Không phủ nhận sự thực về chuyện mâu thuẫn nội bộ và “quyền lực đen” trong các thế hệ cầu thủ ở ĐTQG trước đây.
Nhưng như câu thành ngữ “bát đũa cũng có lúc xô”, nên không thể đòi hỏi một tập thể gồm mấy chục con người lúc nào cũng phải nhất nhất như một.
Vả lại, nhìn cách mà ông Miura cho những trụ cột của đội tuyển Việt Nam như Công Vinh, Tấn Tài phải ngồi dự bị ở AFF Cup 2014 là có thể biết rằng dưới thời nhà cầm quân người Nhật Bản, bất cứ ai nảy sinh suy nghĩ chia bè lập phái sẽ đồng nghĩa với việc tự loại mình ra khỏi tập thể.
Trả lời phỏng vấn Thể thao & Văn hóa sau trận Olympic Việt Nam – Olympic Indonesia, chuyên gia Vũ Mạnh Hải nhận xét:
“Trận này Công Phượng quá đói bóng, các đồng đội chưa tin tưởng chuyền bóng cho Công Phượng, dù cầu thủ này nhiều lần ra hiệu xin bóng.
Tôi nghĩ và hy vọng đấy chỉ là do các cầu thủ chưa hiểu ý nhau, chứ không nằm ở vấn đề các đồng đội không ưa Công Phượng.
Trong hiệp 2, nếu Công Phượng có bóng nhiều hơn chắc chắn cầu thủ này sẽ tạo ra được sự khác biệt. Cầu thủ của HAGL cần một đối tác ăn ý, nhưng hàng công của Olympic Việt Nam chưa ai làm được điều này.
Theo tôi, nếu để Công Phượng ra sân cùng lúc với Tuấn Anh, Tuấn Anh làm chân chuyền cho Công Phượng độ hiệu quả của Olympic Việt Nam sẽ cao hơn.
Tất nhiên, đấy chỉ là ý kiến của cá nhân tôi, còn HLV Miura sẽ còn nhiều bài vở để giúp đội bóng, và từng cá nhân cầu thủ của chúng ta tiến bộ từng ngày”.