Trong “Chiến lược phát triển bóng dá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được phê duyệt, có nêu rõ mục tiêu đối với bóng đá nam, nữ. Những điểm chính cụ thể như sau:
Giai đoạn 2012-2020: “Đội tuyển quốc gia nam và U23 nam đoạt chức vô địch Đông Nam Á hoặc SEA Games từ 1-2 lần; bóng đá nam đứng trong nhóm 15 quốc gia có nền bóng đá hàng đầu châu Á; bóng đá nữ đứng trong nhóm 6 quốc gia mạnh khu vực châu Á”…
Giai đoạn 2021-2030: “Bóng đá nam đứng trong tốp 10 quốc gia có trình độ bóng đá hàng đầu ở khu vực châu Á. Bóng đá nữ đứng trong nhóm 6 quốc gia hàng đầu khu vực châu Á”…
Điểm cần lưu ý là theo bảng xếp hạng FIFA tháng 3.2013, đội tuyển nam Việt Nam đang đứng thứ 16 châu Á, sau Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Iran, Uzbekistan, Jordan, Iraq, Qatar, U.A.E, CHDCND Triều Tiên, Oman, Saudi Arabia, Trung Quốc, Kuwait, Bahrain.
Còn đội tuyển nữ Việt Nam đang đứng thứ 7 châu Á, xếp sau Nhật Bản, Australia, CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan.
Vậy thì phải chăng mục tiêu nói trên là rất khả thi, đặc biệt khi phía trước bóng đá Việt vẫn còn tới 17 năm nữa để phấn đấu?
Trao đổi với Dân Việt sáng 14.3 về mục tiêu tốp 10 châu Á của bóng đá nam, chuyên gia lão làng Lê Thụy Hải bày tỏ: “Bảng xếp hạng của FIFA chỉ có ý nghĩa tương đối, và không thể chỉ căn cứ vào đó để đánh giá sức mạnh của đội tuyển.
Tôi cho rằng, với mức đầu tư như hiện nay, sẽ rất khó, thậm chí là không thể lọt tốp 10 châu Á. Cần nhớ, chúng ta tiến thì các nước khác cũng tiến, thậm chí tiến nhanh hơn nhờ được đầu tư tốt hơn. Điều đầu tiên, tuyển Việt Nam cần vượt qua vòng loại để có mặt tại vòng chung kết giải vô địch châu Á. Khi đó, mới có cơ sở để nhận định chúng ta đang đứng ở đâu”.
Thực tế, cách đây gần 6 năm, sau khi cùng đội tuyển Việt Nam đặt mốc son lọt tới tứ kết Asian Cup 2007, HLV A.Riedl khi đó từng nói: “Bóng đá Việt có thể lọt vào top 10 châu lục, nhưng với điều kiện là chúng ta phải thắng đi thắng lại các đội bóng như U.A.E vài lượt trận, và nhân lên các cú sốc kiểu như đánh bại Hàn Quốc 1-0 ở vòng loại Asian Cup 2004”.
Lúc này, bóng đá Việt vẫn chưa thể khẳng định vị trí số 1 trong khu vực Đông Nam Á như cách Thái Lan từng làm được trước đây. Ấy vậy mà chính bóng đá xứ chùa vàng đã bao giờ lọt vào tốp 10 châu Á, thậm chí lúc này họ còn đang xếp sau Việt Nam trên bảng xếp hạng FIFA (?!).
“Tôi nghĩ, mục tiêu tốp 10 mà những người làm bóng đá Việt đưa ra ấy chỉ như một “khái niệm trừu tượng”, như bao năm qua, chúng ta vẫn đưa ra những chiến lược, đề án nhưng đâu có thực hiện thành công.
Ngay cả cái mục tiêu đến năm 2020 có 4.000 cầu thủ (tăng lên 6.000 vào năm 2030) trong lứa U11 đến U18 đào tạo tập trung, cũng không khả thi. Tôi thử hỏi, ở Việt Nam hiện nay có bao nhiêu sân lớn để cho các tuyến trẻ tập luyện.
Khi có hàng nghìn VĐV trẻ ăn, ở tập trung thì phải có sân bãi đáp ứng đủ cho các cháu tập luyện chứ. Khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng đủ, chưa thống kê nổi cụ thể có bao nhiêu sân, thì con số đó cũng rất hão huyền”, ông Hải nói thêm.
Về số lượng CLB phong trào đạt tối thiểu 7.500 CLB trong năm 2020 (tăng lên trên 12.000 vào năm 2030), theo ông Hải cũng khá hài hước: “Tôi có những năm tháng làm việc ở Bình Dương – nơi phát triển bóng đá phong trào rất mạnh. Vậy mà giải phong trào của họ chỉ có khoảng trên 100 CLB tham dự, chất lượng thì không có gì đáng kể. Vậy thì thử hỏi con số nói trên có trở thành hiện thực được không?”.
Chia sẻ với suy nghĩ của ông Lê Thụy Hải, chuyên gia Lê Thế Thọ nói thẳng: “Tất cả đều biết bóng đá Việt hiện nay đang ở đâu, và tôi nghĩ khoảng thời gian 17 năm được đặt ra chỉ mang ý nghĩa… đủ dài, để khi thực hiện không cảm thấy… e ngại.
Điều quan trọng nhất không phải là thời gian bao lâu, mà là khi đặt ra chỉ tiêu như vậy, chúng ta đã có gì (cơ sở vật chất, con người...), có quyết liệt bắt tay vào tìm kiếm kinh phí, thực hiện ngay hay không, hay chỉ nói rồi để đó. Cũng giống như muốn xây một cái biệt thự, thì phải chuẩn bị ngay từ những viên gạch đầu tiên, chứ không thể cứ phác họa xong rồi để đó, thì không bao giờ hoàn thành được”.