Tờ Kyodo News của Nhật Bản mới đây tiến hành một cuộc khảo sát với kết quả, khoảng 80% người Nhật muốn Olympic và Paralympic Tokyo 2020 tạm hoãn hoặc huỷ bỏ để đảm bảo an toàn trước nguy cơ dịch COVID-19 tạo nên. Thủ đô Tokyo vừa trải qua một tuần lễ liên tục, số ca dương tính vượt quá 1.000 người/ngày.
Theo khảo sát của Kyodo News, 35,3% số người được hỏi muốn huỷ bỏ Thế vận hội và 44,8% ủng hộ phương án hoãn. Tỉ lệ ủng hộ tổ chức Olympic giảm 9% so với hồi tháng 12, xuống 41,3%. Trong khi đó, số người phản đối chiếm 42,8%. Thế vận hội Tokyo 2020 theo đúng kế hoạch diễn ra hồi tháng 8 vừa qua nhưng do dịch COVID-19 đã phải lùi sang năm 2021. Theo tính toán, việc hoãn Olympic khiến Nhật Bản tốn thêm 1,9 tỉ USD. Chính phủ nước này mặc dù vậy vẫn quyết tâm tổ chức Thế vận hội. Nhật Bản mới đây khẳng định sẽ tổ chức Olympic ngay cả trong trường hợp vẫn còn dịch COVID-19.
Mặc dù vậy, nếu diễn biến dịch trên thế giới không tiến triển tích cực, nỗ lực đơn lẻ của Nhật Bản khó đạt kết quả. Thực tế, nhiều quốc gia lớn hồi mùa hè đã từ chối tham dự Olympic Tokyo 2020 và đây là một trong những lý do khiến Nhật Bản buộc phải lùi thời điểm tổ chức Thế vận hội sang năm sau. Mặc dù trong thời gian qua, Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu đã đồng loạt triển khai việc tiêm phòng vắc-xin COVID-19, nhưng các dự báo cho thấy, dịch khó được kiểm soát hoàn toàn trong năm 2021. Trong trường hợp lạc quan nhất nếu vắc-xin có hiệu quả, mọi thứ chỉ có thể ổn thoả sau quý II năm sau. Điều này khiến cho một loạt giải đấu thể thao trên thế giới đối diện nguy cơ hoãn hoặc huỷ.
FIFA vừa qua đã quyết định huỷ VCK 17 và U19 thế giới. Mới đây, AFC cũng đang rậm rịch huỷ VCK U23 châu Á 2022. Tin cho biết về cơ bản AFC đã xác định sẽ huỷ các giải trẻ diễn ra trong tháng 3 và tháng 4/2021. Việc này sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch hành động của tất cả các quốc gia thành viên, bao gồm Việt Nam. Sắp tới, AFC sẽ tiếp tục họp để lấy ý kiến các tổ chức thành viên, trao đổi trước khi đưa ra quyết định cuối.
Ngoài ra, Vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á cũng đứng trước nguy cơ bị hoãn lại, thay vì khởi tranh tháng 3 năm sau như dự kiến. Trao đổi với Tiền Phong, Phó chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn thừa nhận, tình hình hiện rất khó khăn. “Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch COVID-19.
Chúng ta vì vậy có thể tổ chức thành công các giải đấu thể thao, bóng đá như V-League, tạo tiền đề cho đội tuyển Việt Nam có sự chuẩn bị tốt. Tuy nhiên nhiều quốc gia khác tình hình dịch vẫn rất phức tạp. Chúng tôi đã có ý kiến trao đổi trong nội bộ về việc AFC cần có phương án tổng thể”-ông Trần Quốc Tuấn cho biết.
Ông Trần Quốc Tuấn lấy ví dụ, trong khuôn khổ Vòng loại thứ 2 World Cup 2022 ở bảng G, Malaysia sẽ lần lượt gặp UAE ngày 25/3 trên sân khách và tiếp sau đó về sân nhà đón Việt Nam hôm 30/3. Như vậy nếu thực hiện đúng quy định phòng chống dịch của các nước liên quan, các đội tuyển đều không thể đủ thời gian thực hiện cách ly.
Trong khi đó Vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á còn khoảng 40 trận đấu phía trước. Theo ông Trần Quốc Tuấn, nếu chỉ ở góc độ chuyên môn, AFC có thể nghiên cứu phương án tập trung, tổ chức vòng loại tại một quốc gia. Tuy nhiên vấn đề phức tạp hơn bởi ngoài yếu tố kỹ thuật, AFC sẽ phải cân nhắc tới các yếu tố khác như tài chính, tài trợ, quan hệ đối tác…
Các quan chức UEFA cũng đang đứng ngồi không yên với kế hoạch tổ chức VCK EURO 2020. Không loại trừ khả năng EURO 2020 sẽ phải cắt giảm số thành phố đăng cai, đồng thời hạn chế hoặc không thể mở cửa với khán giả dù việc này có thể khiến BTC thất thu số tiền khổng lồ.