Biểu tượng: Anh ở đâu?

Trọng Lĩnh |

(Soha.vn) - Đi tìm một biểu tượng ở một đội bóng V-League giờ đây là một điều quá khó.

Thế giới bóng đá vẫn luôn có những biểu tượng, hoặc đơn giản, chỉ là một cầu thủ mà khi nói tới đội bóng đó, thì người ta nghĩ đến cầu thủ đó, bởi những đóng góp của cầu thủ này.

Maldini cống hiến cả sự nghiệp cho AC Milan, hay Ryan Giggs vẫn miệt mài với những bước chạy trong màu áo Man United dù tuổi đã tứ tuần. Trong những bước thăng trầm, trong thành công của đội bóng, có dấu ấn lớn lao của cầu thủ, trong trái tim của CĐV, luôn có hình bóng của cầu thủ được coi là “biểu tượng”. 

Biểu tượng – đó là tình yêu, là sự trung thành, là những cống hiến to lớn, là cái gì đó đẹp và ý nghĩa trong bóng đá.

Bóng đá Việt Nam cũng từng có những biểu tượng ấy, Minh Hiếu với Công an Hà Nội, Huỳnh Đức với CA TP Hồ Chí Minh, hay Hồng Sơn với Thể Công, tất cả những gương mặt đó, những đội bóng đó, giờ đây chỉ còn là kí ức một thời.

Bóng đá V-League, bóng đá Việt thời chuyên nghiệp, nói đến một đội bóng, người ta nhắc nhiều hơn đến những ông bầu, những người bỏ tiền ra làm bóng đá. Bóng đá Việt, ngay đến cái tên đội bóng, còn có thể thay đổi liên xoành xoạch theo mỗi mùa bóng, mỗi nửa mùa bóng, lắm lúc chỉ giống như một thứ công cụ để PR cho doanh nghiệp của ông bầu, thì thử hỏi, tìm đâu ra biểu tượng.

Một cầu thủ biểu tượng, ngoài tư chất thủ lĩnh, ngoài sự cống hiến, sự tỏa sáng cá nhân, thì với bóng đá Việt Nam, còn cần là cầu thủ người địa phương, trưởng thành từ bóng đá trẻ địa phương đó và dần tạo lập được tên tuổi.


	Tưởng như Huy Hoàng chỉ khoác áo SLNA trong suốt sự nghiệp, nhưng thủ lĩnh ở đội bong xứ Nghệ cũng đã chuyển xuống chơi ở hạng Nhất

Tưởng như Huy Hoàng chỉ khoác áo SLNA trong suốt sự nghiệp, nhưng thủ lĩnh ở đội bong xứ Nghệ cũng đã chuyển xuống chơi ở hạng Nhất

Huy Hoàng luôn là một thủ lĩnh ở SLNA, một thủ lĩnh đích thực trong phòng thay đồ, với lối chơi máu lửa và nhiệt huyết. Chục mùa đội bóng SLNA đá V-League, là trọn chục mùa bóng Huy Hoàng lăn xả trong màu áo của đội bóng xứ Nghệ. Cho dù có dính đến nghi án “say rượu trong xe”, sự tôn trọng dành cho Huy Hoàng không vì thế mà giảm sút. 

Những tưởng Huy Hoàng sẽ gắn bó trọn đời, cả sự nghiệp chỉ khoác áo SLNA, thì rồi người thủ lĩnh này cũng tạm rời đội bóng xứ Nghệ, xuống khoác áo đội bóng hạng Nhất Cần Thơ. Vẫn biết đó là điều bình thường trong bóng đá, Huy Hoàng ra đi là tốt cho cầu thủ này, khi không cạnh tranh được vị trí, nhưng sự ra đi này cũng gây ra sự hụt hẫng cho rất nhiều CĐV của đội bóng xứ Nghệ.

Trọng Hoàng được kì vọng trở thành một thần tượng ở sân Vinh, một biểu tượng mới ở đội bóng xứ Nghệ. Nhưng dường như, chính điều đó tạo áp lực vô hình nào đó lên Trọng Hoàng, và tiền vệ này vẫn chưa đáp ứng kì vọng đó, vẫn đang loay hoay, miệt mài trên con đường trở thành biểu tượng mới của sân Vinh, dù năng lực chuyên môn lẫn sự nhiệt huyết của Hoàng “Bò” thì không còn phải bàn cãi nhiều.

Vòng đấu vừa qua, trong cuộc đại chiến rực lửa ở sân Lạch Tray, XM V Hải Phòng đã có bàn thắng mở tỉ số trước. Rất nhiều điều để nói về bàn thắng này, bởi nó được ghi bởi Minh Châu. Có lẽ, đây là bàn thắng hiếm hoi trong sự nghiệp của Minh Châu, người vẫn được coi là công thần, là một biểu tượng về sự cống hiến ở đội bóng đất Cảng, dù Minh Châu là người gốc Quảng Ninh chứ không phải Hải Phòng.

Chinh chiến rất nhiều mùa bóng ở sân Lạch Tray, nhưng hầu như chưa bao giờ thấy Minh Châu ghi bàn. Mùa trước, HLV vốn phũ miệng Lê Thụy Hải từng chê Minh Châu trong một buổi tập: “Đúng là dân Quảng Ninh đá bóng”. Đá tiền vệ trụ, Minh Châu tranh chấp, thu hồi bóng rất tốt, nhưng rất ít khi sút xa và đó cũng không phải sở trường của cầu thủ này.

Một cú nã đạn tầm xa của Minh Châu, đẹp mắt, hoàn hảo, xé rách mành lưới kì phùng địch thủ HN T&T. Đáng tiếc, bàn thắng ấy, niềm vui ấy không trọn vẹn khi XM V Hải Phòng thất thủ vì bị lội ngược dòng.


	Bàn thắng hiếm hói trong sự nghiệp của Minh Châu, nhưng niềm vui đã không trọn vẹn

Bàn thắng hiếm hói trong sự nghiệp của Minh Châu, nhưng niềm vui đã không trọn vẹn

Mùa giải năm nay cũng rất khó cho Minh Châu, dù là công thần nhưng cầu thủ này vẫn phải cạnh tranh vị trí khi ông Hoàng Anh Tuấn cùng các học trò ở đội bóng K Khánh Hòa về đất Cảng.

Nhắc đến K Khánh Hòa, rất nhiều người lại tiếc nuối, khi Tấn Tài cũng không còn cơ hội trở thành biểu tượng của bóng đá nơi thành phố biển Nha Trang nữa, đơn giản, đội bóng này đã giải thể và chuyển giao về Hải Phòng ở cuối mùa trước.

Ở đất Ninh Bình, đội bóng V Ninh Bình đã từng được coi là “đội bóng của Mai Tiến Thành và những người bạn”. Thành “rìu” đến từ Thanh Hóa, cũng đã định gắn bó trọn đời với đội bóng Ninh Bình, nhưng rồi cũng chuẩn bị ra đi với số tiền vài trăm triệu đang được cân lên nhắc xuống.

Một đồng đội khác của Tiến Thành, là Danh Ngọc, từng là gương mặt tiêu biểu nhất trong lứa cầu thủ trẻ mà Nam Định đào tạo ra. Danh Ngọc đã phải tìm mọi cách để ra đi, bởi đơn giản, ở thời điểm đó, nếu vẫn còn đá ở Nam Định thì sẽ chẳng có tương lại.

Biểu tượng của các đội bóng, liệu có có không? Tìm một biểu tượng cho bóng đá Sài Gòn ở đội bóng XM XT Sài Gòn hiện tại, liệu có có không, sẽ là ai? Lấy đâu ra biểu tượng ở sân Gò Đậu, khi B Bình Dương cứ thay quân liên tục, đến công thần như Philani, có vô cùng nhiều đóng góp cho đội bóng cũng bị đẩy đi. Thanh Hóa, ĐT Long An, HN T&T, K Kiên Giang, Đồng Nai…cũng không có những cầu thủ biểu tượng cho mình.

Biểu tượng, anh ở đâu, khi ông bầu giờ đây đã bớt mặn mà với bóng đá. Cầu thủ, trong thời khó khăn này, khi có điều kiện ra đi, cũng phải đi để đá bóng kiếm thêm thu nhập cho chính mình. Thế nên, rất khó tìm ra những cầu thủ biểu tượng, thần tượng, ở bóng đá Việt Nam .

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại