Khi một cầu thủ bất kỳ dính vào gian lận tuổi, việc án phạt được đưa ra là điều không thể tránh khỏi. Chẳng nói đâu xa, chính LĐBĐ Việt Nam (VFF) từng xử rất mạnh tay với những cầu thủ và đội bóng khai man tuổi.
Cụ thể, VFF đã tước một loạt danh hiệu của các đội U11 Nghệ An (vô địch giải nhi đồng 2001, 2002); U13 Nghệ An (vô địch giải thiếu niên 2003); U15 Nghệ An (đoạt đồng giải ba 2003). Các đội này còn phải nộp phạt 20 triệu đồng, và cấm thi đấu 2 năm.
Khoản 2, điều 52: Giả mạo và làm sai lệch hồ sơ, Quy định về kỷ luật của VFF nêu rõ, cầu thủ khai man tuổi dưới mọi hình thức, án phạt dành cho cầu thủ này sẽ là từ 1 đến 5 năm không được chơi bóng ở bất cứ giải đấu nào.
Trưởng đoàn, huấn luyện viên cũng sẽ bị cấm hành nghề từ 1 đến 5 năm và đội bóng có cầu thủ bị gian lận về tuổi cũng sẽ phải nộp phạt khoản tiền từ 25 đến 50 triệu đồng. CLB, đội bóng chịu trách nhiệm chi trả các chi phí phát sinh trong quá trình điều tra gian lận.
Ngoài ra, LĐBĐ Việt Nam sẽ kiến nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có hình thức xử lý thích đáng đối với người ký xác nhận văn bản, tài liệu để đăng ký danh sách cầu thủ của đội bóng.
Tuy nhiên, câu chuyện sẽ không dừng lại ở đó. Vì nếu cầu thủ gian lận tuổi đại diện cho quốc gia thi đấu ở các giải đấu khu vực và quốc tế, LĐBĐ Việt Nam cũng sẽ phải chịu trách nhiệm với LĐBĐ Đông Nam Á (AFF), LĐBĐ châu Á (AFC) hay cao hơn là LĐBĐ thế giới (FIFA).
Nếu trường hợp cầu thủ bị phát hiện ngay trong khi tham dự giải, đội bóng sẽ bị loại ngay lập tức. Còn nếu gian lận được phát hiện sau giải đấu, sẽ có những án phạt nguội thích đáng. Nigeria ở Thế vận hội năm 1988 là một ví dụ điển hình.
Ở Thế vận hội cách đây 24 năm, có tới 3 cầu thủ Nigeria bị phát hiện ngày sinh khác hoàn toàn so với những giải đấu khác họ tham dự. Sau đó, FIFA đã quyết định cấm ĐTQG Nigeria tham dự tất cả các giải đấu quốc tế ở mọi cấp độ trong 2 năm.