Hữu Thắng cao tay hay túng thế phải... nói liều?

Thừa Phong |

Người ta nói nhiều đến chuyện Hữu Thắng yêu cầu VFF cần cho anh toàn quyền quyết định vấn đề chuyên môn nếu lên làm HLV ĐTQG Việt Nam. Nhưng đó chỉ là lời nói to lên thế chứ...

Mức lương, mục tiêu cho đội tuyển là những điều rất quan trọng trong hợp đồng. Nhưng điều kiện quyết định giúp VFF chinh phục thành công Hữu Thắng chính là việc được toàn quyền về chuyên môn.

Bản thân chiến lược gia này cũng tuyên bố mình không chịu áp lực từ bất cứ CLB nào: “Tôi không thiên vị CLB, không thiên vị cá nhân cầu thủ. Ai giỏi và phù hợp với triết lý bóng đá của tôi, tôi sẽ lựa chọn. V-League sắp khởi tranh. Tôi sẽ đi “săn đầu người”.

Tôi nghĩ không quá vất vả vì bóng đá Việt Nam ngày nay đâu có kém. Có rất nhiều cầu thủ tài năng. Cái cần là tạo cho họ môi trường thích hợp để tỏa sáng".

Hữu Thắng tuyên bố không thiên vị cầu thủ từ bất cứ đội bóng nào.
Hữu Thắng tuyên bố không thiên vị cầu thủ từ bất cứ đội bóng nào.

Tuy nhiên, điều gây ra nghịch lý chính là điều kiện mang tên "được toàn quyền về chuyên môn" kia.

Theo lẽ thường, đây là quyền mặc định của một HLV trưởng. Dù xung quanh có đội ngũ trợ lý, trinh sát hay cố vấn đông đảo thì HLV trưởng vẫn là người đưa ra quyết định cuối cùng.

Vậy nhưng, việc Hữu Thắng nhắc đến nhiều và đấu tranh cho điều kiện trên chứng tỏ rằng ông vẫn luôn lo lắng chuyện đội tuyển bị chi phối, không theo ý mình.

Về phần VFF, cơ quan này luôn khẳng định tôn trọng quyền của HLV. Dù vậy hầu như nhà cầm quân nào không ít thì nhiều cũng dính vào nghi vấn chịu tác động từ bên ngoài.

Gần đây nhất, có tin đồn HLV Miura giữ Tuấn Anh lại U23 Việt Nam, loại cầu thủ khác để chiều lòng bầu Đức. Tuấn Anh sau đó đã tỏa sáng rực rỡ và xóa tan mọi hoài nghi. Nhưng nếu chẳng may anh chơi không tốt, nội bộ đội tuyển khó tránh được rạn nứt.

Trên thế giới, nhiều nhà cầm quân đã thành công khi dứt khoát không nghe theo ý kiến số đông hoặc ai đó có tầm ảnh hưởng lớn.

Trước thềm World Cup 2002, Scolari kiên quyết gạch tên Romario khỏi ĐTQG Brazil. Ngay cả khi Tổng thống nước này hay Vua bóng đá Pele ngỏ lời, Big Phil vẫn lắc đầu.

Brazil vô địch World Cup 2002.
Brazil vô địch World Cup 2002.

Kết quả, với Rivaldo, Ronaldo và Ronaldinho, Brazil lên ngôi vô địch một cách thuyết phục. Chẳng ai còn nhớ chuyện xảy ra với Romario nữa.

Năm 2008, Aragones dũng cảm đến với Euro mà không cần Raul, chân sút ghi nhiều bàn nhất cho ĐT TBN khi đó.

Với những con người mới, đội bóng đến từ xứ sở đấu bò giành liền 3 danh hiệu lớn (2 Euro, 1 World Cup). Còn kỷ lục của Raul thì bị David Villa vượt qua.

Muốn một cuộc "lột xác" thực sự, VFF cần giữ lời hứa trao toàn quyền cho Hữu Thắng. Bởi nếu thay HLV nhưng từ việc lựa cầu thủ đến chọn chiến thuật đều theo lối cũ, sẽ chẳng còn gì gọi là tiến bộ nữa cả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại