Bóng đá Việt Nam: Thật giả lẫn lộn

Theo CAND |

Từ một trận đấu cụ thể của bóng đá Việt Nam ở Cúp QG, ở Siêu Cúp QG, hay V.League cho đến những trận đánh hậu trường khác nổi tiếng là cam go phức tạp, thật khó phân biệt xem đâu là trận thật, đâu là trận giả.

1. Hơn một lãnh đội HN.T&T tỏ ra bực mình với pha “bóng đá – bóng chuyền” của thủ thành Dương Hồng Sơn trong trận đấu với Kiên Giang tại vòng 1/8 Cúp QG. Pha bóng mà Hồng Sơn đã mắc lỗi ngớ ngẩn, giúp Kiên Giang gỡ hoà, và khiến trận đấu phải phân định thắng thua trên chấm 11m.

Người ta bảo trong lịch sử khoác áo Sông Lam Nghệ An, HN.T&T và kể cả ĐTVN, Dương Hồng Sơn thi thoảng lại thể hiện những pha “bóng đá – bóng chuyền” như thế, nên thật khó nói xem đó là sản phẩm của một lỗi lầm chuyên môn, một sự rối loạn tâm lý, hay một lý do tế nhị, phi chuyên môn nào khác?

Nghe đâu lãnh đội HN.T&T không vội vàng quy kết Hồng Sơn sai chuyên môn hay sai tư tưởng, nhưng đã có những chỉ lệnh về việc toàn đội phải rút kinh nghiệm nghiêm túc, và phải hạn chế tới mức tối đa những pha bóng không thể tin nổi như thế này. Những pha bóng mà với nó, nhiều lãnh đội “chết đứng” trên ghế VIP, còn người hâm mộ thì hoang mang không biết mình đang xem trận thật hay trận giả.

Ở vào một bối cảnh mà những trận đấu nổi tiếng là tẻ nhạt và chẳng mấy người quan tâm của Cúp QG đã bất ngờ được đưa lên… sàn quốc tế, thì sự hoang mang càng có lý do phát tác. Đúng, sai chưa biết thế nào, nhưng rõ ràng là khi sự hoang mang càng tăng cao, số lượng các fan hâm mộ tới SVĐ càng giảm sút.


	Dương Hồng Sơn (phải) bị “soi” nhiều sau vòng 1/8 Cúp QG. Ảnh: Quang Minh

Dương Hồng Sơn (phải) bị “soi” nhiều sau vòng 1/8 Cúp QG. Ảnh: Quang Minh

Và nếu nhìn vào lời kêu gọi mới đây của chuyên gia Nhật Bản Tanabe – trợ lý đặc biệt cho Chủ tịch VPF, rằng: “BĐVN chỉ thực sự sống được khi thực sự kéo được người hâm mộ tới sân” thì đủ hiểu những trận đấu kiểu trận thật – trận giả đang “giết” niềm tin của người hâm mộ, và “giết” sức sống của nền bóng đá tới mức độ nào.

2. Vẫn liên quan tới chuyện “đánh trận”, nhưng không phải là “đánh trận” trên sân, mà là “đánh trận” quanh chiếc ghế chủ tịch VFF nhiệm kỳ VII, thời gian gần đây lại có những thông tin bất ngờ được “xì” cho báo chí theo kiểu ông chủ doanh nghiệp này, ông chủ tập đoàn kia xin… tự ra ứng cử.

Chuyện mấy vị này có ứng cử thật không, và ngay cả khi đã ứng cử thì có tự tin vào khả năng “trúng cử” của mình hay không hãy cứ hậu xét. Nhưng có điều không khó nhận ra: Chỉ với việc xuất hiện trong danh sách ứng cử thôi, tên tuổi họ và tên tuổi doanh nghiệp họ đang trở thành cái tên nóng trên nhiều trang báo.

Điều đáng nói ở chỗ, trong số những cái tên nóng bỏng ấy, có những cái tên mà thời gian qua phải đối diện với những lực cản lớn trong vấn đề phát triển. Vậy thì phải chăng việc ứng cử vào ghế Chủ tịch VFF (mới chỉ là ứng cử thôi nhé) sẽ giúp những nhân vật này cùng lúc gỡ được nhiều nút thắt?

Như Báo CAND đã hơn một lần đề cập, trong danh sách đề cử vào ghế Chủ tịch VFF kỳ này, có những cái tên rất cũ như các ông PCT VFF Lê Hùng Dũng, Phạm Văn Tuấn, cựu TTK VFF Trần Quốc Tuấn hay những cái tên rất nổi, như các ông bầu Đoàn Nguyên Đức, Đỗ Quang Hiển… Và người thạo việc đánh giá, sự xuất hiện cùng lúc của nhiều cái tên có thể chỉ giúp một cuộc chạy đua trở nên lớp lang, bóng bẩy hơn, chứ cũng giống như phần lớn các cuộc bầu bán trước đây, khả năng thắng cuộc sau cùng vẫn thuộc về người của Tổng cục nhiều hơn cả.

Hiểu rõ điều ấy, nhưng nhiều người vẫn thích đưa tên mình vào danh sách ứng cử theo kiểu “đánh trận giả” để đạt được mục đích nào đó, ít ra là về mặt quảng bá thương hiệu cá nhân, hay thương hiệu doanh nghiệp?

3. Nhìn chung, từ một trận đấu cụ thể trong bóng đá Việt Nam ở Cúp QG, ở Siêu Cúp QG, hay V.League cho đến những trận đánh hậu trường khác nổi tiếng là cam go phức tạp, thật khó phân biệt xem đâu là trận thật, đâu là trận giả.

Nhưng phải khó phân biệt, phải hư hư - thực thực như vậy thì mới là bóng đá Việt Nam?

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại