Đấu trường hạng 2 châu Âu và câu chuyện buồn mang tên Khán Giả

Đoàn Dự |

(Soha.vn) - Đấu trường hạng 2 châu Âu hay thường được gọi với cái tên Europa League đang gặp vấn nạn vô cùng đáng ngại: Sự quay lưng từ phía khán giả.

Loạt đấu lượt về vòng 1/8 Europa League đêm qua diễn ra không ít trận cầu hay như Inter Milan đón tiếp Tottenham; Chelsea tiếp đón Steaua... Nhưng thật đáng buồn khi trên các khán đài, CĐV tới xem vô cùng thưa thớt.

Ở trận Inter đón tiếp Spurs, chỉ có 18.241 người tới xem. Với tổng số ghế lên tới 80.018 chiếc, sân San Siro đêm qua chỉ bán được 23% vé. Một tỷ lệ đáng buồn. Nên biết khi Inter đón tiếp Tottenham hồi 20 tháng Mười năm 2010, đã có tới 70.000 khán giả tới sân. Nhưng đó là trận đấu thuộc khuôn khổ Champions League chứ không phải Europa League.

Inter và Tottenham đã chơi một trận tuyệt hay trước những khán đài vắng bóng CĐV

Trận Blackburn gặp Millwall diễn ra đêm qua trong khuôn khổ FA Cup có 8.635 người tới xem, đạt 27% sức chứa của SVĐ Ewood Park tức tỷ lệ còn cao hơn của sân San Siro

Trên Stamford Bridge đêm qua cũng chỉ có 28.817 CĐV tới cổ vũ Chelsea trong khi sức chứa của SVĐ này lên tới 41.000 ghế. Theo tờ Daily Mail thống kê, đây là trận đấu có lượng khán giả tới Stamford Bridge ít nhất dưới kỷ nguyên của ông chủ Abramovic (từ năm 2003 tới nay).

Vấn đề thiếu hụt khán giả trầm trọng điển hình như trong 2 trận cầu trên không phải do chất lượng chuyên môn kém hay cuộc đối đầu thiếu hấp dẫn. Trên thực tế, Chelsea đã để thua Steaua 0-1 ở lượt đi và vì thế trận lượt về có ý nghĩa quan trọng trong việc The Blues có lọt vào Tứ kết đấu trường hạng 2 châu Âu hay không.

Stamford Bridge đón ít khán giả nhất trong gần 10 năm qua

Với Inter, việc để thua Spurs 0-3 trong trận lượt đi khiến lòng tự tôn của một CLB lớn của Serie A bị tổn hại nghiêm trọng. Ở mùa giải 2010/11, Inter từng bị Tottenham “hạ nhục” và vì thế đội bóng này rất quyết tâm chiến đấu đêm qua. Thực tế là Inter đã có 1 trận cầu hay khi đón tiếp Spurs và giành chiến thắng 4-1 (dù vẫn bị loại chung cuộc với tỷ số hòa 4-4 và luật bàn thắng sân khách).

Như thế, việc đấu trường hạng 2 châu Âu không thu hút được khán giả có thể hiểu theo 2 lý do:

Một, sức hút của Champions League quá lớn, lấn át sức hút của Europa League. Bản thân chủ tịch UEFA, Michel Platini từng đích thân thừa nhận vấn đề này. Và bao năm qua, UEFA vẫn chưa thể tìm được cách đẩy mạnh sức hút của đấu trường hạng 2 châu Âu trong khi vẫn duy trì thế mạnh cho Champions League.

UEFA sẽ phải tiếp tục đau đầu để tìm lối thoát cho Europa League

Hai, cơ cấu giải thưởng của Europa League quá thấp nhất là khi so sánh với Champions League. Theo số liệu thống kê thì ở mùa giải 2011/12 khi Chelsea vô địch đấu trường hạng nhất châu Âu, CLB này nhận được 59.9 triệu euro. Trong khi đó, Atletico, nhà vô địch của Europa League chỉ nhận khoảng hơn 10 triệu euro... Việc cơ cấu giải thưởng của sân chơi hạng 2 châu Âu thấp khiến các CLB lớn không mấy khi muốn thi đấu ở mặt trận này. Những đội bóng như Man City, Man Utd đều chủ động buông ngay từ đầu nếu lỡ phải góp mặt để giảm tải cho các cầu thủ.

Ngay cả những đội cần danh hiệu như Chelsea, Tottenham cũng không mấy hào hứng ở các vòng đấu nhỏ mà chỉ tung đội hình mạnh nếu vô tình được đi sâu đến vòng 1/8 hoặc tứ kết...

Vẫn biết Champions League là sân chơi danh giá nhất lục địa già và cả thế giới. Nhưng hãy nhìn vào trận tranh siêu cúp châu Âu hồi đầu mùa khi Chelsea thảm bại trước 1-4 trước Atletico. Rõ ràng ở sân chơi hạng 2 lục địa già có không ít những đội bóng mạnh và sở hữu lối chơi quyến rũ. Thật đáng buồn khi Europa League lại không thể nhận được sự quan tâm xứng tầm...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại