Vài năm qua, mỗi tin tức về Công Phượng luôn khiến dư luận dậy sóng. Điều đó có được là do những thành tích lẫy lừng của cầu thủ này.
Như một điều hiển nhiên trong cuộc sống, người ta chẳng bao giờ thích những gì quá rập khuôn, mô típ. Công Phượng là hiện thân cho những gì mới mẻ, không mô típ đó.
Anh luôn thể hiện những điều khác người, phiêu lưu một chút, nhưng nếu đạt được thì sẽ đem đến sự hứng khởi lớn lao.
Ví như cái cách anh thực hiện cú đá phạt đền bằng panelka vào lưới U19 Nhật Bản năm 2014, Phượng ấn tượng, “khua chiêng gõ trống” đi vào lòng người mỗi CĐV Việt Nam như vậy.
Công Phượng và cú sút panelka năm 2014.
Hôm qua, người ta lại thấy tin tức anh có thể được sang Pháp chơi bóng, đến một nền bóng đá tiên tiến, phát triển hơn Việt Nam nhiều lần, thậm chí chênh lệch với Nhật Bản cũng khá đáng kể, đó là một tin vui.
Không chỉ với cá nhân Công Phượng, điều chưa hề được chắc chắn đó cũng khiến NHM xôn xao. Nó nhẹ nhàng làm lu mờ luôn điều đáng lẽ “nóng” nhất trong hôm qua: ĐT Việt Nam đá trận tiếp theo gặp Iraq.
Ấy thế mà, dạo qua vài trang mạng, đọc những dòng bình luận của CĐV bóng Việt, người ta lại thấy buồn nhiều hơn.
“Chẳng biết anh ta sang đó đá sân cỏ nhân tạo hay đá giải làng giải xã”, “Công Phượng đá ở Nhật đã bở hơi rồi sang Pháp để mà mài đũng quần” rồi thì “Sẽ bị đào thải chỉ trong vòng một nốt nhạc thôi”.
Khán giả Việt Nam à, sao lại phũ phàng đến vậy nhỉ?
Công Phượng vẫn chăm chỉ tại Nhật Bản.
Có lẽ, khi đọc thông tin này, bất kể một người quan tâm đến Công Phượng nào cũng nghĩ đó là điều đáng mừng.
Kể cả vị HLV đáng kính luôn mạnh miệng với từng phát ngôn – Lê Thụy Hải cũng nhận định: "Nếu Phượng đi là điều rất tốt, được thi đấu, cọ xát, được chơi thì tội gì không đi".
Theo thông tin từ Mito Hollyhock thì có thể từ đầu tháng 4 này, Công Phượng sẽ được ra sân cho trận đấu đầu tiên tại J-League 2.
Bất cứ một cơ hội nào cũng mang đến những thử thách, nhưng nếu cầu thủ không đối đầu với các thử thách, họ sẽ có được gì?
NHM luôn được gọi là “cầu thủ số 12”, là những người kề vai, sát cánh, đồng hành cùng cầu thủ, tại sao lại nỡ buông lời phũ phàng đến vậy khi cơ hội đối đầu với thử thách lớn hơn?
Hãy nhìn đến sự cố gắng của Công Phượng, nghĩ đến từng bước chạy mướt mồ hôi của anh trên sân tập cùng những dòng chia sẻ trên Instagram:
“Tập mà chú về chú lết lên cầu thang không nổi luôn. Bước lên cầu thang là cứ phải lấy tay nhấc lên mà chiều vẫn phải lo tập. Quân bên này chạy không biết mệt”.
Cầu thủ người ta đang cố gắng đến vậy, cớ sao những CĐV – những người được quyền lựa chọn đặt niềm tin lại không đồng tình? Sang Pháp được, sẽ tạo nên những tiền đề cho bóng đá Việt. Chẳng nhẽ NHM đang hô hào sự phát triển lại nỡ vùi dập điều đầu tiên ấy?
Đừng cố vùi dập ước mơ của Công Phượng. Ảnh: Zing.vn.
Còn nhớ, trước khi sang Nhật, Phượng chia sẻ rằng: “Tôi mơ ước có thể ra nước ngoài chơi bóng. Đến Nhật Bản đã là một giấc mơ nhưng tôi còn mơ xa hơn thế, đó là được đến châu Âu thi đấu.
Tôi tự nhủ rằng, nếu đến Mito Hollyhock, tôi sẽ phải tập luyện chăm chỉ hơn nữa, lao động nhiều hơn nữa để biến giấc mơ thành hiện thực”.
Chẳng có ai đánh thuế ước mơ, không có ước mơ thì chẳng thể nào dám hành động. CĐV bóng đá Việt đừng cố xịt nước dập tắt điều đó. Hãy cứ đứng đằng sau ủng hộ, để rồi xem Phượng sẽ làm được gì?
Pha cản phá đẳng cấp của Công Phượng