- Bóng đá Đức có được thành công như bây giờ đến từ việc họ mạnh dạn trẻ hóa. Chúng ta giờ đây cũng đang có trào lưu trẻ hóa như vậy ở V.League. Liệu điều này sẽ giúp bóng đá Việt Nam đạt được thành công trong tương lai gần?
- Tôi phải nói thế này, bóng đá Đức họ trẻ hóa một cách có hệ thống kể từ sau World Cup 2002. Họ xây dựng một cách bài bản và đồng đều cả về mặt tư duy và triết lý bóng đá.
Sự thay đổi rõ rệt trong triết lý bóng đá mà họ xây dựng đó là không còn hình ảnh cỗ xe tăng đã thành thương hiệu. Vì sao lại vậy? Bởi vì có nhiều cầu thủ nhập cư hơn, điều đó khiến họ phải thay đổi triết lý sao cho phù hợp.
Tức là, tư duy và triết lý của họ thay đổi để có một lứa cầu thủ tài năng đồng đều phù hợp với bóng đá hiện đại và phù hợp con người và môi trường xã hội của Đức hiện tại.
Còn ở Việt Nam, tôi cho rằng phải đến khi xuất hiện lứa cầu thủ của U19 thì người ta mới bắt đầu nhận ra, à thì SLNA cũng có đào tạo trẻ, Hà Nội T&T cũng có đào tạo trẻ, Viettel cũng có đào tạo trẻ.
Trong khi trước đó, chúng ta dường như bỏ quên hoặc xem đó là điều bình thường.
Nhà báo Vũ Công Lập mến mộ Công Phượng cũng như các cầu thủ HAGL và tin các em sẽ đủ bản lĩnh để đối đầu với áp lực từ dư luận.
- Tức là chính lứa cầu thủ U19 Việt Nam mà cụ thể học viện HAGL đã tạo nên cảm hứng cho cả nền bóng đá?
-Đúng vậy. Các bạn hãy nhìn sân Mỹ Đình, sân Thống Nhất, sân Cần Thơ... lượng khán giả đến sân đông như thế cho thấy các cầu thủ tạo nên niềm cảm hứng cho người hâm mộ.
Họ có cơ sở để đặt niềm tin và hy vọng. Sự xuất hiện của U19 đã thay đổi nhiều về tư duy bóng đá ở Việt Nam, và đó là điều chúng ta phải công nhận.
Tuy nhiên, tôi cũng phải nói rằng, các em vẫn mới ở điểm xuất phát, chưa qua thử thách và cần thời gian để kiểm chứng.
Tình yêu dành cho các em là đúng đắn, nhưng yêu như thế nào để các em có cơ hội tiếp tục phát triển một cách tự nhiên mới là điều quan trọng. Đừng quá nâng cao các em khi các em còn chưa thể đứng vững vàng.
- Liệu việc quá nổi tiếng cũng sẽ khiến các tài năng trẻ này bị ảnh hưởng, điển hình như trường hợp của Công Phương khi cậu ấy luôn bị soi rất kỹ?
- Tôi cho rằng, bóng đá là môn thể thao có hàng triệu người theo dõi. Bất kỳ cầu thủ nào khi bước vào nghề này thì phải hiểu đây là nghề của công chúng.
Họ phải làm quen và đối mặt với điều đó hàng ngày. Muốn được như vậy, thì lãnh đạo CLB, HLV phải trang bị cho các cầu thủ những kỹ năng làm hành trang để đối mặt với sự nổi tiếng từ khi còn trẻ.
Công Phượng cũng như vậy, khi cậu ấy được chú ý, thì đương nhiên sẽ có nhiều người yêu và cũng lắm kẻ ghét. Phượng phải tập làm quen với điều đó.
Chỉ có điều, hơi bất thường là một cầu thủ 20 tuổi đang cần được thử thách lại bị mọi người nâng lên quá cao.
- Phải chăng, chính việc nâng quá cao Công Phượng cũng như một số cầu thủ của HAGL đã dẫn đến những lời bàn tán về việc Công Phượng bị cô lập ở đội tuyển Olympic Việt Nam, trong khi mọi chuyện không đến nỗi như vậy?
- Tôi rất yêu Công Phượng cũng như các cầu thủ của U19. Các em ấy đá bóng hay, đẹp và có cách cư xử cũng rất văn hóa.
Nhiều người cũng yêu các em ấy như thế. Nhưng chúng ta cần phải tỉnh táo để thấy rằng, các em ấy mới chỉ ở vạch xuất phát, cần phải thử thách, trui rèn nhiều hơn nữa.
Phải có đánh giá chính xác và nhìn nhận các em ấy hiện nay chưa đạt được gì cả, phải để cho các em ấy chứng minh và thể hiện.
Nhưng sự đề cao không đúng đã khiến dư luận, truyền thông vô tình và có thể là cố tình tách biệt các em ấy ra khỏi tập thể.
Từ V.League cho đến khi lên đội tuyển, báo chí và người hâm mộ cứ phải nhìn nhận, bàn tán và so sánh họ với phần còn lại.
Tại sao khi các em ấy lên khoác áo ở tuyển Olympic rồi mà báo chí, truyền thông và dư luận cứ vẫn gắn mác U19 với HAGL làm gì.
Mấy bữa nay, tôi đọc báo thấy bảo Công Phượng bị cô lập, rồi cầu thủ của HAGL không hòa nhập cùng các cầu thủ khác.
Trong khi, người trong cuộc chẳng thấy ai nói gì cả. Đấy là do chính chúng ta tự tách biệt và cô lập họ ra mà thôi.
Theo nhà báo Vũ Công Lập, Công Phượng cũng như các cầu thủ ngôi sao cần phải làm quen với sự nổi tiếng.
- Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng việc bầu Đức toàn bộ lứa cầu thủ của học viện lên đá V.League, khiến cho họ không bắt nhịp kịp bóng đá chuyên nghiệp.
Bây giờ, lại lên tuyển cũng khó hòa nhập với các cầu thủ đội khác khi vốn dĩ họ đá với nhau nhiều năm?
- Nhiều người cũng nói là các lò đào tạo trẻ trên thế giới cũng không đôn nhiều cầu thủ lên cùng lúc như vậy. Nhưng tôi không nghĩ như vậy.
Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào triết lý bóng đá của HLV. Như Barca chẳng hạn, họ đào tạo ra bộ khung gồm những trụ cột từ lò La Masia sau đó mua về những cầu thủ khác kết hợp sao cho phù hợp với triết lý bóng đá của họ.
Chỉ có HLV ở đội bóng, họ mới là người hiểu và biết cần làm những gì để đạt được cái tốt nhất. Nên chúng tôi không nên bàn về việc này.
Còn chuyện các cầu thủ lứa U19 lên tuyển, thì đấy chính là thử thách cho họ. Một trải nghiệm vô cùng quý báu với những Công Phượng, Tuấn Anh.
Từ trước đến giờ, họ mới chỉ biết đến triết lý bóng đá của Graechen, bây giờ họ sẽ được học hỏi thêm triết lý bóng đá của Miura.
Mà việc học được càng nhiều thì càng có ích, càng giúp họ trưởng thành hơn. Thế nên, chúng ta không cao quan điểm vấn đề, và đừng tách các em khỏi một tập thể.