Cuộc đời anh hùng của cầu thủ Do Thái đầu tiên trong ĐTQG Đức

Kim Thiền |

Thế giới bóng đá tự hào vì ông. Người Do Thái tự hào vì ông. Nước Đức tự hào vì sản sinh ra những người anh hùng như ông, cả trên sân cỏ lẫn cuộc đời.

Anh hùng trên sân cỏ và mặt trận

Ngày cái tên Julius Hirsch được đặt cho giải thưởng của bóng đá Đức dành tặng những thành tựu trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Không nhiều người thế hệ hiện tại biết rằng ông là một trong những tiền vệ tài năng nhất của bóng đá nửa đầu thế kỷ 20

Ra đời ngày 7 tháng 2 năm 1892 tại Aachen trong một gia đình Do Thái, tài năng bóng đá của Julius Hirsch được phát lộ từ rất sớm.

Kỹ năng bóng đá thiên bẩm giúp cậu thanh niên 17 tuổi Julius Hirsch kiếm được hợp đồng đầu đời với đội bóng Baden - Wurttemberg.

Ngay mùa bóng đầu tiên, cùng các tên tuổi lớn như Gottfried Fuchs và Fritz Forderer, Julius Hirsch đã giúp Baden - Wurttemberg đoạt cúp vàng ở giải VĐQG.


Julius Hirsch (hàng ngồi, thứ 2 từ phải sang) cùng ĐTQG Đức.

Julius Hirsch (hàng ngồi, thứ 2 từ phải sang) cùng ĐTQG Đức.

Với sự tiến bộ và nỗ lực vượt bậc, không mấy khó khăn để ông có một vị trí chắc chắn trong ĐTQG Đức chỉ chưa đầy một năm sau và cũng là người Do Thái đầu tiên có được vinh dự lớn lao ấy.

Dấu ấn lớn nhất trong cuộc đời bóng đá của tiền vệ thiên tài này là sự góp mặt ở Olympic 1912 được tổ chức tại Stockholm (Thụy Điển).

Ngay khi chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, Julius Hirsch lên đường nhập ngũ phục vụ quốc gia. Bốn năm phục vụ trong quân đội, chàng phi công điển trai này đã được gắn lên ngực chiếc huân chương cao quý Thập Tự Sắt cho những thành tích trong chiến đấu.

Khói lửa chiến tranh rồi cũng tàn, Julius Hirsch trở về với niềm đam mê đầu đời. Ông đầu quân cho Karlsruher FV, tiếp tục cống hiến tài năng của mình cho đến khi giải nghệ vào năm 1925, để tiếp tục theo đuổi bóng đá trong vai trò huấn luyện.

Những tháng ngày xa Tổ quốc

Năm 1933, với sự trỗi dậy và kiểm soát nước Đức của Adolf Hitler và đảng phát xít, Hirsch buộc phải sang Pháp lánh nạn và tiếp tục sự nghiệp huấn luyện bóng đá của mình tại Alsace cho đến tận năm 1938.

Những người có dịp gần gũi với Hirsch vào thời gian đó kể rằng dường như tình yêu Tổ quốc chưa bao giờ thôi bùng cháy trong tâm hồn cầu thủ người Do Thái. Khát vọng được quay về để phục vụ quê hương thôi thúc ông khôn nguôi.

“Tôi cảm thấy bị tổn thương và cực lực phản đối chính sách bài Do Thái nay đã lan rộng và ảnh hưởng tới chính sách sử dụng nhân sự của đội bóng.

Đó không phải là phương cách chân chính để chứng tỏ tình yêu với nước Đức và dân tộc Đức. Tôi sẽ đấu tranh để chống lại điều bất công ấy, dù có phải đổ cả máu của mình...”

Julius Hirsch (Trích bức thư gửi Ban lãnh đạo CLB Karlsruher, 1933)

Antoine Galland, một người bạn Pháp của Hirsch nhớ lại trong hồi ký của mình rằng Hirsch thường xuyên theo dõi mọi tin tức từ nước Đức thông qua radio và báo chí:

“Cứ buổi chiều, anh ấy lại ra vệ cỏ cao bên cạnh khu nhà và trầm ngâm hút thuốc hàng giờ liền. Hirsch chỉ trở nên sinh động và hoạt bát mỗi khi có ai đó nói chuyện về nước Đức”.

Có lẽ chỉ dựa vào điều đó người ta mới lý giải được vì sao Hirsch bỏ qua tất cả những lời cảnh báo về nguy cơ chết người tiềm ẩn khi quay trở về Đức với xuất thân Do Thái của mình.

Ông đột ngột hồi hương ngay trước khi Hitler phát động thế chiến thứ hai.

Điều những người quan tâm đến ông lo sợ đã xảy ra. Ngày 1 tháng 3 năm 1943, như rất nhiều người Do Thái trên đất Đức, ông bị tống vào trại tập trung nổi tiếng Auschwitz Birkenau đặt ở Ba Lan.


Ảnh cưới của người anh hùng Julius Hirsch và vợ - Anna.

Ảnh cưới của người anh hùng Julius Hirsch và vợ - Anna.

Chỉ hai ngày trước khi bị bắt, trong tấm bưu thiếp cuối cùng gửi cho vợ, Julius Hirsch đã viết:

“Có thể anh sẽ an toàn hơn nếu lại tạm lánh đi một thời gian, nhưng những ngày xa Tổ quốc càng làm anh thêm yêu đất nước này.

Hãy giúp anh thanh thản hơn với quyết định ở lại của mình. Anh sẽ giúp được nhiều người hơn khi ở lại đây. Yêu em và các con rất nhiều!”.

Một nhân chứng hiếm hoi còn sống sót sau những ngày tháng kinh hoàng ở “địa ngục” Auschwitz đã kể lại về những ngày tháng ngắn ngủi được gặp gỡ và sống chung với ông:

“Hirsch là thần tượng và niềm tự hào của rất nhiều người trong trại tập trung. Người Do Thái ở Đức ai mà không biết đến ông chứ!

Một trong những điều giữ cho những người ở chung với ông - trong đó có tôi, không gục ngã trước cái đói, cái rét và sự hành hạ của lính phát xít, chính là những câu chuyện ông kể về những trận đấu, về những trận đánh mà ông từng tham gia”.

Cái chết anh hùng

Một ngày mùa Đông giá rét cuối năm 1944, Hirsch cùng một số tù nhân khác tổ chức cuộc vượt ngục trong đêm.

Kế hoạch bại lộ, các tù nhân số bị hành quyết ngay tại chỗ, số bị đưa tới lò thiêu và các phòng thí nghiệm trên cơ thể người của những bác sỹ “thần chết”. Người ta cho rằng Hirsch có thể đã chết trong vụ hành quyết nói trên.


Trại tập trung khét tiếng tàn bạo Auschwitz Birkenau - nơi Julius Hirsch bị giết.

Trại tập trung khét tiếng tàn bạo Auschwitz Birkenau - nơi Julius Hirsch bị giết.

Không có bất kỳ hồ sơ hay nhân chứng nào có thông tin để biết chính xác ngày ông bị giết.

Năm 1950, tòa án quận Karlsruhe - quê ông, đã quyết định chọn ngày 8 tháng 5 năm 1945, ngày giải phóng Berlin, kết thúc chiến tranh ở châu Âu làm ngày mất của Julius Hirsch.

Để tưởng niệm và ghi nhận những cống hiến của Julius Hirsch, năm 2005 Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) đã quyết định khai sinh giải thưởng mang tên ông.

Giải thưởng được trao tặng hàng năm, nhằm tôn vinh những đóng góp cho việc chống lại nạn phân biệt chủng tộc, bài ngoại, cũng như bài Do Thái trong lĩnh vực thể thao.

Là cha đẻ của giải thưởng Julius Hirsch, tiến sĩ Theo Zwanziger - chủ tịch DFB, từ cảm hứng đó cũng đã có những công trình nghiên cứu của mình về số phận của những cầu thủ Do Thái trong thế chiến thứ hai.

Vị tiến sĩ này cũng đã phát biểu trong bài diễn văn chào mừng sự ra đời của giải thưởng Julius Hirsch:

“Chúng ta tưởng nhớ đến ông để hướng tới một thế giới loài người không còn những điều khủng khiếp như nạn diệt chủng, cũng như một thế giới bóng đá sạch bóng những hành vi không thể chấp nhận được như phân biệt chủng tộc, màu da hay tôn giáo”.

“Julius Hirsch là niềm tự hào vĩ đại của bóng đá Đức, nhưng ông cũng là nạn nhân của một trong những thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử loài người.”

Tiến sĩ Theo Zwanziger - chủ tịch LĐBĐ Đức

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại