Hành động có toan tính và chuẩn bị kỹ lưỡng
Những sự kiện trong thời gian vừa qua dường như khá nhất quán với cách ứng xử gần đây của Trung Quốc tại các vùng Biển Đông, theo đó Bắc Kinh thường sử dụng cả hai biện pháp là cưỡng ép về ngoại giao và ra chỉ dấu mạnh mẽ về quân sự để khẳng định chủ quyền.
Cách ứng xử này đã dẫn tới sự căng thẳng không chỉ với tàu Việt Nam mà cả các tàu của Mỹ, Nhật và Philippines.
Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật đe dọa để chia rẽ ASEAN, hòng khiến Philippines cũng như Việt Nam rút lui trong việc bảo vệ chủ quyền.
Liên tục những động thái quân sự quá khích đối với vùng lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam
Việc nước này cử một đội gồm 30 tàu cá và tàu hộ tống cũng nhằm chứng minh rằng nước này có thể triển khai một số lượng tàu lớn để áp đảo khả năng bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.
Tàu Ngư chính 310 thuộc loại lớn nhất của Trung Quốc, thường hoạt động ở Biển Đông. Ảnh:Nddaily.
Quyết định (về việc thành lập cơ sở đồn trú của quân đội Trung Quốc ở Tam Sa) của Quân ủy Trung ương Trung Quốc là động thái mạnh nhất trong thời gian qua, vì cơ quan này đại diện cho cấp lãnh đạo cao nhất ở Trung Quốc, và cũng phản ánh quan điểm của Quân đội Giải phóng Trung Quốc (PLA).
Ngoài các động thái quân sự ngông cuồng này, sáng 23.7 Trung Quốc tiếp tục gây ra một làn sóng phẫn nộ mới khi công khai họp “hội đồng nhân dân khóa I” và thành lập Bộ chỉ huy của cái gọi là “thành phố Tam Sa” (Trung Quốc) tại đảo Vĩnh Hưng, tức đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bất chấp mọi sự lên án kịch liệt.
Việc Bắc Kinh đã triển khai hiện diện quân sự đáng kể ở Biển Đông và quyết định rồi mới loan báo này là một động thái ngang ngược tiếp theo hầu khẳng định chủ quyền trong khu vực.
Thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" là một hành động mang tính chất leo thang xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Philippines quyết không nhân nhượng trước hành động "ngông cuồng" của TQ
Không chỉ gây áp lực cho Việt Nam, Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ khu
vực Biển Đông và thực hiện nhiều hoạt động rầm rộ tại đây, bất chấp sự
phản đối của các nước láng giềng.
Có thể thấy biển Đông
là nơi án ngữ tuyến đường vận tải hàng hóa quan trọng bậc nhất thế giới
và được cho là có nguồn tài nguyên khoáng sản và hải sản dồi dào liên quan đến sự sống còn của Trung Quốc.
Mới đây, một tàu hộ vệ của Trung Quốc mắc cạn tại địa điểm gần bãi Trăng Khuyết, cách đảo Palawan 60 hải lý, địa điểm mà Philippines tuyên bố nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Một quan chức ngư nghiệp cấp cao Trung Quốc tuần qua cũng đề xuất trang bị vũ khí cho ngư dân đi đánh cá tại Biển Đông khiến Philippines cảnh báo ý định này sẽ tạo ra một môi trường thù địch và tiếp tục làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino phát biểu trước quốc hội chiều 23/7. Ảnh:AFP
Phản ứng trước những hành động này, Tổng thống Benigno Aquino đã kêu gọi toàn dân Philippines đoàn kết trong việc gửi tới Trung Quốc một thông điệp rằng Manila sẽ không nhượng bộ trước Bắc Kinh.
"Nếu ai đó nhảy vào đất đai của chúng ta và nói đó là đất của họ, chúng ta có thể đồng ý không? Chúng ta cho đi những gì thuộc về mình thì có đúng hay không?", ông nói.
Hôm nay (24/7), Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có công hàm phản đối gửi tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc với thông điệp: "Việt Nam kiên quyết phản đối các hoạt động nói trên của Trung Quốc; đồng thời yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt và hủy bỏ ngay các hành động sai trái đó, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông".
Không chỉ các nước trong khu vực và thế giới mà ngay cả người dân Trung Quốc cũng lên án chính sách ngoại giao "tự cô lập" của nước này.
H. Huyền
(tổng hợp)