Đồng tính nữ và liệu pháp chữa bệnh gây kinh hãi

Tiên Lâm |

Đâu đó trên thế giới này, vẫn tồn tại sự kỳ thị dành cho những nữ cầu thủ lesbian và các liệu pháp trị bệnh hoang dã, man rợ.

Hiếp dâm để chữa bệnh

Một ngày tháng Tư, cảnh sát Nam Phi phát hiện ra thi thể của Eudy Simelane dưới một lạch nước trong công viên ở Kwa Thema, ngoại ô Johannesburg trong tình trạng trần truồng, bị xâm hại tình dục nặng nề cùng 25 vết dao đâm trên người vào ngực, mặt và chân.

Eudy Simelane là một trong những cầu thủ nổi tiếng nhất của bóng đá Nam Phi nói riêng, cũng như thế giới nói chung.

Cựu đội trưởng ĐTQG nữ Nam Phi này đã có những đóng góp cực kỳ to lớn trong việc đưa bóng đá nữ quốc gia này lên tầm thế giới.

Chỉ ít lâu sau khi công khai giới tính thật của mình, Eudy gặp nạn. Theo báo cáo của cảnh sát, nữ cầu thủ này đã bị hãm hiếp và đánh đập nhiều giờ trước khi bị giết bằng 25 nhát dao tàn bạo, trong đấy có cả những vết đâm vào lòng bàn chân.

Bà Mally Simelane nghẹn ngào nói trong nước mắt: “Hàng ngày, tôi vẫn phải đồng hành với sự sợ hãi tột cùng. Không biết đến lúc nào, người ta sẽ đến và giết tôi.

Chuyện gì đang xảy ra vậy? Eudy của tôi hiền lành, giỏi giang và chẳng bao giờ động chạm đến bất kỳ ai, thế mà nó phải nhận một kết cục bi thảm như thế.”

Người hâm mộ Nam Phi bày tỏ sự thương tiếc với Eudy Simelane.
Người hâm mộ Nam Phi bày tỏ sự thương tiếc với Eudy Simelane.

Có thể không chỉ với bà Mally, mà cả chúng ta, những người đang sống trong một thế giới bình thường, đấy là một thảm kịch, một sự bất công ghê tởm.

Nhưng với một bộ phận không nhỏ ở Nam Phi, đấy đơn thuần chỉ là một liệu pháp hoàn toàn bình thường để chữa “căn bệnh” đồng tính nữ.

Theo quan niệm của rất nhiều người ở quốc gia này, cách nhất để biến một phụ nữ bị lesbian trở lại thành một cô gái đích thực là hiếp dâm, để khơi dậy thiên chức nữ tính trong người của nạn nhân.

Trước tòa, thủ phạm chính trong vụ sát hại Eudy vẫn ngẩng cao đầu khẳng định việc mình đã làm, đồng thời cũng không quên tự hào biện minh rằng việc mình làm là đúng với đạo lý, rằng đấy chỉ là liệu pháp chữa bệnh truyền thống từ bao đời.

Làn sóng vẫn lan tràn

Để vươn tới thể thao đỉnh cao, một sự thật là có rất nhiều nữ vận động viên phải chịu sự hi sinh bằng việc biến đổi nội tiết tố, dần biến đổi cơ thể theo hướng nam tính hóa.

Không khó để điểm qua những tên tuổi lớn của thể thao thế giới rơi vào tình trạng này: Amélie Mauresmo, Martina Navratilova trong quần vợt, Ursula Holl, Natasha Kai trong bóng đá, Andreas Krieger, Helen Stephens trong điền kinh…

Từ lâu, trong giới thể thao, cũng như ở những xã hội tiên tiến, những vận động viên này luôn nhận được sự tôn trọng, thậm chí là trân trọng vì những đóng góp của họ cho nền thể thao thế giới. Nhưng ở châu Phi, điều này là quá xa xỉ.

Ngay trước khi World Cup 2011 diễn ra, HLV Nigeria - Eucharia Ngozi Uche, đã phải nhận những phản ứng kịch liệt từ giới bóng đá quốc tế, cũng như các tổ chức nhân đạo khi tuyên bố sẽ thẳng tay loại trừ tất cả các trường hợp lesbian trong đội tuyển.

Eucharia Ngozi Uche nhận nhiều chỉ trích.
Eucharia Ngozi Uche nhận nhiều chỉ trích.

Lí do được đưa ra: “Đây là những cầu thủ lệch lạc về tinh thần và đạo đức. Tôi loại họ hoàn toàn không phải vì vấn đề chuyên môn, mà vì sự lệch lạc về mặt giới tính”.

Liên đoàn bóng đá Nigeria không có bất kỳ động thái nào, và Uche vẫn nghiễm nhiên thực hiện tuyên bố của mình.

Theo một nghiên cứu được công bố bởi Triangle - tổ chức hàng đầu Nam Phi về quyền của những người đồng tính, có đến 86% đồng tính nữ da đen ở quốc gia này thường xuyên sống trong sự sợ hãi là nạn nhân của những cuộc tấn công tình dục.

Tổ chức này cũng khẳng định họ ghi nhận được hàng chục vụ hiếp dâm với mục đích “chữa bệnh đồng tính nữ” mỗi tuần.

Theo bà Vanessa Ludwig - giám đốc điều hành của Triangle, căn nguyên của vấn nạn này xuất phát từ quan niệm văn hóa:

“Nền văn hóa châu Phi mang nặng nét nam tính, luôn khẳng định sự áp đặt của nam giới với phụ nữ và coi họ đơn thuần là công cụ tình dục, và khi một phụ nữ bị coi là đồng tính, cô ta là sự sỉ nhục tuyệt đối với nam giới”.

Hiện tại, ngày 7/7 đã được biết đến như ngày kỷ niệm của những người đồng tính tại châu Phi, và đang dần trở thành ngày đấu tranh cho nữ quyền tại đây.

Nó xuất phát từ chiến dịch mang tên “07-07-07”, là ngày cặp vợ chồng đồng tính nữ Sizakele Sigasa và Massooa Salome bị tra tấn, hành hung, hiếp dâm tàn bạo và bắn chết gần nhà họ tại Meadowland, Soweto.

Hung thủ không bao giờ được tìm ra. Tương tự trong vụ giết Eudy, thẩm phán đã khẳng định rằng đây chỉ là một vụ hành hung và giết người đơn thuần, rằng xu hướng giới tính của cô không liên quan gì đến vụ án.

Những nỗ lực là chưa bao giờ là đủ

Ở Johannesburg, Chosen Few là CLB đầu tiên dành cho nữ cầu thủ lesbian, nơi đã giang rộng vòng tay đón nhận những người như Tumi Mkhuma - đã từng hai lần phải tự tử sau nhiều lần bị hãm hiếp và mang thai.

Gần đây nhất, hai cổ động viên của Norwich City đã phải nhận án tù vì vi phạm quy định về phân biệt giới với cầu thủ.

Ở Đức, Hertha Berlin là CLB đầu tiên có một hội cổ động viên dành riêng cho giới gay và lesbian. Mới đây, họ đã căng một băng rôn lớn trên sân vận động Olympia ở Berlin mang dòng chữ: “Bóng đá dành cho tất cả mọi người, kể cả người đồng tính”.

Năm 2011, khi Ursula Holl - thủ môn số hai của ĐTQG bóng đá nữ Đức tham dự World Cup hợp thức hóa mối quan hệ đồng tính với người bạn gái lâu năm của mình.

Ursula Holl (phải) nhận được nhiều sự chia sẻ từ các đồng nghiệp.
Ursula Holl (phải) nhận được nhiều sự chia sẻ từ các đồng nghiệp.

Nữ cầu thủ này khá ngạc nhiên khi nhận được rất nhiều sự chia sẻ, ủng hộ và chúc mừng từ các đồng đội, báo giới và thậm chí từ chủ tịch liên đoàn bóng đá Đức - tiến sĩ Theo Zwanziger.

Nhưng cũng ở một quốc gia châu Âu văn minh như Hà Lan, mới đây chính HLV trưởng ĐTQG nữ Vera Pauw đã thẳng tay loại hai cầu thủ kỳ cựu Dyanne và Claudia van den Heiligenberg ngay sau khi họ công khai quan hệ yêu đương.

Những cầu thủ đồng tính nữ trên thế giới hằng ngày vẫn phải đối đầu với những nguy cơ xâm hại thân thể, tình dục và tinh thần. Cuộc chiến đấu này dẫu công khai, dẫu thầm lặng nhưng để đi đến hồi kết, có lẽ vẫn còn xa lắm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại