Trong võ thuật Trung Hoa, hình tượng con rồng được sử dụng khá nhiều. Nó tượng trưng cho sự uy mãnh, quyết đoán nhưng không kém phần uyển chuyển, khéo léo.
Võ rồng trong truyện kiếm hiệp
Nhắc đến những tuyệt kĩ võ lâm trong các tác phẩm kiếm hiệp, chắc chắn người ta không thể bỏ qua Hàng long thập bát chưởng.
Nó được mô tả trong Thiên long bát bộ và Xạ điêu tam bộ khúc. Hàng long thập bát chưởng là 1 trong 2 tuyệt kỹ của Cái Bang bên cạnh Đả cẩu bổng pháp.
Môn võ này ban đầu là Nhị thập bát chưởng gồm 28 chiêu nhưng sau này, bang chủ Cái bang Kiều Phong đã nghiên cứu và tinh giản chỉ còn 18 chiêu gọi là Hàng long thập bát chưởng.
Kiều Phong dùng Hàng long thập bát chưởng.
Nhờ nó mà Kiều Phong trở thành nhân vật đứng đầu võ lâm Trung Nguyên. Dù được miêu tả độ lợi hại cực kì “vô đối” song trong các tác phẩm người ta vẫn chưa thấy 18 chiêu xuất hiện hoàn toàn.
Hàng long thập bát chưởng là môn võ công tuyệt học của bậc đại trượng phu. Những ai sử dụng được đều là anh hùng cái thế, bậc hào kiệt ý chí phi thường và cực kì kiêu dũng.
Không có những đặc điểm tính cách đó, thì dù thiên tư võ học kiệt xuất tới đâu cũng không thể nắm bắt được trọn vẹn.
Sức mạnh uy mãnh.
Môn võ này có từ lâu đời nhưng chỉ đến khi Kiều Phong rút gọn xuống còn 18 chiêu thì mới thực sự là cơn ác mộng đối với võ lâm Trung Nguyên.
Theo Kim Dung, Hàng long thập bát chưởng là môn võ chí cương toàn thiên hạ, bao nhiêu đời bang chủ Cái bang nhờ nó mà tạo nên uy chấn cho bang phái.
Mặc dù có đến 18 chiêu nhưng người ta chỉ quen thuộc với vài chiêu thức phổ biến. Trong đó có 13 chiêu từng được các nhân vật sử dụng, 5 chiêu thức còn lại vẫn còn là ẩn số.
Hàng long thập bát chưởng cực kì đơn giản, không màu mè hoa lá mà luôn đánh trực diện, đả thương trực tiếp. 18 chưởng theo nguyên tắc lấy quẻ Kinh dịch đặt tên.
Trong đó phải kể đến Kháng long hữu hối và Thần long bái vĩ được tái hiện cực kì sắc nét và uy mãnh trong nhiều tình huống trong truyện.
Ngoài ra, Hàng long thập bát chưởng còn thuộc mệnh Thủy, bởi vậy ngoại hiệu của 3 cao thủ kia đều liên quan đến phương Bắc. Bắc Kiều Phong, Bắc Cái, Bắc Hiệp.
Quách Tĩnh dùng Hàng long thập bát chưởng.
18 chiêu thức của Hàng long thập bát chưởng gồm:
1. Kiến long tại điền
2. Phi Long Tại Thiên
3. Hồng Tiệm Vu Lục
4. Tiềm Long Vật Dụng
5. Lợi Thiệp Đại Xuyên
6. Thần Long Bài Vĩ
7. Đột Như Kì Lai
8. Song Long Thủ Thủy
9. Thời Thừa Lục Long
10. Chiến Long Tại Dã
11. Lí Sương Băng Chí
12. Kháng Long Hữu Hối
13. Tả Hữu Thần Long
14. Giao Long Phiên Giang
15. Cuồng Long Loạn Vũ
16. Thần Long Giáng Thế
17. Long Du Thiên Địa
18. Long Đằng Ngũ Nhạc
Võ rồng trong thực tế
Trong số các loại võ đươc dựa trên hình tượng con rồng, Long hình quyền của Thiếu Lâm tự là nổi tiếng bậc nhất.
Môn võ này trong bộ Ngũ hình quyền. Tương truyền, một nhà sư nhận thấy võ công Thiếu Lâm thiên về sức mạnh, quá hao tổn sinh lực nên nghĩ ra một cách thức mới, nhằm dung hòa giữa nội và ngoại lực.
Từ đó, Ngũ hình quyền ra đời, mô phỏng động tác 5 loài vật: Long, Xà, Hổ, Báo, Hạc. Dù được xếp cùng một bộ, nhưng Long vẫn được xếp lên hàng đầu.
Hình mô phỏng 5 con vật của Ngũ hình quyền.
Long hình quyền chú trọng vào trảo thủ (khống chế, khóa, vặn) và chưởng pháp, nổi tiếng với nhiều trảo thủ khác biệt như: Thần Long Triển Trảo; Kim Long Thí Trảo; Thần Long Nhập Hải.
Mặc dù Trảo Thủ thường được sử dụng nhiều nhất nhưng các đòn đánh bằng quyền và chưởng vẫn được lưu ý tới. Các thế Quyền đặc sắc trong Long hình quyền là: Long Bái Vĩ, Thanh Long Xuất Hải, Kim Long Vọng Nhật
Long quyền thuộc thổ, lấy tỳ làm chủ, sử dụng bàn tay với các ngón tay xòe mở rộng trong những chiêu thức nhấn mạnh nguyên lý vòng tròn, các chiêu thức thường được diễn thế lặp lại 3 lần
Long quyền dựa vào động tác của nhiều con vật khác nhau, kết hợp và mô phỏng thành bộ chiêu thức bởi rồng vốn không có mặt trong thực tế nên nhiều kỹ thuật của rồng chỉ là biến dị những đặc trưng thuộc kỹ thuật của các con vật khác.
Chẳng hạn, động tác long hình quyền thường mềm mại và uốn vòng tương tự cử động của loài rắn, dù không hoàn toàn giống.
Lực điều động chủ ở thân chân tay đồng bộ, các vòng tròn khớp, thân vặn ngược xoay vòng, sử dụng vùng thắt lưng như một động tác quật đuôi để phát lực, tựa như rồng uốn mình.
Động tác uyển chuyển nhờ chân, vai mở theo Long thủ trảo, lòng tay trống không, bộ pháp trầm khí, linh diệu.
Đặc điểm của kỹ thuật Long trảo là vồ chụp một bộ phận nào đó trên người đối thủ như tay, mặt, tai, mắt, hầu, hạ bộ, các yếu huyệt trên cơ thể nhằm tê bại đối phương.
Trảo thủ.
Long quyền ấn tượng bởi sức mạnh của trảo thủ, những cao thủ Long quyền thường luyện đến độ móng tay cứng như sắt thép, một cú vồ là một lần khiến đối phương thất bại nặng nề.
Long trảo công là phép luyện Long trảo bao gồm các bài tập chủ tăng cường sức mạnh riêng cho bàn tay và cánh tay. Võ sinh luyện môn này nắm chặt những bình đất nặng và đưa lên từ từ.
Lúc đầu nhưng chiếc bình để rỗng, nhưng sức mạnh sẽ được tăng dần bằng cách đổ thêm nước cho tới khi đầy tràn. Tiếp đó, nước sẽ được thay bằng cát rồi bằng đá với các thể khối và sức nặng lớn hơn.
Trong Long hình quyền, nhiều phương pháp triển khí có thể được ứng dụng. Một phương pháp quan trọng là hít thở đúng phép. Hít thở phải thư giãn, dùng phần dưới của cơ thể để hút hơi hơn là chỉ dùng riêng vùng ngực.
Hơi thở không thể căng thẳng gấp gáp mà phải mềm mại, nhẹ nhàng. Khi thở đúng, hơi thở sẽ giúp chuyển khí về đan điền là vùng tập trung các nguồn nội lực cảu cơ thể. Thở đúng còn khiến thân thể mềm dẻo, nhẹ nhàng hơn do tình trạng chu lưu đều khắp của khí.
Kỹ thuật thở theo long hình quyền ứng dụng trong chiến đấu là một loại hơi thở gắt và nhẹ, phần nào liên quan tới nguyên tắc "nhu tải cương". Hơi thở đều nhẹ, tạm nghỉ cho tới khi tung đòn thì bật mạnh ra, phối hợp với sức đánh.
Khi thực chiến, Long hình quyền có thể gây ra tổn thương rất lớn cho đối thủ, thậm chí đánh gục trong chớp mắt.
CLIP Thiếu Lâm Ngũ hình quyền: