Năm sau “yếu” hơn năm trước
Thành tích cầm quân của HLV Miura khi còn làm việc tại Nhật Bản thường có xu hướng bị “đuối” sau thành công ban đầu.
Ông dẫn dắt Consadole Sapporo thăng hạng lên J-League 1 năm 2007. Nhưng rồi chỉ vỏn vẹn một năm sau đó, chiến lược gia này ngậm ngùi cùng CLB xuống hạng ngay lập tức với kết quả tệ bậc nhất lịch sử.
Trước đó, tại CLB được cho là thành công nhất của mình Omiya Aldija, HLV Miura cũng góp công lớn đưa đội bóng góp mặt ở J-League 1.
Chiến lược gia người Nhật còn giúp Omiya Aldija trụ lại đây 2 năm liền. Tuy vậy, ông vẫn phải ra đi vì bị đánh giá chưa giúp đội phát huy hết tiềm năng.
Thời gian làm việc cùng Vissel Kobe cũng không khá khẩm hơn. HLV Miura suýt làm CLB rớt hạng ở năm thứ hai cầm quân và rồi bị sa thải.
Một điểm chung trong những thất bại của HLV Miura là việc bị bắt bài, sau khi làm các đối thủ bất ngờ ở giành được thành công ở mùa đầu tiên với chiến thuật nặng về phòng ngự của mình.
Ở U23 và ĐT Việt Nam, sang tới năm thứ hai “triều đại” Miura, các trận đấu gây tranh cãi khi đoàn quân áo đỏ đá “tử thủ” dần xuất hiện.
Kết quả là trước U23 Nhật Bản hay Thái Lan, chúng ta đều thất bại và bị đánh giá không tốt sau khi chơi khá “rắn”.
Cho tới trước SEA Games, niềm tin của người hâm mộ vào HCV đã bị sứt mẻ ít nhiều.
Tay “thợ hàn”
Sự thật là HLV Miura thường không duy trì thành tích được quá lâu. Nhưng điều đáng lưu ý, các đội bóng sau khi sa thải ông cũng chẳng nhảy vọt được mà thậm chí còn có xu hướng tụt lùi.
Lần thăng hạng cùng HLV Miura là một trong hai dịp Consadole Sapporo được hưởng không khí J-League 1 trong hơn 13 năm qua.
Vị trí số 12 với Miura mùa 2006 vẫn đang là cao nhất lịch sử Omiya Aldija. Còn Vissel Kobe xuống hạng 2 năm sau khi chiến lược gia này phải ra đi.
Giống như cái cách Ranieri làm với Chelsea trong thời điểm chuyển giao giữa ông chủ cũ và Roman Abramovich, HLV Miura thực hiện công việc kiểu “thợ hàn”.
Ông nhặt những mảnh ghép chưa hẳn là tốt và cố gắng xếp thành một cỗ máy có thể xấu xí nhưng quan trọng là chơi được, kèm theo đó nâng dần mặt bằng chung toàn đội.
Có thể tại SEA Games, HLV Miura không đưa được U23 Việt Nam giành chiếc HCV. Nhưng chiến lược gia này đang chuẩn bị cho các ĐTQG nền tảng tốt và nếu vội vàng nghĩ đến việc sa thải, mọi chuyện sẽ lại như trước khi ông đến.
Một bài học khác ở tầm quốc tế: Năm 2014, Milan sa thải Allegri, người bị cho là làm xấu đi hình ảnh toàn đội. Hơn một năm sau, đội bóng thi đấu ngày càng tệ hại, còn Allegri cùng Juventus sắp bước vào chung kết Champions League.