Mỏ vàng huy chương của thể thao Việt
Trong tổng cộng 11 HCV mà thể thao Việt Nam giành được qua các kỳ ASIAD kể từ năm 1994 cho tới năm 2014, có tới 7 HCV thuộc về các VĐV nữ, tức là chiếm tỷ lệ áp đảo.
Và người giành huy chương Olympic đầu tiên trong lịch sử thể thao Việt Nam cũng là một VĐV nữ, cụ thể là nữ võ sỹ taekwondo Trần Hiếu Ngân ở Olympic Sydney 2000.
Và trong khi bóng đá nam vẫn chưa một lần giành HCV SEA Games thì bóng đá nữ đã có tới 4 lần sở hữu danh hiệu này, thậm chí trong năm 2014 vừa qua, bóng đá nữ Việt Nam còn thiết lập nên một cột mốc lịch sử khi lần đầu tiên vào tới bán kết một kỳ ASIAD.
Ở kỳ SEA Games gần nhất tại Myanmar vào năm 2013, trong số 73 HCV của đoàn thể thao Việt Nam, nếu trừ đi 2 HCV đôi nam nữ thì có tới 39 HCV thuộc về các VĐV nữ, tức là chiếm hơn 50% tổng số HCV của cả đoàn thể thao Việt Nam.
Rất nhiều VĐV Việt Nam thuộc các môn cơ bản của Olympic như điền kinh, bơi lội, TDDC… đã vươn lên đẳng cấp châu lục hoặc thế giới đều là VĐV nữ như Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Quách Thị Lan (điền kinh), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội) hay Phan Thị Hà Thanh (TDDC)…
Sẽ còn tiếp tục xu thế “âm thịnh dương suy”
Dẫn qua những số liệu này để thấy các VĐV nữ đã, đang và sẽ là nguồn lực chủ yếu của thể thao Việt Nam ở các sự kiện thể thao có quy mô khu vực, châu lục và thế giới, và xu thế này sẽ còn tiếp tục trong một thời gian rất dài sắp tới.
Đứng ở khía cạnh khoa học thì cũng không khó để lý giải cho hiện tượng “âm thịnh dương suy” của thể thao Việt Nam.
Bởi hậu quả để lại của hàng chục năm chiến tranh đã khiến quá trình phát triển thể chất và tầm vóc của thanh niên Việt Nam bị thua thiệt so với các nước láng giềng, đặc biệt là những nước có nền kinh tế và thể thao phát triển ở Đông Á hay Tây Á.
Mà thể thao suy cho cùng lại là cuộc cạnh tranh về sức mạnh thuần túy, nên các nam VĐV khó lòng đọ sức với những đối thủ có ưu thế vượt trội về tầm vóc, thể lực hoặc cả 2 yếu tố này.
Trong khi đó, với nữ giới, tố chất nhanh nhẹn, khéo léo, bền bỉ của người Việt Nam được thể hiện rất tốt và đây là nhân tố giúp các VĐV nữ của chúng ta có thể đọ sức sòng phẳng với đối thủ trong khu vực, châu lục cũng như quốc tế.
Chúng ta có thể dễ dàng phát hiện điều này thông qua câu chuyện của ĐT karatedo Việt Nam, khi mà các nội dung thi đấu của nữ từ trước đến nay vẫn luôn là thế mạnh của ĐT karatedo Việt Nam.
Cả 4 HCV karatedo mà thể thao Việt Nam giành được ở đấu trường ASIAD trong 20 năm qua đều được thực hiện nhờ công của các VĐV nữ như Bảo Ngọc, Kim Anh, Nguyệt Ánh và Bích Phương.
Còn thành tích tốt nhất của các võ sỹ nam chỉ là vào tới trận chung kết ở sân chơi tầm cỡ châu lục, và sau đó phải nhận thất bại trước các đối thủ to cao vượt trội từ Đông Á hoặc Tây Á.
Thể thao lên ngôi trong đời sống hàng ngày
Không chỉ thi đấu thể thao đỉnh cao, nữ giới nói chung bây giờ cũng dành rất nhiều sự quan tâm cho việc rèn luyện sức khỏe thông qua các hình thức như tập yoga, thể dục thẩm mỹ…
Sự xuất hiện ồ ạt của các trung tâm thể dục thẩm mỹ trên toàn quốc chính là bằng chứng cho thấy sự tiến bộ về nhận thức của nữ giới hiện đại đối với thể dục thể thao.
Tập luyện thể thao với nữ giới trong đời sống hiện đại không đơn giản là chỉ phục vụ nhu cầu làm đẹp, mà còn để chăm sóc sức khỏe, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng luyện tập yoga là một lựa chọn hoàn hảo trong việc cải thiện sức khỏe, tuổi thanh xuân và tăng sự gợi cảm cho phái đẹp.
Và phụ nữ nhận được những lợi ích từ yoga khác nhau theo từng độ tuổi, vì thế chẳng bao giờ là sớm hay muộn để chúng ta bắt đầu với nó.
Ở các thành phố lớn bây giờ, các hoạt động thể dục thẩm mỹ, thể thao hay yoga của nữ giới được gọi chung là “tập gym” và đây đã trở thành xu hướng thời thượng. Sự lên ngôi của phong trào “tập gym” trong xã hội hiện đại không làm ai cảm thấy ngạc nhiên.
Bởi cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế thì nhu cầu hưởng thụ của con người cũng được nâng cao, và “tập gym” chính là một cách để người ta tận hưởng những giá trị tốt đẹp mà cuộc sống mang lại.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện ngày càng đông đảo của các CĐV nữ ở những khán đài sân vận động hoặc nhà thi đấu thể thao cho thấy nhu cầu hưởng thụ thể thao không còn là đặc quyền của phái mạnh.
Thành viên chủ chốt của rất nhiều Hội CĐV bóng đá đình đám hiện tại như Hội CĐV Quảng Ninh, Hội CĐV SLNA… đều là nữ giới.
Và trong những chuyến du đấu xa nhà của đội bóng quê hương, bên cạnh các CĐV nam thì người ta cũng vẫn thấy sự xuất hiện của CĐV nữ.
Không chỉ có như vậy, các bạn nữ còn tham gia tích cực hơn nữa vào đời sống thể thao bằng việc cho ra đời các CLB nhảy cổ vũ, mà nước ngoài gọi là cheer-leading.
Môn thể thao đẹp mắt và quyến rũ này được du nhập vào Việt Nam từ TP.HCM và bây giờ đã được nhân rộng ở Hà Nội, và thậm chí còn trở thành một nội dung tranh tài trong chương trình thi đấu Văn – Thể - Mỹ của các trường Đại học và Cao đẳng trên toàn quốc.
Đóng góp của nữ giới trong bảng vàng ASIAD của thể thao Việt Nam
ASIAD 1994 (tổng cộng 1 HCV, 1 nam)
Trần Quang Hạ (taekwondo)
ASIAD 1998 (tổng cộng 1 HC, 1 nam) Hồ Nhất Thống (taekwondo)
ASIAD 2002 (tổng cộng 4 HCV, 2 nữ) Nguyễn Trọng Bảo Ngọc (karatedo, đối kháng cá nhân nữ hạng trên 60kg) Vũ Kim Anh (karatedo, đối kháng cá nhân nữ hạng 53kg) Lý Đức (thể hình) Trần Đình Hòa (billiards-snooker)
ASIAD 2006 (tổng cộng 3 HCV, 3 nữ) Vũ Nguyệt Ánh (karatedo, đối kháng cá nhân nữ hạng 48kg) Lưu Thị Thanh, Nguyễn Hải Thảo (cầu mây đôi nữ và cầu mây đồng đội nữ)
ASIAD 2010 (tổng cộng 1 HCV, 1 nữ) Lê Bích Phương (karatedo, đối kháng cá nhân nữ hạng 55kg)
ASIAD 2014 (tổng cộng 1 HCV, 1 nữ) Dương Thuý Vi (wushu, biểu diễn thương thuật và kiếm thuật)
Đóng góp của nữ giới trong bảng vàng Olympic của thể thao Việt Nam
Olympic Sydney 2000 (1 HCB, 1 nữ) Trần Hiếu Ngân (taekwondo, đối kháng cá nhân hạng -57kg)
Olympic Bắc Kinh 2008 (1 HCB, 1 nam) Hoàng Anh Tuấn (cử tạ, 58kg)
Bảng vàng thành tích của bóng đá nữ Việt Nam
Vô địch SEA Games 2001, 2003, 2005, 2009 Á quân SEA Games 2007, 2013
Vô địch AFF Cup nữ 2006, 2012 Á quân AFF Cup nữ 2004, 2008 Hạng 4 tại ASIAD 17 năm 2014