7 năm “rên xiết”
Thái Lan có lẽ là đối thủ khó chịu nhất với ĐT futsal Việt Nam. Chúng ta thua 13/14 trận và luôn phải nhập cuộc ở tư thế “cửa dưới”.
Nhật Bản cũng có một khắc tinh tương tự mang tên Iran. Kể từ khi giải vô địch futsal châu Á được khai sinh, cứ gặp Iran là người Nhật bó tay.
Thậm chí họ còn phải chịu nhiều thất bại với tỉ số cách biệt liên tục năm này qua năm khác mà không biết làm sao để dừng nó lại.
Mãi tới giải đấu năm 2006, Nhật Bản mới quật ngã được đối thủ khó chịu này và rồi lên ngôi vô địch lần đầu tiên. Một năm sau, F-League ra đời, futsal chính thức trở thành chuyên nghiệp ở Nhật.
Trái với Iran dường như sinh ra để thống trị futsal châu Á, Nhật Bản đã trải qua một hành trình “nằm gai nếm mật” dài hơi mới có được vị thế như ngày hôm nay.
Việt Nam cũng đang đi trên con đường tương tự. Tuy nhiên, những trải nghiệm của chúng ta còn thua xa người Nhật.
Vui sướng, nhưng không được ngủ quên
Sau 2 lần vô địch liên tiếp, người Nhật bắt đầu có dấu hiệu “ngủ quên”. Họ không thực sự nỗ lực thay máu đội hình mà vẫn giữ những cái tên cũ.
Tuổi trung bình của các Samurai xanh tại giải futsal châu Á 2016 lên tới hơn 29. Mật độ thi đấu dày đặc khiến càng vào sâu họ lại càng bộc lộ những hạn chế.
Ngoài ra, các bài tấn công Nhật Bản sử dụng cũng dần bị đối thủ nắm được hết. Đỉnh điểm là trận đấu với Việt Nam, người Nhật gần như chỉ gây nguy hiểm được từ các nỗ lực cá nhân thay vì những tình huống phối hợp.
Futsal châu Á 2016: Việt Nam 4-4 (pen 2-1) Nhật Bản
Vậy nên, thất bại của đội bóng xứ Mặt trời mọc là một bất ngờ hợp lý. Nhìn vào họ, futsal Việt Nam cần rút ngay ra bài học cho mình.
Trên thực tế, chênh lệch giữa chúng ta với bộ ba Nhật Bản, Thái Lan, Iran vẫn còn rất xa. So với Australia, Uzbekistan, Việt Nam cũng vẫn còn có phần thua kém.
Để lọt vào nhóm “tứ đại gia” châu Á, thầy trò HLV Bruno vẫn cần cải thiện rất nhiều.
Điều đầu tiên chính là quên đi chiến thắng trước Nhật Bản. Bởi dù hào hùng, nó đã thuộc về thì quá khứ.
Futsal Việt Nam còn non trẻ so với khu vực. Hãy coi chiếc vé World Cup là bước chân đầu tiên chứ không phải đích đến. Có như vậy, Việt Nam mới tiến xa được.