Công Phượng "không có cửa" chơi bóng tại Pháp?

Lupo |

Học viện JMG đang xúc tiến mua lại Paris FC nhằm giới thiệu các tài năng trẻ. Nhưng cơ hội dành cho Công Phượng có thực sự rõ ràng?

Về lý thuyết, việc những cầu thủ được đào tạo cùng một triết lý được tập trung với nhau thi đấu ở Ligue 2 (hoặc Championnat National - hạng Ba của Pháp) rất hứa hẹn.

Tại đây, họ được phô diễn những kỹ năng tốt nhất của mình và có cơ hội lọt vào mắt những tuyển trạch viên từ khắp châu Âu.

Nhưng nếu xét trên thực tế, mọi thứ chẳng hề như là mơ. Trong quá khứ, Học viện JMG đã từng "đứt gánh giữa đường" khi thực hiện một kế hoạch tương tự.

Đầu thập niên 2000, Jean-Marc Guillou được bổ nhiệm làm GĐKT CLB KSK Beveren của Bỉ. Ông được toàn quyền quyết định về vấn đề nhân sự của đội bóng này.

Ông Jean-Marc Guillou từng lăn lộn nhiều nơi trước khi sáng lập JMG.
Ông Jean-Marc Guillou từng lăn lộn nhiều nơi trước khi sáng lập JMG.

Tận dụng thời cơ này, Jean-Marc Guillou đưa hàng loạt cầu thủ Bờ Biển Ngà vốn là sản phẩm của lò JMG đầu tiên vào đội hình.

Kế hoạch trên nhanh chóng đạt được những thành công. Rất nhiều tài năng trẻ từ châu Phi cập bến châu Âu và chẳng bao lâu sau đến với các CLB hàng đầu.

Yaya Toure từ KSK Beveren chuyển tới Metalurh Donetsk, Olympiakos, Monaco rồi Barcelona. Eboue lọt vào mắt xanh của Wenger và trở thành người Arsenal. Romaric đến Pháp vào năm 2005 và mất thêm 3 năm để cập bến Sevilla.

Bản thân KSK Beveren đạt được khá nhiều thành công tại đấu trường trong nước, lọt vào trận chung kết cúp quốc gia Bỉ và giành vé dự cúp UEFA.

Toure từng là học viên của Học viện JMG.
Toure từng là học viên của Học viện JMG.

Tuy nhiên, sự thăng tiến của đội bóng này tạo nên nỗi lo cho các nhà làm bóng đá bản địa. Chủ tịch CLB KRC Genk Jos Vaessen nói:

"Nếu tất cả các đội bóng đều tràn ngập cầu thủ từ châu Á và châu Phi như vậy, các tài năng trẻ của Bỉ sẽ không còn cơ hội phát triển".

Năm 2006, trong trào lưu tăng cường chất Bỉ trong CLB nội địa, KSK Beveren đã sa thải một số cầu thủ từ lò JMG. Jean-Marc Guillou rời đội bóng ngay sau đó, mối liên hệ giữa 2 bên tan vỡ.

KSK Beveren rơi vào khủng hoảng tài chính, xuống hạng và cuối cùng phải sát nhập với một đội bóng khác trong sự nuối tiếc của CĐV.

Tầm ảnh hưởng của lò JMG Bờ Biển Ngà cũng dần kém đi. Từ sau đó, họ không còn xuất xưởng được các tài năng khác nữa. Điều đó chứng tỏ chất lượng đào tạo dường như chưa theo kịp được xu thế.

Lần này, Học viện JMG "chơi sang" hơn, mua hẳn một đội bóng. Song, họ hoàn toàn có thể bị hạn chế bởi luật của LĐBĐ Pháp.

Theo quy định, mỗi CLB của Pháp được đăng ký 5 cầu thủ không thuộc EU trong đội hình. Công Phượng hay Tuấn Anh nếu tới Paris FC sẽ thuộc diện này.

Thật khó để cạnh tranh khi lò JMG còn rất nhiều chi nhánh ở những nơi mà cầu thủ vượt trội về thể lực như Algeria, Ghana.

Cơ hội cho Công Phượng rất nhỏ.
Cơ hội cho Công Phượng rất nhỏ.

Quá nhiều trở ngại ngăn Công Phượng trên con đường tới nước Pháp. Có lẽ việc tốt nhất bây giờ với Phượng là tập trung vào rèn luyện, thi đấu để tìm chỗ đứng tại Mito Hollyhock.

J-League 2 là giải đấu chất lượng, Kagawa cũng từ đây mà trưởng thành. Công Phượng đang ở trong môi trường rất tốt, chưa cần vội vã mơ về các miền đất xa xôi, nơi cơ hội chẳng biết có hay không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại