Ai còn dám cho con theo bóng đá?

Hữu Thời |

Không phải đến khi Anh Khoa hay Abass lên bàn mổ, người ta mới nói về vấn đề bạo lực trên sân cỏ Việt Nam. Nếu là một phụ huynh, bạn có dám cho con theo nghiệp bóng?

Những ngày qua, bóng đá Việt “no nê” tin tức, từ chuyện bầu Đức đòi sa thải HLV Miura, đến việc Hoàng Anh Gia Lai trụ hạng thần kỳ, hay Becamex Bình Dương xuất sắc giành hai ngôi vô địch.

Nhưng “từ khóa” nóng nhất chắc chắn là Ngọc Hải – Anh Khoa và Thanh Hào – Abass.

Cả Ngọc Hải và Thanh Hào đều là tuyển thủ quốc gia và có nhiều năm kinh nghiệm tại sân chơi chuyên nghiệp, vậy mà chỉ trong tích tắc, họ lại “vô ý” vào bóng nguy hiểm với đối phương, khiến cả hai bên đều chịu thiệt.

Là phụ huynh, nếu theo dõi cổ chân Abass gãy lìa hay đầu gối Anh Khoa gập ngược,họ có đủ dũng cảm để cho con mình theo đuổi sự nghiệp cầu thủ hay không?

Không thể phủ nhận, bóng đá là môn thể thao đối kháng, va chạm trên sân là chuyện đương nhiên. Nhưng nhìn vào V-League, đó không còn là những tình huống quyết liệt đơn thuần mà dường như đã nhuốm màu bạo lực.

Dưới một góc nhìn khác, là phụ huynh, nếu biết Ngọc Hải phải tốn cả tỷ đồng để chữa trị cho đồng nghiệp, họ có đủ điều kiện tài chính để ủng hộ giấc mơ sân cỏ của con?

Chỉ tại Việt Nam, cầu thủ lại kiêm luôn vai trò “bảo hiểm”, chi trả toàn bộ phí điều trị “tai nạn lao động” cho nạn nhân của mình.

Bạo lực không phải là vấn đề mới, nó đã tồn tại từ trước khi V-League ra đời . Vậy mà, các nhà tổ chức vẫn dửng dưng, miệng hô hào ngăn chặn bạo lực trước mỗi mùa giải nhưng kỳ thực chẳng có động thái quyết liệt nào.

Đến khi ai đó gãy chân, họ đổ vấy lên đầu “thủ phạm”. Một chế tài đủ mạnh để xử lý những pha bạo lực là điều còn thiếu tại Việt Nam.

Trẻ em Việt Nam đam mê bóng đá. Ảnh: Internet.
Trẻ em Việt Nam đam mê bóng đá. Ảnh: Internet.

Trẻ em Việt Nam đam mê bóng đá. Những đứa trẻ nông thôn hồ hởi chạy theo quả bóng trên góc ruộng chân rạ cháy khô.

Những cậu nhóc thị thành sút vào “cầu môn” giữa hai chiếc dép ở công viên chật hẹp. Chắc rằng, mỗi chúng ta đều đã từng mơ được khoác áo đội tuyển Việt Nam, như thần tượng Hồng Sơn, Huỳnh Đức trước đây, hay Công Vinh, Công Phượng bây giờ.

Thế nhưng, không ít phụ huynh đã dập tắt ước mơ con trẻ. Không hẳn họ ghét bóng đá, chỉ vì họ không muốn con mình gặp phải rủi ro khi thi đấu trên sân.

Có thể, thành kiến này đã khiến bóng đá Việt Nam mất đi nhiều tài năng trẻ, đó là những cậu bé bị gia đình cấm cản đến với trái bóng tròn.

Những người làm bóng đá, hãy thực tâm giải quyết những vấn đề bất cập, để mọi trẻ em đều được theo đuổi giấc mơ chính đáng của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại