi tự do.

Hiện Portsmouth đang ngụp lặn ở League Two (hạng 4 trong hệ thống của Anh). Thay vì Boateng, Kanu, Crouch, Defoe, các CĐV hàng tuần phải xem những cầu thủ gần như vô danh ra sân.

Một thời đỉnh cao của Portsmouth.
Một thời đỉnh cao của Portsmouth.

Trở lại với HAGL, họ đã nhanh chóng thanh toán các khoản nợ lương và ngăn chặn sự việc đi xa hơn.

Chưa biết tình trạng tương tự có xảy ra ở trương lai hay không, song vẫn cần phải đánh giá hành động vừa rồi của đội bóng phố Núi là kịp thời, quyết đoán.

Vậy nên không ngạc nhiên khi các cầu thủ và gia đình vẫn rất tin tưởng vào CLB. Điển hình như bố của tiền đạo Công Phượng:

"Với gia đình bác thì có thế nào cũng khuyên con gắn bó với bầu Đức, cứ từ từ. Lương thưởng có lẽ khó khăn nhất thời, giải quyết xong trong vòng vài tháng. Có thế nào cũng theo bầu Đức đến cùng thôi”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại