Tướng Mông Cổ bị điều tra vì 'tiếp tay' cho Triều Tiên

Một tư lệnh không quân Mông Cổ vừa từ chức và đang bị điều tra về cáo buộc mưu tính bán động cơ cùng các bộ phận khác của chiến đấu cơ Nga cho Triều Tiên.

Một chiếc Mig-21. Ảnh: Wikipedia
Một chiếc Mig-21. Ảnh: Wikipedia.

Cơ quan chống tham nhũng Mông Cổ thừa nhận có cuộc điều tra nhằm vào thiếu tướng Tojoon Dashdeleg và 2 doanh nhân, theo AP.

Cuộc điều tra nhằm vào thỏa thuận bán các động cơ và phế liệu của khoảng 20 chiến đấu cơ MiG-21 (đã thôi sử dụng) với giá 1,5 triệu USD hồi năm 2011.

Vụ việc vỡ lở vào tháng 11/2012, khi một nhà ngoại giao Triều Tiên than phiền với giới chức Mông Cổ rằng Bình Nhưỡng đã thanh toán tiền nhưng chưa hề nhận được “hàng”.

Ông E. Amarbat, phụ trách bộ phận điều tra của Cơ quan độc lập chống tham nhũng Mông Cổ, cho biết Thiếu tướng Dashdeleg và các doanh nhân đã trả phân nửa số tiền trên cho Triều Tiên.

“Tuy nhiên, điều này không có nghĩa bản án của họ sẽ được giảm phân nửa”, ông Amarbat nói với AFP nhưng từ chối bình luận về bản án có thể được tuyên.

Thỏa thuận tranh cãi làm nổi rõ vai trò của Mông Cổ như một trong số ít kênh liên lạc với thế giới bên ngoài của Triều Tiên. Quan hệ gần gũi giữa Ulan Bator và Bình Nhưỡng có nguồn gốc từ thời Liên Xô trước đây.

Trong thời gian xảy ra Chiến tranh Triều Tiên, Mông Cổ đã cung cấp ngựa và lương thực cho Triều Tiên, và hiện vẫn hỗ trợ lương thực cho Bình Nhưỡng, đa phần là gia súc. Khoảng 5.000 người Triều Tiên đang làm việc ở Mông Cổ, chủ yếu trong ngành xây dựng, trồng trọt và dệt, đáp ứng nhân công trong một nền kinh tế thiếu hụt nhân lực.

Chính vào lúc Mông Cổ đang chủ trì các cuộc đàm phán ngoại giao giữa Nhật Bản và Triều Tiên ở thủ đô Ulan Bator vào tháng 11/2012 thì thỏa thuận MiG-21 lọt vào tầm chú ý của chính phủ Mông Cổ.

Theo các bản tin truyền thông Mông Cổ, nhà ngoại giao Triều Tiên Song Il Ho đã nói với giới chức Mông Cổ: “Chúng tôi muốn nhận lại tiền”.

Việc bán các động cơ và phế liệu nói trên rõ ràng vi phạm một thỏa thuận hồi năm 1979, vốn cấm Mông Cổ bán và chuyển giao thiết bị hoặc máy móc quân sự do Liên Xô sản xuất cho bất kỳ nước thứ ba nào nếu không có sự đồng ý của quân đội Liên Xô.

Các cơ quan an ninh Nga đã từ chối cho phép chuyển giao, nhưng các động cơ và phế liệu đã được chuyển đến Triều Tiên qua ngả Trung Quốc dù chưa bao giờ đến được nơi cần đến, theo truyền thông Mông Cổ.

Sau khi hay tin có cuộc điều tra nói trên hồi đầu năm nay, thiếu tướng Dashdeleg đã vội vàng nộp đơn xin về hưu và từ chức.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại