1. Khi Hữu Thắng được bổ nhiệm làm tân HLV trưởng ĐT Việt Nam, ông đã lập tức mang đến nhiều điều mới lạ.
Ví dụ như ở lần tập trung lần này các tuyển thủ thay vì phải ở “nhà nghỉ” đã được chuyển về Khách sạn La Thành – nơi đóng quân quen thuộc, nhưng lại vốn chỉ được sử dụng cho những giải đấu được VFF coi là quan trọng.
HLV Hữu Thắng cũng ghi điểm với các học trò khi đưa ra quan điểm cá nhân bảo vệ Văn Quyết, chứ không có chuyện chỉ cúi đầu thi hành quyết định của VFF.
Dẫu vậy, vẫn có một ước nguyện của Hữu Thắng vẫn đang vấp phải rào cản là sự lạc hậu trong tư duy của một bộ phận không nhỏ các bên liên quan, từ nhà quản lý cho đến các CĐV hay thậm chí là cả giới truyền thông.
Trong cuộc họp báo sau lễ ký kết hợp đồng với VFF hồi đầu tháng, HLV Hữu Thắng đã bày tỏ mong muốn được gọi các cầu thủ nhập tịch lên tuyển và hi vọng sẽ được ủng hộ.
Cách đây vài ngày, tại buổi công bố danh sách triệu tập cầu thủ cho lần tập trung này, vị chiến lược gia người xứ Nghệ đã một lần nữa nhắc lại quan điểm ấy.
Thế nhưng, cho dù chính Hữu Thắng đã khẳng định rằng bất cứ cầu thủ nào có phong độ tốt sẽ được lên tuyển, kể cả cầu thủ nhập tịch.
Nhưng với việc bản danh sách 32 cầu thủ do chính ông đưa ra lại không có tên 1 “ngoại binh” nào, cho thấy vị HLV này phần nào đó vẫn chưa thể vượt qua những rào cản từ bên ngoài để đưa ra quyết định theo ý muốn của mình.
2. Thật ra, không phải đến Hữu Thắng mà những người tiền nhiệm của anh cũng rất muốn đưa lên tuyển những cầu thủ nhập tịch. Tiên phong chính là HLV Calisto.
Ông thầy người Bồ Đào Nha này chính là người đã trao cơ hội cho những Phan Văn Santos, Đinh Hoàng Max, Huỳnh Kesley Alves khoác áo ĐTQG trong một vài trận.
Chỉ có điều vì lí do tế nhị nơi hậu trường mà cánh cửa ĐTQG đã hoàn toàn đóng lại với các “ngoại binh” kể từ đó đến nay.
Về xã hội học, xã hội Việt Nam cũng như nhiều quốc gia Đông Á khác được biết đến với khái niệm homogeneous society (tạm dịch là xã hội đơn huyết hệ).
Tức là xã hội này gồm một cộng đồng rất đồng nhất về hình dạng, nguồn gốc, ngôn ngữ, văn hóa, tín ngưỡng…
Vì vậy, về cơ bản, những xã hội đơn huyết hệ thường rất đóng và khó chấp nhận người nhập cư hơn những xã hội đa sắc tộc (do rào cản chính là sự quá khác biệt về nhiều mặt).
Thế nên, cũng dễ hiểu khi chúng ta có quan điểm khắt khe trong việc đưa các cầu thủ nhập tịch lên tuyển.
Tất nhiên, người Việt Nam không ai muốn thấy một ĐTQG với sự hiện diện của toàn bộ các "ông Tây".
Tuy vậy, nếu có một sự kết hợp hợp lý theo công thức kiểu như chỉ có 2-3 ngoại binh thi đấu trên sân cùng một lúc giống như tại CLB thì nó chắc chắn sẽ cải thiện đáng kể sức mạnh ĐTQG.
Bởi nói gì thì nói rõ ràng về mặt chuyên môn cũng như thể lực và sức mạnh các cầu thủ nhập tịch vẫn nhỉnh hơn cầu thủ nội đáng kể.
Cần phải nhớ rằng chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa. Xã hội đang hình thành khái niệm công dân toàn cầu và những giá trị về biên giới, sắc tộc truyền thống… đang càng bị xóa mờ, và chắc chắn xu hướng ấy sẽ còn tiếp tục bị xóa mờ trong tương lai.
Trên nhiều lĩnh vực, chúng ta còn đang phải đối mặt với nguy cơ chảy máu chất xám. Vậy tại sao khi có một nguồn lực tự nguyện và mong muốn được cống hiến chúng ta lại bỏ phí?
Rõ ràng, đấy là một sự lạc hậu,tụt lùi trong tư duy. Chẳng ai nói đội tuyển Pháp, đội tuyển Đức khi lên ngôi vô địch World Cup với rất nhiều cầu thủ gốc ngoại trong đội hình không phải là niềm tự hào của nước Pháp hay nước Đức.
Ở thời kì kháng chiến, trong hàng ngũ quân đội ta vẫn có lực lượng chuyên gia nước ngoài đến từ các nước bạn giúp đỡ.
Ngay cả trong nhiệm vụ thiêng liêng và quan trọng nhất là bảo vệ tổ quốc, chúng ta vẫn có thể sử dụng nguồn lực ngoại, thì thật khó hiểu khi hiện nay với quan điểm hội nhập quốc tế ngày càng cởi mở hơn, bóng đá Việt Nam lại kiên quyết bỏ rơi những cầu thủ gốc ngoại.
Nhất là khi xét về mặt luật pháp thì họ là công dân Việt Nam, và phải được đối xử bình đẳng như bất kì người Việt Nam nào khác!