Góc nhìn: Vì đâu có một con quỷ mang tên Diego Costa?

Bảo Nam |

Diego Costa tiếp tục hiện lên trong mắt người Anh như một con quỷ dữ. Nhưng mấy ai biết rằng, anh được số phận gửi gắm con quỷ trong máu.

“Tôi đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, tủi nhục để có được ngày hôm nay. Bằng mọi giá, tôi phải giữ được những gì mình đang có”, Diego Costa trả lời phỏng vấn tờ Guardian năm ngoái, sau sự kiện anh giẫm thẳng lên chân của Emre Can.

Đó là thời khắc người Anh chợt nhận ra rằng, Costa thật chân phương. “Tôi không phải thiên thần. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ là thiên thần. Tôi là Diego Costa”, một con người có nhiều tiểu xảo, chơi bóng bằng mưu mô sẽ không nói ra những điều như thế.

Diego Costa trong mắt người Anh là một con quỷ dữ, một kẻ hung hăng, nếu không muốn nói là du côn trên sân cỏ. Anh ra sân, giành 80% thời lượng có mặt trên sân để tìm đối tượng… gây sự.

Năm ngoái anh giẫm chân Emre Can và nhận án treo giò. Năm nay, anh lại dính vào vụ cắn Gareth Barry và hiện đang tiếp tục đối mặt với một án treo giò khác.

Diego Costa va chạm với Gareth Barry

Người ta nói rằng, những án treo giò thực chất chỉ phản ánh một phần rất nhỏ cá tính của Costa. Nếu mỗi hành động trên sân của anh được mổ băng, cứ sau một trận, Costa sẽ lại bị treo giò.

Tại sao bóng đá lại sản sinh ra một cầu thủ luôn thừa sự hiếu chiến như Costa? Và liệu Costa có phải mẫu cầu thủ luyện tập lối chơi tiểu xảo để trở nên khác biệt so với phần còn lại hay không?

Để tìm câu trả lời, chúng ta hãy đến với thời thơ ấu của Costa.

Anh sinh ra và lớn lên ở vùng quê Lagarto, miền đất từng được HLV Jose Mourinho miêu tả là “vượt qua cả ánh hoàng hôn”. Bóng đá ở đây ngoài chuyện ghi bàn và chiến thắng đơn thuần, còn có cả bạo lực, ẩu đả, thậm chí là… giết người.

“Bóng đá đường phố là sân chơi tạo nên những tố chất khác thường. Bạn phải đủ khỏe mạnh để có thể chạy cả buổi chiều dưới cái nắng gay gắt và chấp nhận thực tế là trận đấu chỉ kết thúc khi các cầu thủ không còn đủ sức để chạy tiếp.

Nhưng trên hết, bạn phải vận dụng tất cả các tiểu xảo để giữ trái bóng và giữ cả… mạng sống”, Diego Costa tâm sự trong buổi trả lời phỏng vấn độc quyền trên tờ Daily Mail.


Tuổi thơ không êm đềm hun đúc nên một Diego Costa chẳng khác nào chiến binh, sẵn sàng đối chọi với bất cứ ai tạo nguy cơ cho mình.

Tuổi thơ không êm đềm hun đúc nên một Diego Costa chẳng khác nào chiến binh, sẵn sàng đối chọi với bất cứ ai tạo nguy cơ cho mình.

Theo miêu tả của Costa thì nơi anh sinh ra không có nổi một mảnh đất trống nào đủ để mọc lên một cái sân cỏ. Những ngôi nhà tường gạch đỏ chứa chấp khoảng 100.000 dân lao động vốn dĩ không phải là nơi người ta coi bóng đá như một trò giải trí.

Costa kể rằng, ở cách nhà anh khoảng 20 km cũng có một nơi gọi là học viện đào tạo bóng đá tên Bola de Ouro. Nó nghèo xơ xác, nghèo tới mức thi thoảng học viện lại đóng cửa vì không đủ kinh phí.

Costa chơi bóng đá đường phố, và như chân sút này từng tâm sự, anh lớn hơn rất nhiều so với đám trẻ cùng lứa nên Diego luôn được đẩy sang đá bóng với đám đàn anh, những kẻ đã bắt đầu trở nên nguy hiểm như bố mẹ chúng.

“Tôi đánh nhau suốt ngày. Tôi đánh tất cả những kẻ đe dọa tôi. Đó là cách duy nhất để sinh tồn: Bạn phải đánh chúng để không bị chúng đánh”.

Những khoảnh khắc điên rồ của Diego Costa

Năm 15 tuổi, Costa rời quê nhà đến Sao Paolo làm việc trong cửa hàng tạp hóa của một người chú. Cuộc sống nghèo khó triệt tiêu ước mơ. “Vào thời điểm ấy tôi chẳng thể nghĩ rằng mình sẽ trở thành cầu thủ. Tôi chỉ muốn kiếm tiền”.

Nhưng như trời tạo duyên, cửa hàng người chú của Costa lại là nơi lui đến của rất nhiều cầu thủ, người đại diện hoặc những nhân vật có liên quan mật thiết tới bóng đá.

Cuối cùng, nhờ sự giúp đỡ của một người quen vào thời điểm đó đang là thành viên đội trẻ Sao Paolo, Costa đi thử việc ở CLB Barcelona Esportivo Capela và bất ngờ được nhận vào đội.

Bản năng của một kẻ sinh tồn từ đường phố ngay lập tức đặt Costa vào rắc rối đầu tiên: Anh đánh nhau với một đồng đội và bị phạt không được tập luyện, thi đấu trong 120 ngày. Khoản lương 100 bảng/tháng bị cắt đã đẩy Costa vào cảnh cháy túi.

Không như nhiều ngôi sao bóng đá nổi tiếng khởi nghiệp từ năm lên 7, lên 8, Diego Costa bắt đầu theo đuổi sự nghiệp cầu thủ khi đã… 16 tuổi.

Việc khởi nghiệp quá muộn càng khiến Diego Costa đối diện với nhiều thách thức và hun đúc lên bản năng sinh tồn rất tự nhiên của anh trên sân cỏ.

Trong cuốn tự truyện “Diego Costa: The Art of War” (Diego Costa: Nghệ thuật của chiến tranh), người chấp bút cho tiền đạo này miêu tả anh bằng một khái niệm rất hay:

Costa là người được chúa trời trao cho bản năng của một tiền đạo giỏi, nhưng anh sinh ra là để chiến đấu.

Wenger: "Diego Costa khiến 2 cầu thủ Arsenal bị đuổi khỏi sân ở 2 trận đấu khác nhau. Rõ ràng, cậu ấy rất thông minh".

Khái niệm chiến đấu được hiểu theo nghĩa đen hoàn toàn. Cựu trọng tài Graham Poll từng nói nửa đùa nửa thật rằng:

“Nếu được cầm còi một trận đấu có mặt Costa, tôi cảm thấy cần thiết phải nói chuyện với cậu ấy từ trước giờ bóng lăn.

Nhưng để an toàn cho bản thân, tôi cần John Terry hoặc bất kỳ ai có thể ngăn cậu ta lại có mặt ở đó”.

Cuộc đời của chàng trai được bố đặt theo tên của huyền thoại Diego Maradona (dù anh sinh ra ở Brazil – đại kình địch của Argentina) vẫn đầy rẫy gian truân ngay cả khi anh đã thoát khỏi Brazil, ra nước ngoài thi đấu.

Costa từng 4 lần bị đẩy đi cho mượn, mài đũng quần dự bị cho cả Aguero và Forlan tại Atletico Madrid (2007-09). Nhưng đường phố đã dạy cho Costa ý chí không buông bỏ.

“Khi trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp, tôi luôn tâm niệm rằng, những cậu bé tỉnh lẻ như tôi không có nhiều cơ hội để thể hiện mình. Cũng chính vì vậy, tôi luôn ra sân với hơn 100% nhiệt huyết”.


Diego Costa không bao giờ cảm thấy dằn vặt về những gì mình đã làm.

Diego Costa không bao giờ cảm thấy dằn vặt về những gì mình đã làm.

Có lẽ vì dòng máu nuôi dưỡng Costa là dòng máu của đường phố, chân sút này chưa bao giờ cảm thấy bị dằn vặt hay tội lỗi mỗi khi đá xấu với đối thủ.

Costa từng nói thẳng rằng, anh vẫn ngủ ngon giấc dù báo chí đã viết tất cả những điều khiến anh phải mất ngủ sau pha phạm lỗi dẫn tới án treo giò với Can.

“From the Streets to the Bridge” (từ đường phố đến sân Stamford Bridge), hành trình Diego Costa đã đi qua để có được ngày hôm nay gian truân hơn bất kỳ cầu thủ nào, và hãy hiểu cho Costa khi anh cố gắng giữ vinh quang hôm nay bằng mọi giá.

Hổ dữ trên sân, mèo con ngoài đời

Có lẽ ít người biết rằng Diego Costa ngoài đời khác hoàn toàn so với những gì chúng ta chứng kiến anh trên sân cỏ. Costa là cây hài của cả đội, là một người sống rất tình cảm, biết tri ân quê hương.

Học viện bóng đá Bola de Ouro nghèo xác xơ năm nào đã được Costa đầu tư để giờ đây có đầy đủ trang thiết bị cần thiết như phòng y tế, phòng học, 3 sân cỏ ngoài trời, đủ để đào tạo 230 học viên lứa tuổi từ 17 trở xuống.

Chưa hết. Thời mới sang TBN, Costa có nuôi một chú chó và đặt tên nó là Yorkshire Terrier. Anh mang nó đi khắp nơi. Nhưng rồi một ngày, trong khi lùi xe vào gara, chính Costa đã cán chết chú chó của mình.

Theo đồng đội cũ ở Atletico Madrid, Paulo Assuncao miêu tả lại thì Costa suy sụp mất cả tháng trời.

Anh luôn tự dằn vặt bản thân “Nó chỉ chạy ra mừng tôi trở về nhưng vì không để ý, tôi đã cán lên nó mất rồi. Thật không thể tin được tôi đã giết chú chó của mình”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại