Công Vinh có thể bị “treo giò” ở vòng bảng AFF Cup 2016

Chính Minh |

Sau khi chia tay vòng loại World Cup 2018 với trận thua 0-1 trước Iraq tối 29.3, ĐT Việt Nam còn phải đối diện với nguy cơ không có sự phục vụ của chân sút đội trưởng Lê Công Vinh ở một vài trận vòng bảng AFF Cup 2016…

Tối 29.3, ĐT Việt Nam đã thua 0-1 trước Iraq – một kết quả không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn trước giờ bóng lăn.

Có chăng, sự bất ngờ chỉ xuất hiện sau khi người hâm mộ cả nước phải chứng kiến cú giật chỏ của Lê Công Vinh đối với cầu thủ Saad Abdulamir (số 21, Iraq).

Pha quay chậm trên truyền hình cho thấy đây là cú “đánh nguội” có chủ định của CV9 và trọng tài đã có phần nhẹ tay khi không quan sát rõ và chỉ rút thẻ vàng cảnh cáo Công Vinh.

Tuy nhiên, thời gian tới, nếu FIFA xem xét kỹ lại băng hình, rất có thể Công Vinh sẽ phải chịu án phạt nguội, treo giò vài trận thi đấu tại các giải chính thức của đội tuyển bóng đá Việt Nam.

Nói cách khác, HLV Hữu Thắng có thể sẽ không có sự phục vụ của cậu học trò cưng ở vị trí mũi nhọn trên hàng công tại những trận đầu tiên thuộc vòng bảng AFF Cup 2016 cuối năm nay.

Điểm lại trong quá khứ, nhiều ngôi sao bóng đá thế giới từng phải chịu án phạt nguội của FIFA.

Chưa ai quên sau hành động cắn Chiellini (Italia) trong trận đấu giữa Italia – Uruguay ở vòng bảng World Cup 2014, tiền đạo Suarez (Uruguay) từng bị FIFA phạt nguội cấm thi đấu 4 tháng, buộc phải đứng ngoài các hoạt động liên quan đến bóng đá ở cả cấp CLB lẫn đội tuyển quốc gia, trong đó có 9 trận ở tuyển Uruguay.

Ngoài ra, Suarez còn phải nộp phạt khoản tiền mặt lên đến 82.000 euro. Cũng tại vòng bảng World Cup 2014, tiền vệ Alex Song (Cameroon) bị “treo giò” 3 trận vì đánh nguội Mario Mandzukic (Croatia).

Trước Suarez, lệnh cấm thi đấu dài nhất tại một kỳ World Cup là 8 trận, thuộc về Mauro Tassotti (Italia) vì hành vi đánh vỡ mũi Luis Enrique tại World Cup 1994.

Tại World Cup 2006, Zidane cũng bị FIFA treo giò 3 trận, phạt 6.000 USD sau hành vi húc vào ngực Materazzi trong trận chung kết.

Ở giải ngoại hạng Anh, nhiều ngôi sao cũng phải nhận án phạt nguội của Liên đoàn bóng đá nước này.

Ví như trường hợp tiền đạo Diego Costa (Chelsea) bị treo giò 3 trận vì có hành vi bạo lực với Laurent Koscielny (Arsenal) trong trận đấu giữa 2 đội ở vòng 6 giải ngoại hạng Anh 2015-2016.

Trận này, Chelsea thắng Arsenal 2-0 và trong trận đấu, do không quan sát thấy nên trọng tài đã không rút thẻ phạt Costa.

May mắn hơn các đồng nghiệp, giữa tháng 3 vừa qua, tiền vệ người Bỉ - Fellaini (Manchester United) đã thoát án phạt từ Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) sau khi có hành động thúc cùi chỏ vào mặt Emre Can (Liverpool) trong trận đấu giữa 2 đội ở lượt đi vòng 1/8 Europa League.

Về tình huống này, UEFA sau đó đã ra phán quyết Fellaini “trắng án” vì trong bản báo cáo sau trận đấu của các trọng tài không đề cập đến vụ việc này.

Trường hợp của Công Vinh, nếu trọng tài Peter Green viết trong bản báo cáo trận đấu rằng ông không quan sát rõ tình huống tiền đạo của B.Bình Dương đánh nguội với Saad Abdulamir nên chỉ đưa ra án phạt thẻ vàng hoặc phía Iraq lên tiếng cáo buộc, khi ấy FIFA hoàn toàn có thể “mổ băng”, và khi ấy, một án phạt nguội là điều dễ xảy ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại