Nhận xét về án phạt của Ban Kỷ luật VFF ban hành chiều 26-12, bà Oanh cho rằng “vẫn mong con trai mình có một cơ hội nữa để làm lại cuộc đời, nó vẫn còn quá trẻ...”.
4 tháng phấp phỏng, âu lo
Đúng 4 tháng sau phiên tòa xét xử nhóm cầu thủ CLB V.Ninh Bình tội đánh bạc (cá độ - dàn xếp tỉ số ở AFC Cup 2014 trong trận gặp chủ nhà Kelantan tại Malaysia vào tháng 3), 9 cầu thủ này (Trần Mạnh Dũng, Nguyễn Mạnh Dũng, Phạm Xuân Phú, Lê Quang Hùng, Chu Ngọc Anh, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Gia Từ, Phan Anh Tuấn và Nguyễn Văn Hưng) mới nhận bản án từ cơ quan quản lý, điều hành nền bóng đá nước nhà.
Với quyết định nghiêm khắc và dứt khoát, VFF nói rõ quan điểm: “Chỉ một lần “nhúng chàm”, cầu thủ sẽ vĩnh viễn bị gạch tên khỏi nền bóng đá này!”.
Mạnh Dũng (đứng - áo sậm) trong phiên tòa cách đây 4 tháng và mẹ anh (ảnh dưới) Ảnh: Hải Anh
Bị xem là chủ mưu, Trần Mạnh Dũng đã nhận án tù 30 tháng, 8 cầu thủ còn lại nhận án treo, mỗi người nộp phạt từ 15 triệu đến 20 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, mẹ của Trần Mạnh Dũng, từ ngày 25-8-2014 đến nay không còn can đảm để đọc báo, xem tivi bởi sợ phải chạm vào những tin tức liên quan đến bóng đá khiến nỗi đau trong bà “sống lại”.
Đúng 4 tháng sau ngày 25-8 định mệnh ấy, ngày bà Oanh phải xa đứa con bị phạt án tù, lại nhận thêm tin dữ.
“Tôi được chị họ của Dũng thông báo về việc VFF đã có lệnh cấm vĩnh viễn các cầu thủ hoạt động bóng đá. Tôi không biết nói gì nữa.
Suốt nửa năm qua mọi chuyện diễn biến quá nhanh, từ một cầu thủ trẻ tài năng, tuyển thủ quốc gia bây giờ mọi thứ với Dũng là con số 0” - bà Oanh nghẹn ngào.
Vỡ kế hoạch làm đám cưới
Mẹ của Trần Mạnh Dũng bảo rằng gia đình bà có nghề làm giò chả mấy chục năm nay nên nếu con trai bà không được chơi bóng nữa thì khi mãn hạn tù, Dũng sẽ về phụ bố mẹ gói giò.
“Nghề làm giò chả là kế sinh nhai của gia đình bao năm qua. Khi còn là một cầu thủ, Dũng vẫn thường phụ giúp bố mẹ nên có lẽ đây sẽ là nghề chính của nó khi mãn hạn tù” - bà Oanh tâm sự.
Trần Mạnh Dũng đã không thể thực hiện dự định lập gia đình trong năm 2014 khiến không khí gia đình cầu thủ người Nam Định càng thêm buồn.
Bà Oanh nói: “Dũng và các cầu thủ đã phạm sai lầm thì phải chấp hành án phạt. Dù vậy, tôi vẫn hy vọng một ngày nào đó cả pháp luật lẫn VFF sẽ cho con tôi và các cầu thủ khác hưởng sự khoan hồng.
Dũng còn quá trẻ nhưng đã mất cả tương lai và sự nghiệp thì tôi quá đau lòng”.
VFF sẽ gửi lệnh cấm lên FIFA
Ngoài việc cấm mọi hoạt động bóng đá vĩnh viễn, 9 cầu thủ V.Ninh Bình phải nộp tiền phạt 20 triệu đồng. Dư luận cho rằng bản án có phần nặng tay với nhóm cầu thủ này.
Tuy nhiên, Trưởng Ban Kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường cho rằng: “Điều 55 quy định kỷ luật VFF nói về hành vi cá độ, bán độ, môi giới cá độ bóng đá không phân biệt người tổ chức hay người tham gia.
Trong trường hợp các cầu thủ V.Ninh Bình tất cả đã đồng lòng dàn xếp tỉ số (thắng tổng cộng 800 triệu đồng), thỏa thuận rõ ràng số tiền chia cho từng người và thậm chí còn cầm tiền rồi nên hình phạt của họ là giống nhau.
Người tổ chức dàn xếp tỉ số đã nhận hình phạt về pháp luật nặng hơn”.
Theo ông Hường, sau khi bị công an điều tra, LĐBĐ châu Á (AFC) đã có lệnh cấm thi đấu các cầu thủ này ở đấu trường AFC Cup.
Tuy nhiên, với trách nhiệm của một liên đoàn thành viên LĐBĐ thế giới (FIFA), VFF sẽ gửi danh sách các cầu thủ này để FIFA ra lệnh cấm thi đấu trên phạm vi toàn cầu theo đúng quy định của bóng đá thế giới.
Trước đây, nhóm cầu thủ bán độ ở SEA Games 23 - 2005 (Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh...) cũng phải chịu những hình thức tương tự.
Các cầu thủ muốn khiếu nại
Bản án của VFF cho phép các cầu thủ có 15 ngày để khiếu nại lên Ban Giải quyết khiếu nại của VFF.
Nhiều cầu thủ như Quang Hùng, Gia Từ, Ngọc Anh muốn khiếu nại bởi theo họ, bản án của VFF hơi nặng tay.
Tuy vậy, ông Nguyễn Hải Hường cho biết: “Nhiều lần lãnh đạo VFF đã có tuyên bố áp dụng hình phạt cao nhất là loại vĩnh viễn khỏi đời sống bóng đá các cầu thủ tiêu cực nhưng nhiều cầu thủ vẫn không sợ”.
Theo ông Hường, hình phạt của VFF là nghiêm khắc và đủ sức răn đe chứ không thể nói là nặng hay nhẹ.