Tại Nam Mỹ có rất nhiều trò mê tín lạ lùng, điển hình như câu chuyện liên quan tới con số 7 tại Brazil dưới đây.
Ngày 29/4/2001, Botafogo thua Vasco da Gama 0-7. Tỷ số nặng nề này chẳng có gì đáng nói nếu báo chí không phát hiện ra rằng trước đó đúng 7 năm, Botafogo cũng thua một trận để đối thủ sút thủng lưới 7 lần.
Kỳ lạ hơn, trận đấu ấy cũng diễn ra vào ngày 29/4. Trong cả 2 trận thua đáng nhớ kể trên, cầu thủ ghi bàn thứ 7 vào lưới Botafogo cùng đeo áo số 7. Người ta nhẩm tính: lọt lưới bàn thứ 7 do cầu thủ số 7 ghi vào ngày 29, mà 9 trừ đi 2 tức cũng bằng 7!
Botafogo quay cuồng vì con số 7
7 là con số huyền bí trong bóng đá Brazil. HLV Dé của Botafogo giải thích: “Số 7 được Thượng đế chọn. Theo Kinh Thánh thì Chúa tạo ra thế giới chỉ trong 7 ngày, nếu Chúa muốn chúng ta trải qua đau khổ vì số 7 thì người sẽ trả lại chúng ta những điều kỳ diệu khác trong tương lai”.
Chủ tịch của Botafogo vào thập kỷ 40 và 50 là Rocha cũng tin vào điều đó nên số 7 không bị cấm kỵ, trái lại còn là con số được yêu thích tại Botafogo và trong cuộc sống riêng của Rocha (mua cái gì cũng 7 phần, có 7 căn nhà, nuôi 7 con mèo…).
Một cầu thủ Paraguay từng từ chối tiến vào vòng tròn giữa sân lúc chuẩn bị giao bóng vì nghe thầy bói phán rằng sẽ bị gãy chân.
Nạn cuồng số 7 cũng lan sang cả Argentina và Chile. Tuy nhiên ở 2 quốc gia này, có một đặc thù mê tín riêng: Không thay đổi điều gì đang mang lại may mắn. Con số 7, vì thế, đã kết hợp với thói quen của người Argentina và Chile một cách khó đỡ.
Ở xứ Tango, một ông chủ CLB bóng đá sở hữu tới 7 chiếc xe bóng bẩy đắt tiền. Tuy nhiên nếu 1 chiếc xe nào đó được dùng chở ông chủ tới SVĐ vào ngày CLB chiến thắng, nó sẽ được dùng mãi cho tới khi đội bóng… hết thắng. Khi đó, 6 chiếc còn lại mới mong được ra khỏi gara…
Những cầu thủ Chile thì đánh răng tới… 7 lần/ngày (tắm 4 lần/ngày). Chăm chỉ vệ sinh cá nhân đến thế nhưng giới túc cầu Chile lại rất “bẩn” trong khoản quần áo. Các cầu thủ sẵn sàng dùng đi dùng lại một bộ quần áo, từ đời thường đến áo tập, áo đấu và cả đồ lót nếu nhận thấy những bộ trang phục đó đang mang lại may mắn. Khi may mắn đi qua, các cầu thủ Chile sẽ tìm một bộ trang phục khác mang đến may mắn và lại… không thay.
Maca được CLB Cienciano coi như 1 thánh dược
Maca là rễ của một loại cây do người Inca trồng có hình thù xấu xí và thối. Tuy nhiên loại rễ này chứa nhiều photpho, canxi, sắt, protein và muối khoáng… tốt cho các VĐV. Các cầu thủ Cienciano được ăn loại rễ này 3 lần/ngày với lượng 1.5 gram.
Tại Peru, vấn đề mê tín lại đi thẳng vào… dạ dày. Các cầu thủ CLB Cienciano (đội bóng có SVĐ thậm chí không đủ tiêu chuẩn tổ chức các trận quốc tế) tin rằng loại thuốc cổ maca có tác dụng tăng cường sinh lực nên thường xuyên sử dụng trước mỗi trận đấu dù rất... thối. Kết quả là gì? Cienciano bất ngờ vô địch Copa Sudamericana 2003 (hạ River Plate trong trận chung kết) và Siêu Cúp Nam Mỹ năm 2004. Với tín hiệu khả quan đó, kết hợp việc maca không phải chất cấm, các cầu thủ Cienciano vẫn đang và sẽ tiếp tục uống loại thuốc này dài dài!
Tựu chung, những trò mê tín ở Nam Mỹ vẫn chưa đi quá giới hạn cho phép. Thiết nghĩ mọi việc cũng nên quản lý để chỉ dừng lại tại đó. Còn trong bóng đá nói riêng và thể thao nói chung, yếu tố con người và tinh thần tập thể vẫn luôn là điều quan trọng nhất, quyết định thành công hay thất bại của một CLB/đội tuyển.