Nguyên liệu quan trọng
Đất hiếm được coi là loại khoáng sản hấp dẫn đối với Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước khác bởi giá trị về kinh tế, quân sự của nó.
Đất hiếm được sử dụng trong việc
chế tạo tất cả mọi thứ tinh xảo: từ máy nghe nhạc iPod đến tên lửa chính
xác có điều khiển. Trung Quốc hiện đang sản xuất hơn 95% sản lượng đất
hiếm trên thế giới và đang kiểm soát loại khoáng sản có ý nghĩa chiến
lược này đối với khu vực Đông Bắc Á.
Năm 2010, Trung Quốc đã đình chỉ xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản do tranh chấp biển đảo giữa hai nước. EU, Mỹ và Nhật Bản gần đây cũng kiện Trung Quốc lên WTO về việc thao túng giá bán đất hiếm.
Trong khi tình hình tranh chấp đang ngày càng leo thang thì Triều Tiên lại có lợi thế khi sở hữu nguồn khoáng sản này. Chính phủ Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên có thể sở hữu lượng đất hiếm trị giá 6.000 tỷ USD. Ngoài đất hiếm, Triều Tiên còn có trữ lượng rất phong phú về nhiều khoáng sản khác như vàng, kẽm, magiê…. Những năm gần đây, xuất khẩu khoáng sản chiếm tới 58% kim ngạch xuất khẩu của nước này.
Nếu Triều Tiên biết cách tạo điều kiện cho giới đầu tư thì việc xuất khẩu đất hiếm và các khoáng sản khác có thể khiến cho nước này “đổi đời”. Một mặt, nó giúp Triều Tiên vượt qua những trở ngại chính trị, thúc đẩy phát triển quan hệ với các nước giàu có trong khu vực. Thêm nữa, Triều Tiên có trở thành địa điểm hấp dẫn thu hút đầu tư đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác. Điều này sẽ làm thay đổi tương quan lực lượng ở Đông Bắc Á.
Đất hiếm có thể thay đổi vận mệnh của Bắc Triều Tiên. Ảnh worldpress.com
Yếu kém trong quản lý và phát triển
Để có thể "đổi đời", giá trị của các nguồn tài nguyên (bao gồm cả chi phí từ việc khai thác khoáng sản) của Triều Tiên phải lớn hơn nhiều so những rủi ro mà hoạt động kinh doanh ở nước này gây ra.
Trên thực tế, mặc dù các nguồn tài nguyên khoáng sản chiếm một tỷ lệ đáng
kể trong kim ngạch xuất khẩu, nhưng lĩnh vực khai khoáng của Triều
Tiên lại kém phát triển.
Người ta ước tính rằng, các mỏ ở Triều Tiên chỉ khai thác chưa đầy 30% công suất thiết kế. Nhiều mỏ thiếu nguồn cung năng lượng ổn định. Phần lớn các thiết bị khai khoáng có từ thời Chiến tranh lạnh và không còn được chế tạo nữa. Triều Tiên cũng thiếu các nguồn lực để phát triển lại các mỏ trong nước và phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài để tăng sản lượng khoáng sản.
Trung Quốc hiện là đối tác lớn nhất trên thị trường khoáng sản Triều Tiên. Song Trung Quốc lại đang trả giá cho khoáng sản mua của Bắc Triều Tiên thấp hơn nhiều so với giá khoáng sản cùng loại mua từ các nước khác. Trong khi đó, hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Triều Tiên lại có giá cao hơn. Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đông Bắc Trung Quốc đang lợi dụng mối quan hệ đặc biệt giữa Trung Quốc và Triều Tiên để vốn đang tìm cách tối đa hóa lợi thế kinh tế.
Như vậy, trong thời điểm hiện tại, nếu một công ty đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng của Triều Tiên, công ty này sẽ phải chi tiền nâng cấp hạ tầng cơ sở (đường sá chẳng hạn) để có thể khai thác các mỏ hẻo lánh. Họ cũng sẽ phải tham gia làm các đường bộ hoặc đường sắt, nhập khẩu các máy phát điện lớn chạy bằng dầu diesel, mua các loại thiết bị vận chuyển và phải phục hồi lại hệ sinh thái sau khi khai thác xong…
Đó là chưa kể công ty này phải chuyển quặng thô ra nước ngoài để tinh chế vì Triều Tiên không có các loại thiết bị hoặc công nghệ tương ứng. Mặc dù Triều Tiên đã xây dựng xong một nhà máy tinh chế đất hiếm, nhưng cho đến nay nhà máy này vẫn chưa đi vào hoạt động vì thiếu nguồn cung cấp điện.
Nếu Triều Tiên chưa khắc phục được những yếu kém trong khâu quản lý và hạ tầng cơ sở, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không dám mạo hiểm lao vào lĩnh vực khai khoáng ở nước này.
Hơn nữa, nếu Triều Tiên không tiến hành cải cách nền kinh tế, những lợi ích từ các dự án khai khoáng khó có thể đến với người dân và sinh lợi cho nền kinh tế quốc dân. Thiếu cải cách mở cửa, có nhiều khả năng nền kinh tế Triều Tiên sẽ vẫn tiếp tục trì trệ và nước này sẽ vẫn phải bán tài nguyên cho Trung Quốc với giá rẻ để thu về ngoại tệ.