Bài học THỎ và RÙA

Đức Phan |

(Soha.vn) - Chỉ trong vòng 2 ngày, 2 nhà vô địch của bóng đá Việt Nam là ĐKVĐ V-League SHB.Đà Nẵng và ĐKVĐ Cup QG Xuân Thành Sài Gòn đều đã phải ôm hận trước những đại diện Malaysia. Kết quả đó cộng với thất bại tủi hổ tới 5 trắng của SHB.Đà Nẵng trên sân của Kelantan ở lượt đi một lần nữa cho thấy người Mã giờ đã thực sự trở thành khắc tinh của bóng đá Việt Nam…

Nếu quay ngược lại quá khứ hơn 1 thập kỷ về trước, ở giai đoạn cuối những năm cuối của thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 có lẽ không nhiều người hâm mộ Việt Nam có thể tưởng tượng ra cái viễn cảnh này. Khi mà ở thời điểm đó, bóng đá Malaysia đang lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng do hệ quả của chiến dịch bàn tay sạch, loại bỏ tiêu cực khỏi đời sống bóng đá nước này.

Cụ thể, vào năm 1994, Malaysia đã thẳng tay kỷ luật 84 cầu thủ có dính líu đến các đường dây mua bán độ ở các giải trong nước sau. Quá trình điều tra bắt đầu sau khi LĐBĐ Malaysia nhận được các báo cáo về một số trận có “mùi” và hiện tượng giàu lên một cách bất thường của nhiều cầu thủ, trong đó có 6 tuyển thủ quốc gia. Sau thời gian dài điều tra và đã tìm được đầy đủ bằng chứng, FAM quyết định hành động dù thời điểm ấy, đội tuyển Malaysia rất cần cầu thủ để chuẩn bị cho SEA Games 1995 tại Chiang Mai (Thái Lan). Có thể nói, LĐBĐ Malaysia đã không thương tiếc, chấp nhận đưa bóng đá nước này trở thành con số 0 tròn trĩnh trên trường quốc tế nhằm cắt bỏ hoàn toàn khối u nhọt tiêu cực.


	SHB.Đà Nẵng một lần nữa bị đánh bại bởi Kelantan

SHB.Đà Nẵng một lần nữa bị đánh bại bởi Kelantan

Tiếp đó, trong quá trình tái thiết, FAM đã áp dụng những biện pháp rất gắt gao. Các CLB của nước này bị cấm hoàn toàn việc sử dụng ngoại binh, nhằm dành chỗ phát triển năng lực cho cầu thủ nội, đặc biệt là cầu thủ trẻ. Không dừng lại ở đấy, FAM còn đưa ra quy định, từ mùa bóng 2005 – 2006, các đội ở giải chuyên nghiệp sẽ cùng một lúc phải có hai đội bóng ở tuyến trẻ để dự cúp U18 và U21. Đội bóng nào không có đủ hai đội tuyến trẻ sẽ bị đánh rớt hạng. Chính những quyết định mạnh tay của LĐBĐ Malaysia đã khiến người Mã có một thời gian đáng kể phải chấp nhận phận chiếu dưới ở sân chơi quốc tế, ở cả cấp ĐTQG lẫn CLB.

Nhưng đổi lại họ có được một nền móng rất vững chắc để phát triển. Để rồi đã thu được những quả ngọt đáng kể trong thời gian gần đây: cú đúp HCV Sea Ga mes 2009 và 2011, vô địch AFF Suzuki Cup 2010, đồng thời lọt vào bán kết AFF Suzuki Cup 2012. Cũng khi có được nền tảng vững như bàn thạch, FAM lại cho phép các CLB sử dụng ngoại binh và thế là nghiễm nhiên sức mạnh của các CLB nước này tăng lên rõ rệt, đủ sức đả bại các đại diện Việt Nam.

Có thể nói, Malaysia đã chọn con đường phát triển theo hướng chậm nhưng chắc và bền vững. Ngược lại, nếu nhìn sang V-Leauge chúng ta đã chọn phát triển theo kiểu bong bóng. Kể từ khoác lên mình cái mác chuyên nghiệp, các CLB lao vào cuộc đua tiền, cướp giật cầu thủ của nhau, nhập tịch ồ ạt thay vì đầu tư phát triển đào tạo trẻ. Đây là lỗi của VFF khi không có những biện pháp để quản lý, điều chỉnh kịp thời, mà thả nổi để các ông bầu thích làm gì thì làm. Hậu quả là đã có lúc V-League tự khoác lên người các mác hào nhoáng giải-đấu-số-1-Đông- Nam -Á. Thế nhưng, sự thực là nó giờ vẫn chỉ là một đống hoang tàn, với đầy rẫy vấn đề nội tại: từ nghi án tiêu cực cho đến chất lượng chuyên môn, khả năng thu hút khán giả rồi vấn đề tài chính…

Trong bối cảnh đó, ĐT Việt Nam ngày càng sa sút ngay cả ở “ao làng” khu vực cũng chẳng phải là điều gì khó hiểu. Có lẽ ngay ở thời điểm này thì câu nói của cựu HLV trưởng ĐTQG Alfred Riedl từ trước thời điểm diễn ra Tiger Cup 1998: “bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc” vẫn rất đúng với chúng ta.


	ĐKVĐ Cup QG Xuân Thành Sài Gòn cũng đã ôm hận trước đại diện Malaysia

ĐKVĐ Cup QG Xuân Thành Sài Gòn cũng đã ôm hận trước đại diện Malaysia

Sự tương phản trong cách làm bóng đá của Việt Nam và Malaysia chẳng khác nào câu chuyện giữa Thỏ và Rùa. Rùa Malaysia tuy chậm chạp, nhưng biết tính đường dài, cộng thêm vào đó là sự nỗ lực quyết tâm đến cùng đã đi đến đích. Trong khi đó, thỏ Việt Nam dù tốc độ bùng nổ (tượng trưng cho giai đoạn phát triển bong bóng) nhưng vì chệch hướng từ ngay trong tâm tưởng nên đành chịu trở thành kẻ chiến bại.

HLV Bojan Hodak của Kelantan khi đến làm khách trước SHB Đà Nẵng từng thổ lộ: “Chúng tôi muốn có nhiều tiền như các bạn (các đội bóng Việt Nam – PV)”. Song thực tế, có lẽ chính những người làm bóng đá Việt Nam mới là những người nhìn vào những thành tích cộng với lượng khán giả đến sân mơ ước (15.000 cho một trận đấu bình thường và 30.000 cho một trận cầu đinh cấp CLB) của người Mã mà thèm khát!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại