The Pianist (2002): Khi âm nhạc là thứ ngôn ngữ không biên giới

Duyệt Văn |

Một giai điệu chân phương tấu lên giữa bão táp chiến tranh về sự ngắn ngủi của kiếp người, những giá trị bất biến và lòng tin yêu cuộc sống.

Chuyện phim xoay quanh Władysław Szpilman - một nhạc công Do Thái sống tại Ba Lan trong thế chiến hai.

Từ đỉnh cao danh vọng, Szpilman bỗng chốc mất đi tất cả. Anh và gia đình bị dồn tới trại tập trung của phát xít, sống trong cảnh tạm bợ khổ sở và lao động chân tay nặng nhọc.

Tồi tệ hơn cả là gánh nặng tinh thần đeo đẳng suốt cuộc thanh trừng người Do Thái. Quân lính Đức có thể tùy ý đánh đập, xỉ nhục, và bắn giết bất cứ ai chúng thấy ngứa mắt. Một người bạn cũ, nể phục tài năng của Szpilman, gợi ý anh tham gia vào bộ máy cai trị để được hưởng cuộc sống an nhàn.

Nhưng Szpilman vẫn ngày ngày chơi nhạc ở quán cà phê, làm bốc vác, và cố gắng hỗ trợ những người cách mạng bằng cách giấu vũ khí vào bao lương thực. Phát xít liên tục bắt người Do Thái di chuyển tới những trại tập trung mới.

The Pianist (2002): Khi âm nhạc là thứ ngôn ngữ không biên giới  - Ảnh 1.

Câu chuyện đặc biệt bởi Szpilman không phải là hình mẫu anh hùng tiêu biểu - không quật cường phản kháng, cũng không tin vào lý tưởng cao xa. Szpilman - con người tưởng quá "nghệ sĩ", quá yếu đuối lại là người trụ lại cuối cùng sau cuộc chiến. Szpilman không phải người ích kỉ, cũng không phải kẻ phản bội.

Nhưng anh có một tình yêu cuộc sống và niềm tin vào con người vượt qua lằn ranh ý thức hệ.

Âm nhạc là ngôn ngữ của Szpilman - thứ ngôn ngữ không biên giới. Tình yêu của Szpilman với âm nhạc chưa từng được thể hiện trực tiếp qua lời nói, nhưng người xem có thể cảm nhận được xuyên suốt bộ phim. Ở nơi ẩn nấp của Szpilman có một chiếc piano cũ, nhưng anh không thể chơi vì phải đảm bảo yên lặng và bí mật.

Những ngón tay anh lướt trên khoảng không, không gian ngập tràn âm thanh thánh thót - những giai điệu chưa từng phai mờ trong tưởng tượng của người nhạc công, mặc cho bão táp chiến tranh.

The Pianist (2002): Khi âm nhạc là thứ ngôn ngữ không biên giới  - Ảnh 2.

Chính âm nhạc đã mang tới cho Szpilman người ân nhân cuối cùng - một sĩ quan Đức tình cờ phát hiện anh biến dạng vì đói khát trong ngôi nhà hoang. Khoảnh khắc Szpilman ngồi xuống chơi đàn, cán cân quyền lực đã đảo chiều.

Không còn là Szpilman - người Do Thái khốn khổ trốn chui lủi, đối mặt với tên phát xít bạo tàn có quyền sinh sát nữa, mà là hai con người cùng thăng hoa trong nghệ thuật. Anh quay lại, mang theo thức ăn và quần áo, giúp Szpilman vượt qua giai đoạn khốn khó cuối cùng. Nếu bị phát hiện, người sĩ quan có thể nhận kỉ luật, nhưng tâm hồn anh thanh thản.

Anh là ân nhân của Szpilman về vật chất, nhưng Szpilman là ân nhân của anh về tinh thần. Âm nhạc của Szpilman đã khơi gợi nơi người sĩ quan những xúc cảm về gia đình, về cái đẹp, cái thiện - phần nhân tính khuất lấp giữa bạo tàn chiến trận. Bộ phim đặt ra câu hỏi về những những giá trị bất biến, về câu chuyện "giữ mình" giữa hỗn loạn của thời cuộc.

The Pianist (2002): Khi âm nhạc là thứ ngôn ngữ không biên giới  - Ảnh 3.

Trong chiến tranh, người ta dễ say trong những nhân danh chân lí để vạch ra những ranh giới với nhau, để thỏa sức thóa mạ và chém giết "phía bên kia," mà nào biết rằng tình trạng ấy chỉ là tạm thời. Phát xít thất thủ, đến người Đức ở bệnh viện cũng bị giết chết.

Chính người sĩ quan Đức đã giúp đỡ Szpilman cũng bị hành hình. Sự tồn tai của Szpilman là minh chứng của nhân tính và mỹ cảm - những giá trị chân phương vẫn lấp lánh trong mỗi con người ở cả hai chiến tuyến. Xuyên suốt "The Pianist" còn lại những phút quặn lòng vì mất mát và tiếc nuối: người thương lấy chồng khi chưa kịp tỏ tình, gia đình biệt ly không kịp nói lời vĩnh quyết, ân nhân bị xử tử trước khi kịp gặp mặt.

Chỉ một khoảnh khắc không may mắn, Szpilman có thể như bao người, ngã xuống vì một viên đạn vô tình. Sự chia xa và chết chóc quá dễ dàng. Quyền lực nhanh chuyển ngôi, kiếp người cũng chỉ là cái chớp mắt của lịch sử. Nhưng không phải bởi vì vậy mà con người được quên cách sống làm người, được chán ghét cuộc sống.

Kể cả khi người nhạc công không được biểu diễn, âm nhạc vẫn chưa từng rời xa anh. Có một cuộc chiến lặng thầm đằng sau cuộc đấu tranh dai dẳng để tồn tại - cuộc chiến với chính mình - để vẫn duy trì ý chí và lòng tin vào cuộc sống khi tưởng như đã mất đi tất cả.

Là điều gì, nếu không phải đam mê thuần khiết với âm nhạc đã dẫn dắt Szpilman đi qua bao mất mát bạo tàn mà lòng không vương thù hận?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại