Rất nhiều người đã lâu vẫn chưa quen với chức danh của ông Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM (HFF) hoặc Ủy viên Thường trực LĐBĐ Việt Nam (VFF) Trần Anh Tú mà hay gọi “bầu Tú” của môn bóng đá trong nhà (Futsal).
Nhờ Futsal trả nợ cái tình Sài Gòn
10 năm ròng ăn cơm ở Học viện kỹ thuật quân sự với quân hàm Thượng úy, anh sĩ quan Trần Anh Tú bất chợt xin ra quân trong sự ngỡ ngàng của cả gia đình.
Ông kể, nhà mình có ba anh chị em. Hồi năm 1989, bố mẹ nghe con trai út xin ra ngoài làm ăn thì buồn lắm nhưng cũng chỉ biết khuyên con suy nghĩ thật kỹ và tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình.
Chàng lính trẻ lẳng lặng gửi đơn xin nghỉ rồi hai năm sau, anh một thân một mình lặn lội vào Sài Gòn với hai bàn tay trắng.
Hành trang quý giá nhất của Trần Anh Tú là tấm bằng kỹ sư điện, chút kinh nghiệm sống của thời bộ đội và một lời hứa với gia đình sẽ không thất bại nơi đất khách quê người.
Ngồi trong phòng truyền thống của CLB Thái Sơn Nam cũng là trụ sở công ty lẫn nơi ăn ở của cầu thủ, ông Tú trầm ngâm nhớ lại một thời không còn trẻ của mình mới lò dò hành phương Nam tìm kế sinh nhai.
Vài năm đầu bỡ ngỡ với nhịp sống Sài Gòn hối hả, ông phải vừa đi làm kiếm sống, vừa học thêm văn bằng hai ở trường Đại học Luật.
Nhờ hiểu luật, ông gặp nhiều thuận lợi trong kinh doanh nhưng đọng lại vẫn là cái tình người xứ sở miền Nam.
Bầu Tú nói mình từng nhận được rất nhiều sự đùm bọc, chở che của những người quen lẫn chưa quen ở mảnh đất lành và muốn trả phần nào cái nghĩa ân tình ấy cho Sài Gòn.
Hỏi ông có liều mạng không khi một thân một mình vật lộn với cuộc sống mới ở nơi khác, ông cười nhẹ rồi mơ màng:
“Bạn nghĩ tôi có liều không? Thực sự cuộc sống tôi đến giờ này không dám mạo hiểm lắm đâu, dù tôi rất thích những người có máu mạo hiểm và thành công, như các doanh nhân chơi chứng khoán hay bất động sản vậy.
Tôi thì thấy mình có tính chỉn chu thôi, biết cách sắp đặt mọi thứ mà mình sắp sửa thực hiện, gọi là ăn chắc mặc bền cũng được”.
Ông Trần Anh Tú tâm sự rằng Sài Gòn là nơi dễ sống nhất Việt Nam, khi mình có tấm lòng, có tri thức và sự chăm chỉ.
Nếu không có đam mê đã bỏ cuộc từ lâu rồi
Năm 2003, ông Trần Anh Tú mở công ty Thái Sơn Nam cung cấp các thiết bị ngành điện chủ yếu nhắm đến giới bình dân, giờ thì cáo cấp và nổi tiếng lắm rồi.
Thời điểm ấy, ông cũng hay hô hào anh em sau giờ làm việc thì ra sân đá bóng tăng cường sức khỏe. Ông biết đá bóng và thường chơi sân lớn 11 người.
Rồi có lần hay tin TP.HCM tổ chức giải bóng đá trong nhà (Futsal) phong trào, ông chọn ra những người đá hay nhất tham gia cho vui.
Ông Tú kể: “Tôi cho anh em chơi vui ai ngờ nghiện Futsal lúc nào không biết. Ban đầu tôi nghĩ rất đơn giản, Futsal mỗi lần ra sân đá có năm người, chắc duy trì không đến nỗi tốn tiền nhiều lắm đâu.
Thế nhưng vào cuộc chơi rồi mình mới biết, để làm một CLB tử tế và bài bản không dễ chút nào. Tôi được mỗi cái “lì đòn”, trót đam mê nên không bỏ được. Lỡ vào hang cọp thì phải bắt được cọp con”.
Hồi mới chập chững gầy dựng môn Futsal, ông Tú cũng thường chịu lắm lời dị nghị và mỉa mai của người đời. Họ nói ông bỏ tiền để thâu tóm quyền lực, lấy Futsal như một bệ phóng để thăng tiến, vừa có danh vừa có lợi...
Mặc kệ bóng gió xa gần, ông Tú cứ chơi theo cách của mình, chỉ vì ông thích đi con đường chưa ai đi và làm cái chưa ai làm.
Nhắc lại chuyện cũ, ông Tú nhoẻn miệng cười hiền lành: “Tôi nghĩ mình từ hai bàn tay trắng đi lên bằng sức lao động, bằng mồ hôi nước mắt của mình, chứ có lấy của ai đâu!
Tôi bỏ tiền đầu tư cho Futsal chưa từng tính toán mình sẽ thu được gì từ nó, chỉ biết khả năng mình giúp gì được cho bóng đá thì giúp.
Tâm nguyện của tôi là mong mỏi trả ơn cho mảnh đất đã nuôi dưỡng, cho mình cơ nghiệp. Tôi biết có nhiều người “mắc nợ” Sài Gòn giống mình. Họ trả ơn Sài Gòn bằng nhiều cách.
Tôi có thế mạnh về cách làm bóng đá thì chọn Futsal hay nói Futsal chọn tôi cũng được. Nếu không vì đam mê và khát khao chiến thắng như tính cách của một người lính, chắc tôi đã bỏ chơi Futsal từ lâu rồi”.
Bài học từ những thất bại
Ở ông Trần Anh Tú dễ thấy cái tầm tri thức của một doanh nhân thành đạt ẩn sau cặp kiếng trắng, nét lịch lãm của người Hà thành, sự từng trải dạn dày và phóng khoáng như dân tình đất phương Nam, cộng một thêm một chút thận trọng của người xa quê.
Ông có một nụ cười nhoẻn nghiêm nghị, dễ gần mà không dễ bắt đúng chuyện, nếu không phải về tình yêu bóng đá mãnh liệt, hoặc sở thích nghe nhạc cổ điển. Cái loại nhạc mà ông nói nó khó nghe như… làm bóng đá nhưng khi đã nghiện thì không thể bỏ.
Futsal châu Á 2016: Việt Nam 4-4 (pen 2-1) Nhật Bản
Hồi mới làm Futsal, ông Tú lặn lội sang Thái Lan mời thầy về huấn luyện cầu thủ cùng đau đáu giấc mơ đến một ngày nào đó, Futsat Việt Nam có mặt trong top 10 thế giới như người Thái.
Sau đó, ông lại chạy sang cường quốc Futsal Tây Ban Nha tìm người giỏi hơn về làm phong phú hơn các kiểu chơi cho cầu thủ mình.
Ông còn bỏ tiền tỉ ra kéo các nhà vô địch thế giới Brazil, hay các đội hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Iran,… sang tận TP.HCM chơi Futsal cho dân ghiền thưởng thức.
Tuy nhiên, ông bầu này vẫn thú nhận Futsal Việt Nam sẽ khó lòng xóa nhòa khoảng cách với người Thái, không hẳn vì mình đi sau họ hơn 10 năm, mà cái chính là có quá ít người chịu làm Futsal bài bản như ông.
Ông ví von điều này tương tự như bóng đá 11 người, ta hay đòi qua mặt Thái Lan nhưng chỉ có mỗi bầu Đức chịu đầu tư Học viện HA Gia Lai Arsenal JMG thì ít quá.
Bầu Tú chia sẻ Futsal có cái thú vị riêng của nó và chỉ dành cho người đam mê thật sự mới hiểu đầy đủ.
Ông còn kể, ấn tượng sâu đậm của mình về Futsal hay đến từ những trận… thua. Như ở giải vô địch Đông Nam Á mới đây, cầu thủ của ông thua Úc trong thế thắng, dẫn đến hệ quả thua Thái Lan ở bán kết và mất luôn huy chương đồng vào tay Malaysia.
"Tôi có điều lạ lùng là không thể ôm ấp lâu nỗi buồn thua trận làm gì cho khổ tâm. Điều gây cho tôi trăn trở hơn chính là làm sao để đứng dậy từ thất bại ấy một cách thật mạnh mẽ và tôi thường lấy đó nhắc nhở cầu thủ mình”, ông trải lòng.
Box: Bắt tay với bóng đá Pháp
Bốn năm trước, khi vừa đắc cử chức Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM, ông Trần Anh Tú đã đưa ra chương trình hành động của mình là khôi phục bóng đá chuyên nghiệp TP.HCM từ bóng đá học đường:
“Tôi nghe nhiều người hỏi mình có buồn không khi mỗi cuối tuần, cái nôi bóng đá của cả nước một thời oanh liệt bây giờ không sáng đèn sân Thống Nhất. Tôi không buồn vì… quá buồn đi chứ!
Nhưng tôi lại không phải mẫu người hay gặp nhấm nỗi buồn. Ngược lại, tôi nghĩ có khi mình phải cảm ơn thất bại và nỗi buồn vì đấy chính là những bài học kinh nghiệm cho mình.
Duy có điều, sự sa sút của bóng đá TP.HCM kéo dài quá, từ sau thời của Huỳnh Đức đến nay có mấy ai quan tâm đào tạo trẻ nữa đâu. Cho nên thời của tôi và các cộng sự phải bắt tay xây dựng lại gần như từ đầu.
May mắn cho chúng tôi là UBND TP.HCM có sự hậu thuẫn rất lớn, với một hợp đồng dài hạn cùng CLB Olympic Lyon của Pháp.
Vào giữa năm 2016, bóng đá TP.HCM chính thức bắt tay với Lyon giúp mình đào tạo HLV và cầu thủ trẻ từ cái gốc bóng đá học đường.
Tôi biết mình sẽ phải kiên nhẫn ghê gớm lắm nhưng luôn tự tin cứ đi rồi sẽ thành đường”.