Chào anh Minh Chiến, trong quá trình chuẩn bị cho vòng loại U.23 châu Á vừa qua, tuyển U.23 VN xảy ra tình trạng chấn thương hàng loạt. Vậy đâu là nguyên nhân và có phải là lỗi của HLV Miura?
Chấn thương là điều đáng tiếc nhưng ở trường hợp của tuyển U.23 VN, tôi thấy dường như nền tảng thể lực của cầu thủ không đủ đáp ứng các giáo án nâng cao, nặng của HLV Miura nên dẫn đến nhiều cầu thủ bị chấn thương.
Các cầu thủ không đủ nền tảng thể lực thì có lẽ do ở CLB họ tập với giáo án nhẹ hoặc không theo đủ giáo án nên lên tuyển sẽ bị chấn thương do hoạt động mạnh, quá tải.
Nếu quy trách nhiệm cho HLV Miura về chuyện này tôi nghĩ rằng khó vì lâu nay ai cũng thấy thể lực cầu thủ VN khá kém nên ông Miura khi làm việc rất chú trọng vấn đề này và bằng mọi cách ông ấy phải nâng thể lực cầu thủ lên mức cao hơn.
Nếu không nâng thể lực lên thì làm sao chúng ta có thể đá và đá thắng các đối thủ mạnh được. Do vậy, tôi cho rằng chuyện chấn thương như vậy phải chấp nhận thôi.
Nhưng chấn thương nhiều thì mất cầu thủ giỏi và ảnh hưởng rất nhiều về chuyên môn
Tất nhiên khi cầu thủ bị chấn thương nhiều HLV sẽ gặp khó khăn nhưng ở đây cũng phải có sự đánh đổi và tôi nghĩ ông Miura ý thức được chuyện này.
Tuy nhiên về mặt khác quan sát cách mà HLV Miura xây dựng đội bóng trong thời gian qua, thấy rất rõ ông ấy xây dựng đội bóng không dựa trên bất kỳ cầu thủ ngôi sao nào hay lối đá CLB nào và mọi cầu thủ đều có thể được thay thế.
Chính vì vậy, tôi tin nếu có cầu thủ này bị chấn thương thì HLV Miura có phương án thay thế hợp lý.
Cựu tiền đạo Trần Minh Chiến hiện đang làm HLV ở trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF
Hàng công của tuyển U.23 VN qua mấy trận giao hữu rồi không có được chân sút chủ lực nào đáng tin cậy cả. Theo anh vì sao lại như thế?
Đây là vấn đề của nền bóng đá khi BĐVN chúng ta một thời gian khá dài không đào tạo được các tiền đạo nội giỏi, việc thi đấu ở V.League phụ thuộc nhiều vào ngoại binh.
Vì vậy đòi hỏi tuyển U.23 VN hay ĐTVN có hàng công mạnh mẽ, hiệu quả thì rất là khó vì cầu thủ giỏi ở đâu ra khi rõ ràng trình độ và năng lực của các tiền đạo nội rất giới hạn.
Chúng ta chỉ hy vọng rằng với sự dẫn dắt của HLV chuyên nghiệp, có phương pháp hiện đại như HLV Miura thì sẽ giúp phát huy được những phẩm chất tốt của cầu thủ VN mình bằng các nâng thể lực và triết lý bóng đá hiện đại, tinh thần kỷ luật chứ khó để “lột xác” để tạo ra một đội tuyển đẳng cấp cao.
Làm HLV đôi lúc ai cũng muốn đội bóng mình đá hay, đá đẹp nhưng mọi thứ trên sân cỏ vẫn phụ thuộc nhiều vào trình độ của cầu thủ.
Anh nghĩ như thế nào về vai trò Công Phượng?
Công Phượng thật sự có tài năng với kỹ thuật, tư duy chơi bóng đều rất tốt.
Thế nhưng tôi thấy sự kỳ vọng của báo chí, người hâm mộ dành cho Công Phượng còn lớn hơn tài năng mà Công Phượng đang có. Công Phượng đang chịu rất nhiều sức ép ở độ tuổi mà em ấy mới 20 tuổi.
Chẳng phải chính anh năm 21 tuổi đã đoạt giải Vua phá lưới giải với 15 bàn thắng và cùng đội Công An TPHCM giành chức VĐQG năm 1995 và sau đó tỏa sáng ở ĐTVN ở SEA Games 18 đó sao?
Tôi đoạt chức Vua phá lưới giải VĐQG năm 1995 khi mới 21 tuổi (Trần Minh Chiến sinh năm 1974).
Nhưng năm 1991 khi vừa rời Trường Năng khiếu Nghiệp vụ, tôi đã được đưa về đá cho đội CATPHCM khi 18 tuổi và đã có đến 3 mùa bóng vừa học hỏi vừa thi đấu dần dần lên với sự dìu dắt và hướng dẫn của những đàn anh đi trước nên mới có được thành quả như vậy.
Trong khi đó Công Phượng chỉ mới tốt nghiệp Học viện HAGL JMG năm rồi và V.League 2015 chỉ mới là mùa bóng đá chuyên nghiệp đầu tiên của em ấy.
Lê Huỳnh Đức, Trần Minh Chiến (đứng), Nguyễn Chí Bảo, Nguyễn Liêm Thanh (ngồi) là 4 cầu thủ của CATPHCM khoác áo ĐTVN năm 1996
Theo anh Công Phượng cần có thêm thời gian?
Đúng vậy. Mọi người đều thấy khi Công Phượng đá ở HAGL thì đá tốt hơn khi lên tuyển U.23 VN là vì ở HAGL em ấy được đá với những đồng đội lâu nay, được HLV Graechen cũng quá quen thuộc dẫn dắt nên mọi thứ thật tự nhiên.
Trong khi lên tuyển U.23 VN, Công Phượng buộc phải thích nghi với đồng đội mới, lối chơi mới mà HLV Miura mới.
Mọi thứ do vậy phải có quá trình dần dần, chứ không thể bắt Công Phượng chơi bùng nổ, dữ dội như cách mà người hâm mộ, báo chí đang mong chờ.
Công Phượng có lối đá kỹ thuật, nét hào hoa giống Văn Quyến nhưng ở tuổi 20 thì Văn Quyến đã khẳng định vị thế ở ĐTVN rồi?
Công Phượng lạm dụng kỹ thuật cá nhân trong khi Văn Quyến đá hợp lý hơn nhiều.
Nguyên nhân như tôi đã nói vì Công Phượng được đào tạo theo chu trình khép kín của Học viện HAGL JMG và chỉ mới đá mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên.
Kinh nghiệm của Công Phượng rất hạn chế, còn đá theo bản năng và phải dần dần mới học hỏi rồi chỉnh sửa được.
Trong khi Văn Quyến được lò SLNA đào tạo, được thi đấu từ rất sớm ở đủ các giải trẻ rồi lên tuyển U.16 VN rồi được lên đội 1 SLNA với nhiều đàn anh giỏi, dày dạn hướng dẫn.
Do vậy ở cùng độ tuổi 20 thì Văn Quyến đã tích lũy rất nhiều, kinh nghiệm dày dạn nên chơi bóng đĩnh đạc và có đẳng cấp thực sự. Trong khi đó Công Phượng hiện tại vẫn còn khá non, tuy nhiên tiềm năng của Công Phượng rất lớn.
Có nghĩa là phải biết kiên nhẫn với Công Phượng?
Cái khó của Công Phượng là cậu ấy bị dư luận, báo chí đề cập nhiều quá gần như là mọi lúc mọi nơi trong khi trước kia Văn Quyến không như thế.
Nếu cứ so sánh Công Phượng với Văn Quyến thì không công bằng cho Công Phượng vì xuất phát điểm của Công Phượng trễ hơn Văn Quyến rất nhiều. Công Phượng có tài và còn phát triển nữa nên cũng đừng vội kỳ vọng quá nhiều, quá lớn lúc này.
Anh đánh giá ra sao về khả năng U.23 VN vượt qua U.23 Malaysia để giành vé dự VCK U.23 châu Á?
Cơ hội là 50-50. Malaysia về kỹ thuật hay tư duy chơi bóng họ không bằng cầu thủ Việt Nam nhưng về sức mạnh thể chất họ trội hơn mà bóng đá hiện đại thể lực vô cùng quan trọng.
Do vậy khi HLV Miura quyết tâm cho tuyển U.23 VN tập nặng để nâng thể lực thì tôi nghĩ điều đó đúng vì nếu có thể lực tốt, khả năng thắng của U.23 VN rất lớn. Dù vậy, U.23 Malaysia họ đá trên sân nhà nên đó là lợi thế cho họ.
Xin cảm ơn anh !