Consadole Sapporo đề nghị Công Vinh tiếp tục ở lại. Nhưng không được tiền đạo Việt Nam đồng ý. Đó là thông tin đầu tiên được truyền thông Việt Nam phát đi. Nhưng thật ra, cần nhớ rằng quyền quyết định trong trường hợp này không hề thuộc về Vinh, mà nó thuộc về SLNA. Bởi CLB xứ Nghệ vẫn còn ràng buộc hợp đồng 1 năm với Công Vinh. Vì thế, Vinh đồng ý hay không đồng ý cũng không phải là nút thắt của vấn đề. Nếu muốn sở hữu Vinh một cách chính thức, không có cách nào khác Consadole Sapporo phải chấp nhận trả phí chuyển nhượng cho SLNA.
Ở diễn biến tiếp theo, một lần nữa báo giới trong nước lại đưa tin rầm rộ rằng Consadole Sapporo đề nghị trả cho SLNA 5 tỷ đồng để mua lại 1 năm hợp đồng của Công Vinh, nhưng không được CLB Việt Nam đồng ý. Nếu điều này là sự thật thì nó cho thấy Consadole Sapporo thực sự rất coi trọng Công Vinh (dù chưa rõ là về chuyên môn hay kinh tế). Nhưng có một điều đáng ngạc nhiên là ngoài Việt Nam thì không thể tìm thấy một hãng thông tấn nước ngoài nào đề cập đến vụ chuyển nhượng này (bằng tiếng Anh). Phải chăng đó là một vụ quăng bom? Mọi nghi vấn đã được làm rõ khi GĐĐH CLB SLNA Hồ Văn Chiêm thành thật tâm sự với báo giới rằng Consadole Sapporo đưa ra mức giá quá bèo bọt (chỉ khoảng 50.000, 60.000 US D).
Giống vụ Thủy Tiên, Công Vinh thêm một lần nữa bị nghi ngờ PR bản thân bằng Sapporo
Thế là rõ, con số 5 tỷ đồng không hề có thật. Còn tại sao nó xuất hiện thì có lẽ chỉ những người trong cuộc biết. Nhưng chắc chắn báo giới không thể đồng loạt cùng tự nghĩ ra cái giá ấy. Không ai có thể phủ nhận, những nỗ lực của Vinh ở Nhật là rất đáng ghi nhận. Nhưng chỉ 2 lần đá chính cùng 2 bàn thắng (1 từ chấm phạt đền) tại ở J-League 2 (tính đến lúc này) rõ ràng chưa đủ để biến anh thành một nhân tố quan trọng trong đội hình của CLB Nhật. Vinh cũng như bóng đá Việt Nam vẫn còn cả chặng đường dài phía trước để đi, để thoát ra khỏi vùng trũng, chứ giờ chưa phải là lúc để tung hô theo kiểu tự huyễn hoặc mình.
Consadole Sapporo muốn giữ Công Vinh đơn giản vì khi tính toán các lợi ích về kinh tế với mức lương bèo bọt 10 nghìn USD/tháng (so với môi trường Nhật Bản) thì đội bóng này vẫn thu lợi. Có thể thấy sức hút của Vinh với cộng đồng người Việt ở Nhật cũng như từ sự hiếu kì của người dân Nhật (cầu thủ Việt Nam đầu tiên chơi bóng ở đất nước này) là rất lớn. Chỉ có điều, con số lợi nhuận mà Consadole Sapporo thu lại từ sức hút ấy cũng không đủ lớn để có thể gánh thêm phí chuyển nhượng hàng trăm nghìn USD. Mức giá mà Consadole Sapporo gửi đến SLNA phản ánh rõ giá trị thật của Công Vinh dưới con mắt của CLB Nhật Bản.
Không ai lạ lẫm với những màn quăng bom trong showbiz Việt Nam. Nào là cát sê cả chục nghìn US D, hẹn ăn tối vài chục nghìn US D, siêu xe, biệt thự…Người ta “nổ” bất cứ cái gì có thể để PR cho bản thân. Nhưng xin nhớ rằng bóng đá thì khác. Dù có ảo đến đâu thì nó cũng chỉ có 1 sự thật qua những gì diễn ra trên sân cỏ!