Giấc mơ tàn sớm và nỗi đau thơ bé của BLV Quang Tùng

Đoàn Dự |

Ngày còn bé, Quang Tùng thi thoảng cũng buồn chảy nước mắt vì giấc mơ thơ bé của mình cứ bị một người kìm nén, cấm đoán mãi không thôi.

Người đàn ông quyền lực đã chặn đứng ước mơ chơi bóng đá chuyên nghiệp của BLV Quang Tùng, trớ trêu thay lại chính là… ông cụ thân sinh.

Bố làm to nhưng...

Có bố là ông Ngô Xuân Quýnh, cựu cầu thủ Thể Công – Trưởng đoàn CLB quân đội trong giai đoạn tập thể này thành công nhất với những cái tên như Cao Cường, Ba Đẻn… nên BLV Quang Tùng cũng được “hưởng sái”.

Từ khi mới 3 tuổi, anh đã được hít thở chung bầu không khí với các thần tượng bóng đá của cả nước, được sờ nắn, được đi khắp nơi du đấu.

Tình yêu bóng đá theo đó lớn dần trong Quang Tùng. Chỉ có điều, ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, thứ nhen nhóm trong những năm khi đã lên 10, 11 lại bị chặn đứng bởi chính ông bố tinh tường.

“Ngày đó bố quyết, 1 là 1, 2 là 2, mình cũng không thật sự hiểu nhưng mãi sau này, khi làm bóng đá ở cương vị khác, như BLV, mới thấm thía” – Quang Tùng chia sẻ.

Thì ra, với con mắt nhà nghề, ông Quýnh sớm nhận thấy con trai mình không sở hữu các tố chất để trở thành một tài năng sáng chói. Nếu có theo chuyên nghiệp, cũng chỉ ở dạng “bình, bình” mà thôi.

“Nếu con theo bóng đá chuyên nghiệp, thì cỡ 10 năm rèn luyện cũng sẽ được lên đội 1 Thể Công. Nhưng đó không phải do tài năng, mà do con có ông bố này đang ngồi ở đây” – ông Quýnh từng nói khá “phũ phàng” như thế với Quang Tùng.


Quang Tùng từng rất muốn trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, nhưng lại bị chính bố mình cấm đoán.

Quang Tùng từng rất muốn trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, nhưng lại bị chính bố mình cấm đoán.

Ước mơ theo chuyên nghiệp của Quang Tùng, bất chấp sự can ngăn từ bố, vẫn âm ỉ cháy mãi tới khi anh lên cấp 3.

Gần 10 năm chơi bóng lén lút, cũng là gần chục năm anh nhiều phen ấm ức, vì là con nhà lãnh đạo bóng đá nhưng lại chẳng được ăn tập đàng hoàng.

“Có nhiều đứa cùng tuổi khi đó là con bộ đội, con cựu cầu thủ Thể Công, bố không “oách” bằng mình nhưng vẫn được cho ăn tập đàng hoàng. Còn mình thì lại không”.

Cả tuổi thơ đeo đuổi thứ bóng đá không bao giờ là sự thật, nhưng túc cầu thật sự đặc biệt vì không cần phải chỉn chu, cũng có thể tạo nên những kỉ niệm không bao giờ quên.

Ít ra, Quang Tùng cũng đã được hưởng 1 tuổi thơ gắn chặt với bóng đá, theo cách này hay cách khác.

“Làm con trai không có sẹo sao được”

Quang Tùng kể nhiều về những câu chuyện anh chơi bóng ngày nhỏ, trong đó có 1 cách suy nghĩ đặc biệt thú vị, khiến chính ông Quýnh cũng phải gật đầu “chí lý”.

Số là ngày nhỏ, chàng BLV tương lai lê la đá bóng ở khắp các hang cùng, ngõ hẻm quanh khu vực mình sống ở Lý Nam Đế. Anh thường hay đá bóng ở các khoảnh đất trống, vỉa hè, thậm chí là lòng đường.

Nơi đó dĩ nhiên không có các thảm cỏ đẹp đẽ mà đầy cát, sỏi, mảnh sành nên hễ ngã 1 cái là trầy da, chảy máu.

Quang Tùng hào hứng khoe, đầu gối anh lúc đó, không nơi nào là không “đo đất” vài lần, để lại những vết sẹo chằng chịt.

Tuy nhiên mỗi lần mẹ mắng, anh đều nói 1 câu rất ấn tượng “Làm con trai không có sẹo sao được” khiến các bậc thân sinh chỉ còn biết hài lòng với “chí khí” của Quang Tùng.

Cũng nhờ những lần chơi bóng lăn xả “không sợ sẹo” như thế nên dù không được ăn tập chuyên nghiệp, tài năng Quang Tùng cũng nức tiếng một khu.

Anh chơi cho rất nhiều “đội bóng” nhí khác nhau, từ đội bóng khu phố, đến đội cấp 2, cấp 3 và sau này lên đại học cũng cầm đầu nhóm “chơi cờ vua” đi thi đá bóng...


Quang Tùng đạo mạo của hôm nay cũng từng có thời gian lăn lê chơi bóng phủi.

Quang Tùng đạo mạo của hôm nay cũng từng có thời gian lăn lê chơi bóng phủi.

Những lần lê la với trái bóng nhựa để lại không ít kỉ niệm cho Quang Tùng. Đó là những lần trèo rào vào doanh trại quân đội khi có một “cầu thủ” lỡ chân sút vượt bờ tường.

Là lần mang cúp của bố ra làm “vật tế thần” ở giải đấu của khu khi chưa được cho phép nên phải hộc tốc tìm cách chiến thắng, đoạt lại thứ mình vừa mới mang ra đóng góp cho giải.

Cũng vì cái động lực đó, mà ở trận Chung kết giải bóng nhựa nhí ở khu, Quang Tùng dẫn dắt các đồng đội thấp bé nhẹ cân, thắng đối thủ cao to hơn... 9-8.

“Lúc đó có 1 ông khách, chở con gái tới làm việc gì đó. Xong việc con gái đòi về, nhưng ông ấy bảo chờ rồi xem chúng tôi thi đấu” – Quang Tùng chia sẻ đầy tự hào.

Bóng đá tuổi thơ của Quang Tùng giống một thế giới kiếm hiệp đầy ly lì và chàng BLV tương lai là một hiệp khách đang phiêu lưu trên con đường riêng của mình.

Nhưng trải qua nhiều cấp độ từ các đội bóng khu, đội bóng trường lên đến cấp 3, anh mới dần nhận ra hạn chế của mình.

“Tôi có 1 điểm yếu mà sau này mới nhận ra được, đó là thể hình không thuận lợi và tốc độ cũng kém.

Đó là chưa kể, mình không được ăn tập chuyên nghiệp, thì ngày càng tụt lùi lại”.

Thời đó, có người đàn anh tên Lê Văn Linh khi thi đấu với đội của Quang Tùng, đã “dã” cho các đàn em tỷ số “không ngóc đầu lên nổi”.

Cũng chính nhờ Văn Linh, Quang Tùng mới hiểu, ngoài kia còn nhiều “cao nhân” chơi bóng lắm, và phần tỏa sáng trên con đường chuyên nghiệp thế nào cũng không đến lượt mình.

Từ đó, một con đường khác dần trước vẽ ra cho tương lai của chàng BLV...

BLV thiên vị HAGL?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại