Điếu văn Lý Quang Diệu & sự thật chiêu "chơi xấu" của Singapore

Đức Phan |

Thể thao Singapore đang vươn rất cao tại ĐNÁ nhờ các VĐV nhập tịch, nhưng đừng trách mà hãy hỏi liệu mình có thể làm được như họ?

Với thành phần gồm toàn các tay vợt gốc Trung Quốc, đội tuyển bóng bàn Singapore đã thâu tóm tới 6/7 bộ HCV tại Sea Games 2015. Người ta có thể gọi cách làm của chủ nhà là chạy theo thành tích. Nhưng thật ra thành công ấy lại đến từ quan điểm lập quốc của ông Lý Quang Diệu.

Hẳn tất cả vẫn còn nhớ bài điếu văn của Thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long, trong lễ tang cha mình, ông Lý Quang Diệu hồi tháng 3 vừa qua. Bài điếu văn ấy thực sự rất cảm động và đầy ý nghĩa, khi nó khắc họa lại hành trình lập quốc, kiến tạo nên Singapore ngày nay của ông Lý Quang Diệu.

Trong đó, chi tiết khiến tôi phải tâm đắc nhất là quan điểm về xây dựng đất nước đa chủng tộc, đa tôn giáo của ông Lý Quang Diệu.

“Khi bố tôi còn nhỏ, ông chưa bao giờ định trở thành chính trị gia, chứ đừng nói tới việc lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên, trải qua nhiều giai đoạn và biến cố, bố nghĩ đến một giấc mơ cao cả: xây dựng đất nước đa chủng tộc và đa tôn giáo.

Đất nước này không thuộc về bất kỳ cộng đồng riêng lẻ nào, mà thuộc về tất cả chúng ta”. Ông Lý Hiển Long đã viết trong điếu văn.

Tôi thích đường lối này của ông Lý Quang Diệu không phải chỉ vì tính đi trước thời đại của nó, mà điều quan trọng hơn là để làm được điều đó, ông thực sự đã phải có một cuộc cách mạng về tư duy trong chính bản thân mình.

Ông Lý Quang Diệu là một người gốc Hoa, di cư đến Singapore. Giống như nhiều xã hội khu vực Đông Á khác như Hàn Quốc, Nhật Bản… xã hội của người Hoa cũng được biết đến với khái niệm homogeneous society (tạm dịch là xã hội đơn huyết hệ).

Tức là xã hội này gồm một cộng đồng rất đồng nhất về hình dạng, nguồn gốc, ngôn ngữ, văn hóa, tín ngưỡng…

Vì thế, về cơ bản, những xã hội đơn huyết hệ thường đóng và rất khó chấp nhận người nhập cư hơn những xã hội đa sắc tộc (do rào cản là sự quá khác biệt về nhiều mặt). Ấy vậy mà, ông Lý Quang Diệu đã không để bị lối tư duy cũ kĩ, theo lối mòn ấy ảnh hưởng.

Việc chuyển từ một xã hội đơn huyết hệ sang multiculturalism (đa văn hóa) là một nỗ lực cũng như một thành công lớn của ông Lý Quang Diệu. Tôi cho rằng đây chính là nền tảng cơ bản nhất giúp Singapore phát triển.

Đất nước này vốn chỉ là một hòn đảo nhỏ, hạn chế cả về dân số, tài nguyên lẫn diện tích. Thế nhưng, Singapore vẫn “hóa rồng”, đấy chính là vì quốc gia này đã hội tụ được tinh hoa từ khắp nơi trên thế giới.

Trên thực tế, cũng như Singapore, những quốc gia đang phát triển bậc nhất như Mỹ, Đức, Canada, Australia … đều là những đất nước được xây dựng trên nền tảng đa sắc tộc, đa văn hóa.

Theo số liệu được công bố năm 2013 thì trong khoảng 5,4 triệu người thường xuyên cư trú tại đảo quốc này thì chỉ có 61% (khoảng 3,31 triệu người) là mang quốc tịch Singapore. 39% còn lại là những người có thẻ cư trú dài hạn, sinh viên, người làm việc… tại Singapore.

Cái hay của Singapore là ở chỗ ấy. Họ đã tạo được sức hấp dẫn đặc biệt với người ngoài. Từ khách du lịch, các chuyên gia, cho đến VĐV thể thao đỉnh cao... tất cả đều không thể cưỡng lại hấp lực của đảo quốc nhỏ bé này.

Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, xã hội đang hình thành khái niệm công dân toàn cầu và những giá trị về biên giới, sắc tộc truyền thống… đang ngày càng bị xóa mờ, thì việc cần phải tranh thủ nguồn nhân lực ngoại là một xu thế mang tính tất yếu.

Vì vậy, thay vì chỉ trích cách làm của Singapore là chơi xấu, có lẽ các quốc gia khác cần phải tự vấn chính: phải chăng họ không đủ sức hút để có thể tạo ra một xã hội thực sự mang tính toàn cầu và dành cho tất cả như người Singapore đã làm được?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại